Về xóm 5, xã Xuân Thượng (Xuân Trường) chúng tôi gặp chị Trần Thị Trang, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thiềm Trang. Thuộc thế hệ 8X, với sự năng động, cần cù, chịu khó, vợ chồng chị đã vượt khó đi lên từ hai bàn tay trắng.
Chị Trần Thị Trang, xã Xuân Thượng chăm sóc vườn lan của gia đình. |
Hơn 10 năm trước, từ Hà Nội về quê, vốn liếng không có, các con còn nhỏ, cuộc sống hết sức khó khăn, chị Trang phải bươn chải đủ nghề, từ buôn cót, bán nón đến làm quẩy để bán. Không cam chịu đói nghèo, vợ chồng chị cất công đi lên các vùng Hòa Bình, Phú Thọ mua giống lan về trồng. Sau một thời gian thử nghiệm, chị lựa chọn trồng lan phi điệp do đặc tính dễ chăm sóc, mặt hoa đẹp, hương thơm, giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng. Có năm, riêng bán 1 vườn lan, chị thu về 250 triệu đồng. Hiện tại, vườn lan phi điệp nhà chị có khoảng 300 giò, trong đó có nhiều giò trị giá từ 20-30 triệu đồng. Cùng với trồng lan, chị Trang còn thuê đất của bà con trong xã, sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn có sự liên kết giữa các khâu sản xuất (cung ứng lúa giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thu mua lúa) trên tổng diện tích hơn 20 mẫu. Để phục vụ sản xuất, chế biến lúa gạo, gia đình chị đầu tư mua máy sấy thóc trị giá trên 100 triệu đồng, máy xát gạo liên hoàn trị giá trên 200 triệu đồng và các loại máy cày bừa, máy gieo sạ, máy phun thuốc sâu, máy gặt… Được sự quan tâm hỗ trợ của các cấp Hội Nông dân, Phụ nữ, tháng 11-2019, Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thiềm Trang được thành lập với 7 thành viên tham gia. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, Hợp tác xã đã tạo ra các sản phẩm chất lượng, an toàn, được người tiêu dùng ưa chuộng, tiêu biểu là sản phẩm lúa đặc sản Bắc hương, nếp cái hoa vàng; bán ra thị trường nhiều tỉnh, thành phố như: Hà Giang, Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Vũng Tàu… Hợp tác xã tạo việc làm cho 7 lao động địa phương (trong đó 3 lao động nữ), thu nhập từ 3 đến 4 triệu đồng/người/tháng. Chị Trang dự định trong thời gian tới khi thuê thêm được đất sẽ trồng, chế biến ớt cấp đông và gạo nếp cẩm xuất sang thị trường Hàn Quốc. Còn tại xóm Cống Đá, xã Xuân Ninh, chị Đỗ Thị Mai là chủ cơ sở trồng nấm sò được nhiều người biết đến. Nhận thấy nghề trồng nấm phù hợp với phụ nữ nông thôn, giúp chị em có việc làm ổn định ngay tại địa phương, thuận tiện cho việc chăm sóc con cái; đồng thời tận dụng được các phế phẩm từ nông, lâm nghiệp như rơm rạ, mạt cưa, bông thải góp phần bảo vệ môi trường, chị Mai đã đầu tư xây dựng nhà xưởng sản xuất. Trải qua những khó khăn ban đầu, đến nay, cơ sở của chị ngày càng phát triển, doanh thu đạt 1 đến 1,5 tỷ đồng/năm; tạo việc làm cho 10 lao động (trong đó có 8 lao động nữ) với mức thu nhập từ 3-4 triệu đồng/người/tháng.
Hội Phụ nữ huyện Xuân Trường có 43.140 hội viên, sinh hoạt tại 313 chi hội. Thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ trong huyện đã triển khai các phong trào thi đua tới địa bàn cơ sở với nhiều hình thức và cách làm sáng tạo. Đặc biệt, phong trào thi đua làm kinh tế giỏi đã được cán bộ, hội viên và các tầng lớp phụ nữ trong huyện hưởng ứng tích cực. Cùng với sự hỗ trợ của các cấp Hội, nhiều hội viên đã mạnh dạn, năng động, tìm hướng phát triển kinh tế, khẳng định vị trí, vai trò của mình trong sản xuất, kinh doanh, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc, tiến bộ. Để đẩy mạnh phong trào thi đua làm kinh tế giỏi, các cấp Hội Phụ nữ tiếp tục triển khai thực hiện Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”, phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Năm 2019, Hội Phụ nữ huyện đã phối hợp với các phòng chức năng của Hội Phụ nữ tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị truyền thông về công tác đào tạo, dạy nghề cho hội viên phụ nữ tại các xã Xuân Trung, Xuân Đài. Tích cực tham gia “Ngày Phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp” do Hội Phụ nữ tỉnh phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh tổ chức với 3 nhóm sản phẩm tham gia gồm: Nhóm sản phẩm nông nghiệp sạch của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đình Mộc; nhóm sản phẩm lúa gạo của Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thiềm Trang, xã Xuân Thượng và các sản phẩm nấm của Hội Phụ nữ xã Xuân Ninh. Hội Phụ nữ huyện còn phối hợp với Câu lạc bộ nữ doanh nhân huyện tổ chức đào tạo nghề, tạo việc làm, tạo điều kiện cho phụ nữ được lao động sản xuất tại các công ty, cơ sở sản xuất do các nữ doanh nhân làm chủ. Phối hợp tổ chức các lớp tập huấn kiến thức khởi sự doanh nghiệp, quản lý doanh nghiệp; chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt. Tiếp tục duy trì, nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể nhằm liên kết chị em phát triển sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế như: “Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thiềm Trang” xã Xuân Thượng; “Tổ liên kết sản xuất rau an toàn xã Xuân Ninh”... Để giúp hội viên có điều kiện phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, hàng năm, các cấp Hội Phụ nữ trong huyện còn tổ chức khảo sát và phân loại phụ nữ nghèo, đặc biệt là phụ nữ nghèo làm chủ hộ, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch giúp đỡ về vốn, giống, kinh nghiệm sản xuất; đứng ra ký kết, nhận ủy thác các nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng cho hội viên vay. Đến nay, Hội Phụ nữ huyện đang đứng ra nhận ủy thác gần 107 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho 4.822 hộ vay; từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện 102 tỷ đồng cho 1.024 hộ vay. Nguồn vốn từ Quỹ quay vòng Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh trên 5,2 tỷ đồng cho 1.262 thành viên vay tại 5 đơn vị thụ hưởng dự án. Nguồn vốn từ Quỹ TYM trên 20,3 tỷ đồng cho 1.433 lượt thành viên vay; huy động tiết kiệm trên 4,8 tỷ đồng tại 10 xã, thị trấn. Từ phong trào thi đua “Phụ nữ làm kinh tế giỏi” đã xuất hiện ngày càng nhiều phụ nữ sản xuất, kinh doanh giỏi là chủ trang trại, chủ hộ kinh doanh, chủ doanh nghiệp với quy mô lớn, hiệu quả kinh tế cao, không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.
Bài và ảnh: Lam Hồng