Tản mạn về trang phục đi lễ chùa

08:12, 20/12/2019

Từ lâu, lễ chùa đã trở thành phong tục truyền thống của người Việt. Việc đi lễ chùa cũng cần có văn hóa và một trong những nét văn hóa đi chùa chính là trang phục. 

Một cửa hàng bán quần áo phật tử ở thành phố Nam Định.
Một cửa hàng bán quần áo phật tử ở thành phố Nam Định.

Xã hội ngày càng phát triển, vấn đề ăn mặc càng được quan tâm. Trong đó, thế hệ trẻ là những đối tượng nhạy bén với thời trang, nhanh chóng thích ứng với nhiều xu hướng, phong cách thời trang khác nhau. Một số bạn trẻ đã tiếp thu và chọn lọc để có phong cách ăn mặc hài hòa, phù hợp với giới tính, độ tuổi, hoàn cảnh giao tiếp. Bên cạnh đó, các kiểu thời trang truyền thống vẫn còn được yêu thích và sử dụng rộng rãi. Trên thực tế, cũng không có quy định hay những yêu cầu khi mặc đồ lên chùa. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng trang phục khi đi lễ chùa cần kín đáo. Người nhà Phật vẫn hình thành những quy ước ngầm về trang phục chuẩn mực cho bất cứ tín đồ Phật tử nào khi bước vào chùa. Thầy Thích Đàm Đào, Trụ trì Chùa Thanh Am, xã Nam Toàn (Nam Trực) từng chia sẻ quy định với phật tử khi đi lễ hoặc tụng niệm phải mặc áo tràng xám, còn đối với người không quy y đạo Phật thì cũng phải ăn mặc trang nghiêm, không hở hang. Đó không chỉ là nét đẹp văn hóa mà còn khiến cho bất cứ ai đi lễ đều cảm thấy an lạc nơi cửa thiền. Đến các đền, chùa, những chốn linh thiêng thời gian qua, nhiều bạn trẻ đã lựa chọn cho mình những trang phục nhã nhặn, thanh lịch, kín đáo. Bạn Trần Thu Hằng, thành phố Nam Định cho biết: “Mỗi dịp đi lễ chùa cầu may, mình và bạn bè thường lựa chọn mặc quần áo phật tử. Đền, chùa là chốn linh thiêng, thanh tịnh nên mình thấy mặc những trang phục kín đáo, nhã nhặn vừa thể hiện lòng thành kính nơi chốn linh thiêng, vừa là phép lịch sự đối với các ông, bà đi chùa”. Chị Nguyễn Thị Kiều Hoa, chủ một cửa hàng chuyên bán đồ phật tử ở đường Trường Chinh, thành phố Nam Định cho biết: “Không chỉ những người trung niên mới tìm mua trang phục phật tử mà vài năm gần đây, các bạn trẻ cũng rất yêu trang phục này. Quần áo phật tử được làm từ chất liệu thoáng nhẹ, thiết kế kín đáo, thoải mái, có các gam màu như xanh, xám nhạt, xám tro, hồng nhạt… Giá bán mỗi bộ dao động từ 150 đến 250 nghìn đồng, tùy thuộc vào kiểu dáng và chất liệu”.  

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận giới trẻ có dấu hiệu lệch lạc trong phong cách ăn mặc, đua đòi theo xu hướng thời trang “kỳ lạ”; mục đích là tạo ra sự khác biệt, gây chú ý từ người khác. Thậm chí có những bạn trẻ đã đến chùa cầu nguyện trong những chiếc áo mỏng, váy ngắn hay những chiếc quần bò rách tả tơi. Điều này gây phản cảm, không phù hợp với tính chất linh thiêng của đền, chùa. Chia sẻ bức xúc về những hình ảnh này, bạn Nguyễn Thủy Tiên, thành phố Nam Định chia sẻ: “Mình thấy việc đến chùa là để cầu nguyện vì chùa gắn liền với các vị thần linh, là chốn linh thiêng và có nhiều người cao tuổi. Vì thế việc mặc trang phục đi lễ chùa cũng phải thật sự lịch sự và chỉnh tề. Mình không tán thành việc các bạn nữ diện những chiếc váy ngắn, quần tất hay những chiếc quần quá rách. Chúng ta cần xây dựng một nét đẹp văn hóa trang phục đi lễ chùa”. 

Việc lựa chọn trang phục là quyền của mỗi cá nhân nhưng khi đến các đền, chùa, cần phải lựa chọn cho mình bộ đồ phù hợp nhất, không làm ảnh hưởng đến không gian linh thiêng - Đặc biệt là các bạn trẻ. Hãy xây dựng một nền văn hóa đi chùa thân thiện và phù hợp./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa



đồng phục mầm non Tượng Quan Âm Mẫu áo thun đồng phục cao cấp, giá rẻXưởng may đồng phục học sinh giá sỉ

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com