Trong năm qua, phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong cán bộ, công nhân, viên chức, lao động được Liên đoàn Lao động huyện Nam Trực quan tâm đẩy mạnh, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động, qua đó thúc đẩy phong trào lao động sáng tạo trong công nhân, viên chức, lao động góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.
Cô giáo Phạm Thị Ngọc, Trường Trung học cơ sở Nguyễn Hiền cùng đội tuyển học sinh giỏi môn Hóa học trong giờ thực hành. |
Huyện Nam Trực hiện có 9.800 đoàn viên, sinh hoạt tại 134 công đoàn cơ sở. Để phong trào đạt kết quả thiết thực, Liên đoàn Lao động huyện đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Công đoàn trong huyện cụ thể hóa nội dung thi đua gắn với nhiệm vụ chính trị của từng ngành; động viên đoàn viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phát huy tính năng động, sáng tạo, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tiếp thu và ứng dụng hiệu quả khoa học, công nghệ tiên tiến vào sản xuất và công tác. Bên cạnh đó, Liên đoàn Lao động huyện còn bám sát tình hình thực tế tại địa phương, phát động các phong trào thi đua yêu nước trong công nhân, viên chức, lao động. Tiêu biểu như phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; phong trào “Phát huy sáng kiến kinh nghiệm, nghiên cứu khoa học”; phong trào “Xanh - sạch - đẹp, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động”; phong trào “Công đoàn Nam Định chung sức xây dựng nông thôn mới”; cuộc vận động “Xây dựng người cán bộ công chức trung thành, tận tụy, sáng tạo, gương mẫu”... Đặc biệt, phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đã được 100% các công đoàn cơ sở tham gia hưởng ứng, đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và đời sống của người lao động. Điển hình như sáng kiến “Tiết kiệm mực in dành cho máy in thẻ giá” của đoàn viên Trần Thị Thu Thủy, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Yamani Dynasty. Trước đây công ty sử dụng thẻ nhựa từ nhằm mục đích định danh và quản lý con người. Ưu điểm của việc in thẻ nhựa sẽ giúp doanh nghiệp chủ động, linh hoạt hơn trong việc phát hành thẻ hay lựa chọn các chi tiết để in thẻ cũng dễ dàng hơn. Nhưng khi sử dụng máy in thẻ, giá một cuộn mực chỉ in được một lần rồi vứt bỏ, rất lãng phí. Thông qua quan sát, tính toán, chị Thủy thấy cuộn mực có bề ngang gần gấp đôi thẻ giá, nếu căn chỉnh lần in đầu tiên sao cho diện tích thẻ giá bằng một nửa diện tích cuộn mực và cứ in hết một loạt thẻ giá hết độ dài của cuộn mực, sau đó đổi ngược đầu, căn chỉnh đúng phần nửa diện tích còn lại khớp với diện tích thẻ giá. Với cách in này một cuộn mực có thể in được 2 lần và tiết kiệm được nửa chi phí mà chất lượng thẻ giá vẫn đảm bảo. Sáng kiến đã được áp dụng cho những máy in có cùng chức năng in thẻ giá, tiết kiệm cho công ty hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Hay cô giáo Phạm Thị Ngọc, Trường Trung học cơ sở Nguyễn Hiền với sáng kiến kinh nghiệm “Các chuyên đề bồi dưỡng học sinh giỏi Hóa học theo chương trình liên thông giữa Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong với các trường trung học cơ sở xây dựng cơ sở giáo dục chất lượng cao tỉnh Nam Định”. Trước khi có khung chương trình liên thông, giáo viên thường sử dụng các sách nâng cao của lớp 8, 9, 10, 11, 12 làm tài liệu giảng dạy, bồi dưỡng học sinh giỏi và ôn thi vào Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong môn Hóa học, trong đó chú trọng sử dụng các sách nâng cao lớp 10, 11, 12 làm nội dung giảng dạy. Sự lựa chọn tài liệu phần nhiều dựa vào kinh nghiệm và cảm tính của giáo viên dạy đội tuyển mà chưa có một văn bản hướng dẫn, do đó nhiều nội dung giáo viên còn lúng túng… Sáng kiến của cô tập trung vào nội dung các chuyên đề là tài liệu phù hợp cho giáo viên ôn thi học sinh giỏi Hóa học cấp trung học cơ sở, đặc biệt là giáo viên tại các trường đang xây dựng trung tâm chất lượng cao. Kết quả, học sinh có kiến thức toàn diện, chắc chắn theo nội dung chương trình liên thông, vận dụng tốt để giải quyết các dạng bài tập định tính và định lượng. Chất lượng đại trà luôn đạt trên 90% học sinh đạt khá, giỏi trở lên, không có học sinh học lực yếu, kém, luôn đứng đầu huyện trong các kỳ khảo sát. Đội tuyển học sinh giỏi môn Hóa học của Trường Trung học cơ sở Nguyễn Hiền thi học sinh giỏi lớp 9 cấp tỉnh và thi vào Trung học phổ thông chuyên ổn định trong tốp dẫn đầu toàn tỉnh. Sáng kiến của cô Ngọc được Sở Khoa học và Công nghệ công nhận là sáng kiến cải tiến kỹ thuật hợp lý hóa sản xuất, Liên đoàn Lao động tỉnh tặng Bằng khen. Từ đầu năm 2019 đến nay, toàn huyện có 400 đề tài, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được đưa vào áp dụng có hiệu quả làm lợi cho cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hàng tỷ đồng, nhiều đề tài có tính ứng dụng cao ở các lĩnh vực: công nghiệp, nông nghiệp, y tế, giáo dục… Trong đó có 1 đề tài được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo; 3 sáng kiến kinh nghiệm được Sở Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận sáng kiến cấp tỉnh. Hàng năm, có trên 85% đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động đạt danh hiệu Lao động tiên tiến… Thông qua các phong trào thi đua, đội ngũ công nhân, viên chức, lao động đã bám sát mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, từ đó góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của Liên đoàn Lao động huyện Nam Trực đã có sức lan tỏa mạnh mẽ và hiệu ứng tích cực đối với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Thời gian tới, Liên đoàn Lao động huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, phát động các phong trào thi đua yêu nước, trong đó có phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong công nhân, viên chức, lao động, góp phần vào việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của địa phương./.
Bài và ảnh: Văn Huỳnh