Tỉnh ta có trên 47 vạn giáo dân, chiếm 25% dân số, cư trú ở 199/229 xã, phường, thị trấn. Những năm qua, phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo tiếp tục được duy trì và phát triển với nhiều mô hình hay, cách làm tốt, qua đó đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Giáo dân xã Hải Chính (Hải Hậu) trong mùa đánh bắt hải sản. |
Năm 2019, phong trào thi đua phát triển kinh tế, góp phần tăng hộ giàu, giảm hộ nghèo trong đồng bào công giáo tiếp tục được đẩy mạnh. Nhiều gia đình giáo dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu kinh tế, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các loại cây, con, giống mới có năng suất và giá trị kinh tế cao vào sản xuất, nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần thực hiện chủ trương giảm nghèo. Các huyện có đông giáo dân vẫn phát huy được truyền thống thâm canh trong sản xuất nông nghiệp, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo mô hình chăn nuôi gia trại, trang trại; mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa có năng suất thấp sang nuôi trồng thủy hải sản, trồng cây dược liệu đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu như bà con giáo dân các giáo xứ, họ huyện: Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Xuân Trường và Trực Ninh. Trong lĩnh vực phát triển công nghiệp, dịch vụ và khôi phục các làng nghề truyền thống cũng được đồng bào Công giáo tích cực tham gia đẩy mạnh, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động, tạo ra nhiều mặt hàng công nghiệp xuất khẩu đa dạng phong phú. Điển hình như giáo dân xứ Kiên Lao, Thánh Danh (Xuân Trường), họ An Tôn, giáo họ Bình Yên, xứ Tương Nam (Nam Trực) duy trì, phát triển nghề cơ khí, đúc nhôm; làng nghề giáo xứ Báo Đáp làm hoa nhựa, hoa vải, đèn ông sao; nghề may áo dài, váy cưới của giáo xứ Đại Đồng (Giao Thủy). Giáo dân xứ Phạm Pháo (Hải Hậu), Trung Lao (Trực Ninh) sản xuất đồ gỗ cao cấp và kim hoàn; giáo dân họ Thánh Tâm, xứ Phú Nhai có nhiều cơ sở sản xuất đồ gỗ cao cấp như chạm kiệu, tòa và sơn son thiếp vàng; giáo dân họ nhà xứ Phú Nhai với nghề thêu phục vụ lễ hội; giáo dân xứ Đại Lại (Vụ Bản) sản xuất hàng mây tre đan xuất khẩu. Nhiều giáo dân tiêu biểu trong phát triển kinh tế như các ông: Trần Văn Dĩnh, Giám đốc Công ty Thương mại dịch vụ đóng tàu và vận tải Trường An (Trực Ninh); Trần Văn Thơ Trùm chánh Giáo xứ Thánh Mẫu (Xuân Trường), Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quang Vinh chuyên sản xuất và chế biến lâm sản; Phạm Thanh Chương, Giám đốc Công ty Sản xuất muối I-ốt Thanh Chương (Hải Hậu)… Bên cạnh đó, phong trào “Đẹp xóm làng, đẹp xứ họ, đẹp nhà cửa, đẹp ruộng đồng” đã thu hút đông đảo đồng bào Công giáo tham gia, góp phần tích cực vào việc giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới. 5 năm qua, đồng bào Công giáo trong tỉnh đã hiến trên 20 nghìn m2 đất, hơn 200 tỷ đồng làm đường giao thông nông thôn, xây dựng các công trình phúc lợi trong thôn, xóm. Hầu hết các gia đình giáo dân đã thực hiện tốt nếp sống văn hóa theo hương ước; đấu tranh bài trừ các tệ nạn, hủ tục lạc hậu. Ngày càng có thêm nhiều gia đình đạt tiêu chuẩn “Gia đình Công giáo gương mẫu”, xứ, họ đạt tiêu chuẩn “Xứ, họ tiên tiến”. Với quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể các cấp, đặc biệt sự hưởng ứng đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong đó có đông đảo bà con giáo dân, đến tháng 7-2019, tỉnh ta đã về đích nông thôn mới với 100% số xã, thị trấn, 10/10 đơn vị hành chính cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới và là một trong hai tỉnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đồng bộ, nâng cao theo hướng sáng - xanh - sạch - đẹp; kinh tế nông nghiệp, nông thôn có sự phát triển, chuyển dịch tích cực theo hướng hàng hóa với quy mô, trình độ, hiệu quả cao hơn; sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và thu hút đầu tư vào địa bàn nông thôn đạt kết quả khá; thu nhập của người dân tăng hơn 3,5 lần so với năm 2010; công tác giữ gìn, bảo vệ môi trường và làm đẹp cảnh quan nông thôn đã trở thành hoạt động thường xuyên ở địa phương. Tiếp nối những thành công đó, bà con giáo dân trong tỉnh đang nỗ lực tiếp tục tham gia xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao. Ngoài ra, công tác từ thiện bác ái trong đồng bào Công giáo cũng đạt được nhiều kết quả nổi bật. Năm 2019, trong dịp Lễ Noel và Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, các xứ, họ đạo đã trao 9.442 phần quà với số tiền trên 4,8 tỷ đồng, 450 chiếc bánh chưng, 8.052kg gạo, 10 xe lăn, 410 bộ quần áo và các hiện vật khác cho các gia đình chính sách, người già, neo đơn, tàn tật, mồ côi và cơ sở trại phong cùi Văn Môn (tỉnh Thái Bình). Giáo xứ Khoái Đồng, thành phố Nam Định tiếp tục thực hiện chương trình bữa cơm thiện nguyện dành cho các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn tại các bệnh viện trong tỉnh với tổng số 11.520 suất, trị giá gần 173 triệu đồng. Tu viện nữ tu Đaminh Phú Nhai (Bùi Chu) tổ chức gặp mặt những người tàn tật, cô đơn, dự bữa cơm tất niên và biếu quà mỗi người 10kg gạo; Giáo xứ Nam Phương (Hải Hậu), giáo xứ Chính tòa Bùi Chu (Xuân Trường) tổ chức “nồi cháo tình thương” cho các bệnh nhân ở Bệnh viện Đa khoa huyện Hải Hậu và Bệnh viện Đa khoa huyện Xuân Trường. Ủy ban Caritas, Giáo phận Bùi Chu đã phối hợp với Bệnh viện Mắt Trung ương thực hiện chương trình phẫu thuật thay thủy tinh thể cho gần 400 bệnh nhân trong tỉnh tại Trung tâm Y tế huyện Hải Hậu…
Thông qua các phong trào thi đua, nhiều cá nhân và khu dân cư của đồng bào Công giáo đã trở thành các điển hình tiêu biểu trong lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, giúp nhau giảm nghèo; đấu tranh phòng, chống các tệ nạn xã hội; xây dựng nếp sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời đẹp đạo. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Công giáo không ngừng được cải thiện. Các xứ, họ đạo ngày càng khang trang, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố./.
Bài và ảnh: Lam Hồng