Những điển hình làm kinh tế giỏi ở Mỹ Lộc

08:12, 23/12/2019

huyện Mỹ Lộc những năm gần đây đã xuất hiện nhiều tấm gương phát triển kinh tế giỏi từ áp dụng kiến thức được đào tạo qua các lớp tập huấn kỹ thuật sử dụng phân bón và chăm sóc hoa, cây cảnh; tập huấn và dạy nghề phục vụ phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở các Trung tâm học tập cộng đồng.

Tại xã Mỹ Trung tiêu biểu vươn lên làm giàu như anh Nguyễn Văn Thu, xóm 11 có trang trại trồng hoa hồng cổ Sapa. Năm 2017, anh được tham gia lớp phổ biến kiến thức chăm sóc hoa, cây cảnh và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và học hỏi thêm kinh nghiệm trồng hoa, chăm sóc hoa hồng tại một số làng hoa có tiếng trên cả nước như Trà Khê (Thái Bình), Mê Linh (Vĩnh Phúc), Văn Giang (Hưng Yên)… Anh đã mạnh dạn đầu tư trồng 1 vạn cây hoa hồng, trong đó có 5.000 cây bố mẹ trên diện tích 3.600m2 để cung cấp cho công trình trường học và khu du lịch một số tỉnh, thành phố trên cả nước như: Nghệ An, Thanh Hoá, Sapa, Lào Cai, Nha Trang, Bình Thuận. Mô hình trồng hoa hồng cổ Sapa của anh cho doanh thu khoảng 200-300 triệu đồng mỗi năm sau khi đã trừ chi phí, đồng thời tạo việc làm thường xuyên cho từ 7-10 lao động với mức thu nhập từ 4,8 triệu đến 9 triệu đồng/người/tháng. Tại xã Mỹ Trung còn có anh Trần Bùi Nam với trang trại nuôi gà ở xóm 10. “Khởi nghiệp” từ năm 2013, không có điều kiện thời gian để học dài hơi, vừa làm anh vừa tích cực tham gia các lớp đào tạo nghề, chuyển giao kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi tổ chức tại Trung tâm học tập cộng đồng xã và tham khảo thêm kinh nghiệm nuôi gà đẻ trứng tại một số công ty hàng đầu trong nước về áp dụng, anh bắt tay vào mở trang trại nuôi gà trên diện tích hơn 6.000m2. Anh chọn giống gà Isabrow (Pháp) là giống gà có sức đề kháng cao, chăm sóc ít tốn công và cho sản lượng trứng cao, chất lượng tốt. Với kinh nghiệm học được từ Trung tâm học tập cộng đồng xã, anh luôn chú trọng  vận dụng các kỹ thuật được tập huấn từ phòng ngừa dịch bệnh, chăm sóc đàn gà theo quy trình rất nghiêm ngặt như tiêm phòng đúng lịch, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, sử dụng thức ăn rõ nguồn gốc được nhập từ các công ty chất lượng hàng đầu Việt Nam… Hiện tại trang trại của anh nuôi 6.000 con gà cho sản lượng 5.000 quả trứng/ngày, cung cấp cho các siêu thị tại Hà Nội. Mỗi năm anh đạt doanh thu trên 3 tỷ đồng, trừ chi phí, lãi  trên 400 triệu đồng.

Anh Trần Bùi Nam, xóm 11, xã Mỹ Trung áp dụng kiến thức được tập huấn trong nuôi gà siêu trứng đạt hiệu quả cao, mỗi ngày thu 6.000 quả trứng, cho thu nhập hơn 400 triệu đồng/năm.
Anh Trần Bùi Nam, xóm 11, xã Mỹ Trung áp dụng kiến thức được tập huấn trong nuôi gà siêu trứng đạt hiệu quả cao, mỗi ngày thu 6.000 quả trứng, cho thu nhập hơn 400 triệu đồng/năm.

