Từ đầu năm 2019 đến nay, Bảo hiểm Xã hội huyện Vụ Bản đã triển khai nhiều giải pháp phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; đồng thời tăng thu, giảm nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Tính đến hết tháng 8-2019, toàn huyện có 46.778 người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với tổng số tiền thu 173,181 tỷ đồng (đạt 62,2% kế hoạch Bảo hiểm Xã hội tỉnh giao). Trong đó, thu bảo hiểm xã hội bắt buộc 95,91 tỷ đồng, bảo hiểm xã hội tự nguyện 2,46 tỷ đồng, bảo hiểm y tế 65,68 tỷ đồng, bảo hiểm thất nghiệp 6,92 tỷ đồng.
Cán bộ Bảo hiểm Xã hội huyện Vụ Bản rà soát các đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. |
Để đạt được kết quả trên, Bảo hiểm Xã hội huyện Vụ Bản đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; tập trung thực hiện các giải pháp thu, chi bảo hiểm xã hội; giải quyết kịp thời hồ sơ và chi trả các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định. Hàng tháng, Bảo hiểm Xã hội huyện phối hợp với các đơn vị sử dụng lao động thanh, quyết toán kịp thời các chế độ ốm đau, thai sản, nghỉ dưỡng cho người lao động; đồng thời khắc phục tình trạng vi phạm chính sách bảo hiểm xã hội của các đơn vị, doanh nghiệp. Công tác chi trả lương hưu, chế độ chính sách, trợ cấp bảo hiểm xã hội cho đối tượng thụ hưởng tại các điểm chi trả qua hệ thống bưu điện được thực hiện đảm bảo đúng nguyên tắc theo phương châm “Kịp thời, an toàn, thuận tiện”. Trong công tác thu bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện, Bảo hiểm Xã hội huyện không ngừng mở rộng hệ thống đại lý thu trên địa bàn; tổ chức khảo sát cơ sở, tập huấn nghiệp vụ chuyên môn cho nhân viên các đại lý thu. Đến nay, toàn huyện có 51 đại lý thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tại 18 xã, thị trấn gồm hệ thống các trạm y tế, bưu điện văn hoá, Hội Phụ nữ xã. Để nâng cao hiệu quả các đại lý thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, Bảo hiểm Xã hội huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cổ động trực quan; phối hợp với Liên đoàn Lao động, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Trung tâm Y tế huyện... cung cấp hàng nghìn tờ rơi bảo hiểm y tế hộ gia đình, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên, tài liệu về Luật Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế (sửa đổi, bổ sung)... đến các tầng lớp nhân dân. Từ đầu năm đến nay, Bảo hiểm Xã hội huyện phối hợp với Bưu điện huyện tổ chức 29 hội nghị tuyên truyền, tư vấn, đối thoại chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tại các xã, thị trấn, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn. Qua các đợt tuyên truyền, đối thoại, nhận thức của người dân về quyền lợi, trách nhiệm tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế được nâng lên. Đến nay, toàn huyện có 358 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, 102.416 người tham gia bảo hiểm y tế (tỷ lệ bao phủ đạt 90,49%), tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế đạt 97,1%.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của huyện Vụ Bản vẫn còn khó khăn. Thực trạng các đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế diễn biến phức tạp. Đến hết ngày 31-8-2019, trên địa bàn huyện có 116 đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; trong đó có 38 cơ quan, đơn vị nợ từ 3 tháng trở lên; tổng số tiền nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là 11,718 tỷ đồng (tỷ lệ 4,2%); thu lãi phạt chậm đóng hơn 265 triệu đồng. Nhiều doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội nhiều tháng như: Hợp tác xã nông nghiệp Khánh Lão nợ 59 tháng, số tiền nợ 135 triệu đồng; Công ty Cổ phần Thành Vinh nợ 40 tháng, số tiền nợ 336 triệu đồng; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng và Thương mại Thông Oanh nợ 20 tháng, số tiền nợ 60 triệu đồng; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng Hà Nam; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng và Thương mại Phương Hoa; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Vận tải Minh Hằng; Hợp tác xã nông nghiệp Trùng Khánh; Công ty Cổ phần Gạch ngói Vạn Xuân… Trước thực trạng đó, Bảo hiểm Xã hội huyện đã áp dụng nhiều biện pháp thu hồi nợ như: Đối chiếu dữ liệu, thông báo kết quả thực hiện đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế hàng tháng lên Bảo hiểm Xã hội tỉnh; tính lãi phạt chậm đóng đối với các đơn vị sử dụng lao động; gắn công tác thu nộp của đơn vị sử dụng lao động với việc giải quyết chế độ cho người lao động; phát huy hiệu quả hoạt động của tổ thu hồi nợ liên ngành. Hàng quý Bảo hiểm Xã hội huyện gửi danh sách những đơn vị nợ đọng tiền bảo hiểm xã hội từ 3 tháng trở lên đề nghị UBND huyện, Bảo hiểm Xã hội tỉnh tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý theo quy định và thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Theo lãnh đạo Bảo hiểm Xã hội huyện Vụ Bản, tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội vẫn phổ biến ở các doanh nghiệp. Nguyên nhân do cơ chế thu hồi nợ bảo hiểm xã hội vẫn chưa đủ sức răn đe, chủ yếu là nhắc nhở, đôn đốc. Tại các đơn vị, doanh nghiệp nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, ý thức tuân thủ pháp luật của chủ sử dụng lao động chưa nghiêm; nhiều doanh nghiệp cố tình nợ bảo hiểm xã hội, chấp nhận bị phạt để chiếm dụng quỹ bảo hiểm xã hội. Vì lợi nhuận nên nhiều chủ sử dụng lao động tìm mọi cách trốn tránh việc tham gia bảo hiểm xã hội bằng cách ký hợp đồng lao động với người lao động dưới 3 tháng và cách quãng thời gian; không đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động đúng với mức lương được trả, chỉ tham gia với mức lương tối thiểu… Xác định công tác thu là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt quá trình hoạt động của ngành, đáp ứng yêu cầu chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động và sự tăng trưởng, bình ổn Quỹ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, thời gian tới, Bảo hiểm Xã hội huyện Vụ Bản tiếp tục tham mưu với Huyện uỷ, UBND huyện, Bảo hiểm Xã hội tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội trên địa bàn. Tăng cường phối hợp với các cơ quan hữu quan trong việc triển khai công tác thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Tăng cường rà soát, nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp; trên cơ sở đó phát hiện những đơn vị chưa tham gia hoặc đã tham gia nhưng chưa hết số lao động hiện có để đưa vào danh sách quản lý, tìm biện pháp khắc phục nộp dần số nợ, kết hợp giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội; lập hồ sơ khởi kiện các đơn vị nợ lớn, nợ đọng kéo dài, khai báo số lượng lao động thấp hơn thực tế./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng