Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình của tỉnh ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hàng năm, tỉnh ta hoàn thành và hoàn thành vượt mức hầu hết các chỉ tiêu nhiệm vụ công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, khống chế được tốc độ gia tăng dân số. Năm 2019, toàn tỉnh ước có 28.095 bé được sinh ra, giảm 110 bé so với năm 2018; tỷ suất sinh giảm 0,12%o so với năm 2018 (đạt chỉ tiêu kế hoạch); trong đó, 5.854 bé là con thứ 3 trở lên, giảm 216 bé so với năm 2018; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm 0,68% (đạt chỉ tiêu kế hoạch). Tỷ số giới tính khi sinh là 114,5 bé trai/100 bé gái (đạt chỉ tiêu kế hoạch).
Cán bộ Trạm Y tế xã Trung Thành (Vụ Bản) cho trẻ em uống vitamin A. |
Đạt được kết quả trên, tỉnh ta đã triển khai các giải pháp giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục nỗ lực giảm mức sinh, tiến tới đạt và duy trì mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số. Các cấp ủy Đảng, chính quyền đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình. UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương triển khai kế hoạch hành động của tỉnh giai đoạn 2016-2020 thực hiện Chiến lược Dân số - Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân số - kế hoạch hóa gia đình; kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản tới các tầng lớp nhân dân được đẩy mạnh. Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh: Báo Nam Định, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Trang thông tin điện tử của Sở Y tế, Đài phát thanh các huyện, thành phố và trên mạng xã hội để đẩy mạnh truyền thông về dân số. Toàn tỉnh tổ chức 161 buổi nói chuyện chuyên đề về bình đẳng giới, mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình tại các xã, phường, thị trấn cho trên 21 nghìn lượt người; tổ chức 131 buổi nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt ngoại khóa về công tác dân số, bình đẳng giới và mất cân bằng giới tính khi sinh cho hơn 12 nghìn học sinh các trường trung học cơ sở trong tỉnh. Cung cấp 50 nghìn tờ gấp, sách lật tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình đến các đối tượng. Tổ chức hoạt động tư vấn và cung cấp dịch vụ dân số - kế hoạch hóa gia đình cho đối tượng vị thành niên, thanh niên, công nhân tại các khu công nghiệp; tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân… Các địa phương trong tỉnh cũng thường xuyên tổ chức tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng; ưu tiên cho vùng khó khăn, vùng ven biển và tập trung vào các nhóm đối tượng là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ; vị thành niên và thanh niên. Trong năm 2019, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh đã tổ chức hàng chục lớp tập huấn cung cấp thông tin, phương pháp, kỹ năng truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh cho 900 cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dân số; tổ chức hội thảo chuyên đề “Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh” với sự tham dự của lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố nhằm bàn giải pháp để từng bước đưa tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh ta về mức 110 bé trai/100 bé gái vào năm 2030; phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức 5 hội nghị cung cấp thông tin, phương pháp, kỹ năng truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh cho 600 hội viên phụ nữ. Thực hiện Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh phối hợp với Hội Người cao tuổi tỉnh và Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho trên 1.000 người cao tuổi và người thân người cao tuổi trên địa bàn thành phố Nam Định và các huyện: Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Nam Trực. Qua các hoạt động tuyên truyền, vận động đa dạng, hướng tới từng nhóm đối tượng cụ thể đã từng bước nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của các tầng lớp nhân dân trong công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình theo chiều hướng tích cực. Trong năm 2019, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh triển khai 2 đợt chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ kế hoạch hóa gia đình tại trên 200 xã, phường, thị trấn của 10 huyện, thành phố, tập trung tại những địa bàn có mức sinh cao, tỷ lệ người sinh con thứ 3 trở lên cao và vùng khó khăn; với tổng mức hỗ trợ là 560 triệu đồng, nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về công tác dân số, từ đó chuyển đổi hành vi, chủ động thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Vận động thanh niên tham gia tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân; phụ nữ mang thai tham gia tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh; hỗ trợ các trạm y tế về trang thiết bị, dụng cụ, dịch vụ kỹ thuật đảm bảo an toàn, thuận tiện cho khách hàng sử dụng các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình. Chi cục đảm bảo cung cấp đầy đủ phương tiện tránh thai (cả miễn phí và tiếp thị, xã hội hóa) cho các huyện, thành phố phục vụ đối tượng có nhu cầu. Hỗ trợ 49 bộ đặt tháo dụng cụ tử cung, 49 bộ khám phụ khoa, 3 nồi hấp và 3 tủ sấy cho Trung tâm Y tế và trạm y tế các xã triển khai chiến dịch. Năm 2019 toàn tỉnh có 54.688 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ mới chấp nhận sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại để thực hiện kế hoạch hóa gia đình, đạt 99,1% kế hoạch năm. Trong đó: 10.404 ca đặt dụng cụ tử cung, 2.370 ca tiêm thuốc tránh thai, 121 ca cấy thuốc tránh thai, 18.075 người uống thuốc tránh thai, 23.651 người sử dụng bao cao su… Cùng với công tác kế hoạch hóa gia đình, các ngành chức năng, các huyện, thành phố đẩy mạnh các hoạt động nâng cao chất lượng dân số thể chất, trí tuệ, tinh thần, nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình. Phụ nữ có thai thường xuyên được cán bộ Trạm Y tế xã kiểm tra sức khỏe, được theo dõi tiêm phòng đầy đủ, siêu âm để theo dõi tầm soát phát hiện sớm các dị tật bẩm sinh. Trẻ sơ sinh được lấy mẫu máu gót chân để phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh thiếu men G6DP, suy giáp trạng bẩm sinh...; 100% trẻ được tiêm chủng phòng chống các bệnh lây và không lây, được uống đầy đủ vitamin A, phòng chống suy dinh dưỡng nhằm đảm bảo sức khỏe trong giai đoạn đầu đời. Nhờ đó đã góp phần tích cực vào việc cải thiện chất lượng dân số của tỉnh, tỷ lệ tử vong mẹ và con trong quá trình sinh nở được giảm thiểu, tỷ lệ sử dụng dịch vụ tầm soát trước sinh và sau sinh ngày càng tăng. Tuy nhiên, công tác dân số của tỉnh vẫn đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức phát sinh từ thực tế như: Quy mô dân số lớn, tỉnh ta hiện có số dân đông, kết quả giảm sinh chưa thực sự bền vững, sức khỏe sinh sản của vị thành niên, thanh niên còn nhiều hạn chế.
Hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia về dân số (từ ngày 1 đến 31-12-2019) và Ngày Dân số Việt Nam (26-12-2019) với chủ đề: “Đồng hành cùng sự nghiệp Dân số và Phát triển vì sự phồn vinh của đất nước”, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương tổ chức các biện pháp thiết thực nhằm tiếp tục giảm mức sinh, tiến tới đạt và duy trì mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số./.
Bài và ảnh: Minh Tân