Tại xã Mỹ Tân, anh Nguyễn Văn Đại, thôn Hồng Hà 2 nhờ áp dụng kiến thức từ các lớp học ở Trung tâm học tập cộng đồng xã đã vươn lên làm giàu từ nghề trồng hoa. Hiện gia đình anh là một trong số ít các hộ có diện tích trồng hoa lớn tại xã, mỗi năm cho thu nhập 300-500 triệu đồng tới hàng tỷ đồng. Đặc biệt, mỗi vụ hoa Tết, anh trồng khoảng 1,5 mẫu các loại hoa được ưa chuộng như hoa ly, cát tường, đồng tiền, hồng tỷ muội. Kết quả thực tế, anh còn được Trung tâm học tập cộng đồng xã và Ban Nông nghiệp xã mời phổ biến kinh nghiệm tại lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hoa ly cho bà con nông dân địa phương. 

Anh Trần Văn Quyên, xóm 1, xã Mỹ Hà cũng là điển hình tiêu biểu xây dựng thành công mô hình kinh tế trang trại cho thu nhập cao. Là người tích cực tham gia các lớp học do Trung tâm học tập cộng đồng xã tổ chức, cộng với tinh thần ham học hỏi, năng động, dám nghĩ, dám làm, hiện nay anh là chủ một trang trại nuôi cá trắm đen. Năm 2003, khi xã Mỹ Tân có chủ trương khuyến khích nhân dân chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang xây dựng các mô hình trang trại, anh đấu thầu hơn 2ha để xây dựng mô hình. Nhưng khi bắt tay vào làm, chưa nắm chắc nhu cầu thị trường và các kỹ thuật sản xuất nên anh gặp khó khăn. Anh tham gia tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản của Hội Nông dân xã và các lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản do Trung tâm học tập cộng đồng xã tổ chức, đồng thời tham quan, học tập tại các mô hình trang trại làm ăn hiệu quả quanh vùng. Hiện nay, anh đã xây dựng được gần chục ao nuôi cá trắm đen và một số loại cá khác như trôi, mè, chép… Ngoài ra, anh còn duy trì nuôi thường xuyên 30-40 con lợn/lứa, kết hợp trồng cây cảnh và một số loại cây ăn quả… Mỗi năm gia đình anh xuất bán ra thị trường từ 5 đến 7 tấn cá, cho doanh thu 600-800 triệu đồng. Ngoài nuôi cá, anh kết hợp nuôi 20-30 con lợn nái cùng với trồng cây cảnh và cây ăn quả… cho thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm. Không chỉ giúp gia đình thoát nghèo bền vững, trang trại của anh Quyên còn trở thành địa chỉ mẫu để nhiều hộ dân trong xã, trong vùng đến tìm hiểu, học tập. Cũng tại Mỹ Hà còn có bác Trần Công Lộc ở xóm 16 đã thành công trong phát triển kinh tế gia đình nhờ áp dụng kiến thức từ Trung tâm học tập cộng đồng xã để nuôi các loại cá truyền thống và nuôi gà theo phương thức công nghiệp. Ngoài ra, bác Lộc đã chủ động liên kết với Cty CJ (Hàn Quốc) và một số doanh nghiệp, trung tâm giống thủy sản ở trong và ngoài tỉnh… để được hỗ trợ về kỹ thuật nuôi, hỗ trợ về con giống, thức ăn, cách phòng chống dịch bệnh. Mỗi năm, trang trại của gia đình bác nuôi được 6 lứa gà, mỗi lứa 5.000-8.000 con và thả cá, doanh thu đạt hàng tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động…

Từ kiến thức thu nhận được tại các Trung tâm học tập cộng đồng, nhiều nông dân đã mạnh dạn dám nghĩ dám làm, đầu tư trang trại, gia trại, từng bước ứng dụng công nghệ khoa học kỹ thuật để phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi đem lại thu nhập cao ngay trên chính đồng đất quê hương./.

Bài và ảnh: Minh Thuận

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com