Huyện Nghĩa Hưng hiện có 26 trường mầm non công lập với trên 370 nhóm lớp. Để nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ lứa tuổi mầm non, những năm qua, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ từ đầu tư cơ sở vật chất, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên.
Giờ học tô màu của các cháu Trường Mầm non Nghĩa Thái. |
Đến nay tất cả các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn huyện đều có điều kiện vật chất trường lớp đảm bảo an toàn về thể chất và tinh thần cho trẻ. Cả 26 trường mầm non trong huyện đều thực hiện nghiêm túc việc khám sức khỏe định kỳ, theo dõi sức khỏe bằng biểu đồ, quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh và đều tổ chức nuôi ăn bán trú. Theo số liệu đánh giá mới đây nhất của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng trong các trường mầm non chỉ còn 7,8%, tỷ lệ trẻ béo phì là 0,1%. Các trường thực hiện hiệu quả việc đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm giáo dục toàn diện, tích hợp; tăng cường hoạt động vui chơi, cơ hội để trẻ được trải nghiệm, khám phá; đẩy mạnh sự tương tác giữa cô và trẻ, giữa trẻ với trẻ, giữa trẻ với gia đình và giáo viên; chú trọng giáo dục hình thành và phát triển kỹ năng sống phù hợp với độ tuổi của trẻ. Tiêu biểu trong chăm sóc, giáo dục trẻ là trường mầm non các xã: Nghĩa Trung, Nghĩa Minh, Nghĩa Thịnh, Nghĩa Đồng, Nghĩa Sơn, Hoàng Nam, thị trấn Liễu Đề. 100% trường mầm non trong huyện đang thực hiện các chuyên đề “Nâng cao chất lượng giáo dục thực hiện chuyên đề phát triển vận động cho trẻ trong trường mầm non” và “Xây dựng môi trường giáo dục mầm non lấy trẻ làm trung tâm”. Đặc biệt, thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2016-2020”, từ năm 2016, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện chọn 4 trường mầm non: Nghĩa Minh, Nghĩa Thịnh, Nghĩa Trung và thị trấn Rạng Đông làm điểm. Các đơn vị điểm đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, xây dựng đủ phòng học, tăng diện tích sân chơi, sân cỏ, cải tạo làm mới vườn trường, bổ sung đồ chơi tự tạo ngoài trời, trồng thêm cây xanh bóng mát, bổ sung đủ các đồ dùng, dụng cụ, phương tiện chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục trẻ và thiết bị phòng học. Xây dựng môi trường giao tiếp thân mật giữa cô và trẻ, giữa trẻ và trẻ, xây dựng các mối quan hệ thân thiện trong nhà trường, thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt và các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của trẻ theo các tiêu chí thực hành áp dụng trong chuyên đề. Bên cạnh đó, các trường thực hiện đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục và đánh giá sự phát triển của trẻ; phối hợp với cha mẹ trẻ, các đoàn thể, các tổ chức xã hội và cộng đồng nhân dân địa phương tuyên truyền về nội dung chuyên đề, từ đó huy động các nguồn lực để hỗ trợ đầu tư mua sắm trang thiết bị, cải tạo môi trường và tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục cho trẻ... Cùng với xây dựng điểm, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện chỉ đạo nhân rộng mô hình ở tất cả các trường mầm non trong huyện. Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường tổ chức bồi dưỡng, nâng cao năng lực thực hiện chuyên đề cho cán bộ, giáo viên; làm tốt công tác xã hội hoá để huy động nguồn lực tăng cường cơ sở vật chất cho nhà trường; tổ chức các buổi tập huấn, hội thảo, tham quan trao đổi kinh nghiệm, học hỏi những cách làm hay, sáng tạo. Sau 3 năm thực hiện chuyên đề, đến nay hầu hết các trường mầm non của huyện đã có môi trường giáo dục về cơ bản đạt yêu cầu, tạo cơ hội cho trẻ thực hành, trải nghiệm rèn luyện các kỹ năng sống. Toàn huyện đã xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa hàng trăm phòng học kiên cố, bếp ăn, công trình vệ sinh, công trình nước sạch, phòng chức năng, sân chơi, vườn trường, bổ sung trang thiết bị cho trên 370 nhóm lớp...; tận dụng các không gian để tổ chức cho trẻ hoạt động phù hợp, linh hoạt, đa dạng, phong phú, các góc hoạt động trong và ngoài lớp mang tính mở tạo điều kiện cho trẻ dễ dàng tự lựa chọn và sử dụng đồ vật, đồ chơi để thực hành, trải nghiệm. Các trường đều xây dựng và triển khai quy tắc ứng xử có văn hóa trong nhà trường đảm bảo hành vi, lời nói, thái độ của giáo viên đối với trẻ và những người khác luôn mẫu mực nêu gương cho trẻ. Trong chăm sóc giáo dục trẻ, các nhà trường đã chú trọng rèn kỹ năng giao tiếp, sinh hoạt ăn uống, ngủ nghỉ, vệ sinh, vui chơi. Cán bộ quản lý các trường tập trung nghiên cứu thực đơn, giờ giấc tổ chức ăn, nhu cầu ăn uống, ngủ nghỉ trong ngày của trẻ để chỉ đạo kết hợp thực hiện nhịp nhàng, phù hợp các hoạt động chăm sóc, giáo dục cho trẻ từng độ tuổi.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng trẻ, thời gian tới các địa phương tiếp tục đầu tư kinh phí, trang thiết bị phục vụ nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ ở các trường mầm non. Tăng cường bồi dưỡng giáo viên về sử dụng, tận dụng môi trường hiện có, tôn tạo cảnh quan môi trường, trang thiết bị, đồ chơi cho trẻ và trang bị, cập nhật các kiến thức về chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ cho cán bộ quản lý và giáo viên các trường còn khó khăn, các trường xa trung tâm. Đẩy mạnh huy động các nguồn lực nhằm mở rộng quỹ đất, đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị xây dựng môi trường giáo dục an toàn đáp ứng yêu cầu chăm sóc nuôi dưỡng trẻ. Nâng cao chất lượng chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp, tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết và sáng tạo cho đội ngũ cán bộ, giáo viên./.
Bài và ảnh: Minh Thuận