Chúng tôi đến Trường Mầm non Sao Vàng - điểm sáng trong phong trào thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” của thành phố Nam Định. Ban giám hiệu nhà trường cho biết: Nhà trường xác định việc thực hiện chuyên đề xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm là thiết thực góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ. Trường đã đầu tư cải tạo không gian cảnh quan khuôn viên khang trang, sạch đẹp, an toàn, thân thiện thuận tiện cho trẻ học tập, vui chơi như phân khu vườn hoa, cây cảnh, khu lắp đặt đồ chơi vận động… giúp học sinh được trải nghiệm lý thú, hấp dẫn cho trẻ. Hành lang các tầng được giáo viên phát huy sáng kiến trang trí, thiết kế cảnh quan theo nhiều chủ đề sinh động, bổ sung hoa, cây cảnh… tạo không gian gần gũi và đặc biệt hấp dẫn trẻ khi đến trường. Nhà trường đặc biệt chú trọng đổi mới phương pháp giáo dục, tăng cường các yếu tố trải nghiệm, phát huy tính tích cực của trẻ. Những hoạt động trải nghiệm sôi nổi, hấp dẫn với quy mô lớn (cấp trường, khối), nhỏ (tại các lớp), các hoạt động khám phá thiên nhiên, ngoài trời… đã giúp các bé tăng sự tò mò, ham hiểu biết và khám phá thế giới xung quanh; rèn luyện các kỹ năng, thói quen tốt như biết lắng nghe, tư duy độc lập, tự đặt câu hỏi, mạnh dạn tự tin hơn trong tất cả các hoạt động và các môi trường quen, lạ… Tại Trường Mầm non 8-3, thực hiện chuyên đề xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, trường chú trọng các hoạt động trải nghiệm, rèn kỹ năng sống phù hợp với trẻ mầm non trong giai đoạn hiện nay như tổ chức lớp học kỹ năng sống, kỹ năng tự vệ khi gặp người xấu, kỹ năng tham gia giao thông an toàn, phòng tránh các vật dụng nguy hiểm như điện, lửa, củi… khi không có người lớn đi cùng. Sau 3 năm thực hiện chuyên đề xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, nhà trường đã có những “đột phá” về chăm sóc và giáo dục trẻ. Qua đó, tạo cho trẻ làm quen với các loại hình học tập gần gũi với cuộc sống đời thường, giúp trẻ phát triển tốt về cảm nhận, sinh hoạt tập thể và biết cách giao tiếp với mọi người, từ đó hình thành các kỹ năng, thói quen tốt từ độ tuổi mầm non.
Hoạt động vui chơi của các cháu Trường Mầm non Hàn Thuyên (thành phố Nam Định). |
Thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2016-2020”, các trường mầm non trên địa bàn thành phố Nam Định đã triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh và của phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố. Theo đó, phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố đã chỉ đạo các nhà trường bồi dưỡng và nâng cao năng lực thực hiện chuyên đề cho cán bộ, giáo viên; làm tốt công tác xã hội hoá để tăng cường cơ sở vật chất cho nhà trường; tổ chức các buổi tập huấn, hội thảo, tham quan... nhằm tạo cơ hội cho các trường trao đổi kinh nghiệm, học hỏi những cách làm hay, sáng tạo. Đầu năm học, phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố đã chỉ đạo các nhà trường rà soát lại các điều kiện theo các tiêu chí “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, từ đó chủ động xây dựng kế hoạch đầu tư sửa chữa, cải tạo trường, lớp. Các trường mầm non, các nhóm lớp thực hiện chuyên đề đã làm tốt việc xây dựng môi trường trong và ngoài lớp học theo hướng mở, tạo môi trường để trẻ được khám phá trải nghiệm và phát huy được khả năng của trẻ. Các khu vực trong trường được quy hoạch linh hoạt, tận dụng mọi không gian để trẻ hoạt động một cách phù hợp, đa dạng; đồ dùng, đồ chơi phong phú được thiết kế sử dụng theo hướng mở, kích thích được sự tò mò và hứng thú của trẻ. Giáo viên tại các trường điểm, nhóm lớp làm điểm xây dựng chuyên đề nắm chắc nội dung chuyên đề, triển khai thực hiện chuyên đề tại nhóm lớp do mình phụ trách một cách hiệu quả. Giáo viên đã chủ động, linh hoạt trong việc lập kế hoạch và đổi mới phương pháp giảng dạy, cách tiếp cận vấn đề phù hợp với nhu cầu, nhận thức của trẻ. Trẻ hào hứng, tích cực tham gia hoạt động, đặc biệt là các hoạt động thực hành, trải nghiệm, khám phá nên rất nhanh nhẹn, tự tin, khỏe mạnh. Từ các trường thực hiện điểm, nhóm lớp điểm, hiện tại mô hình đã được nhân rộng trên địa bàn thành phố với 35/35 trường mầm non thực hiện. Các nhà trường đã xây dựng các góc vui chơi đáp ứng nhu cầu, hứng thú chơi của trẻ, tạo điều kiện cho trẻ hoạt động trải nghiệm dưới nhiều hình thức trong môi trường mở, an toàn; chú trọng hình thành kỹ năng, phát triển năng khiếu của trẻ thông qua các hoạt động; tổ chức nghiêm túc hoạt động sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn, trong đó chú trọng bồi dưỡng, tập huấn hướng dẫn hỗ trợ áp dụng các tiêu chí thực hành “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”. Cả 35 trường mầm non trên địa bàn thành phố đều đã tổ chức cho trẻ tham gia các hoạt động tham quan, trải nghiệm như: tham quan trường tiểu học, Bảo tàng, Lăng Bác Hồ; Siêu thị Big C, Micom, Hội chợ, tiệc Buffet; gói bánh chưng; xem ảo thuật, múa rối nước, hội thi “Rung chuông vàng”… Được tham gia các hoạt động ở mọi lúc, mọi nơi, được trải nghiệm, sáng tạo đã giúp trẻ phát triển năng khiếu toàn diện, đặc biệt ngôn ngữ mạch lạc, trẻ nhanh nhẹn, tự tin trong giao tiếp, thích đến trường, đến lớp…
Sau 3 năm triển khai chuyên đề các trường mầm non đã có môi trường giáo dục trong và ngoài lớp học thay đổi tích cực cơ bản đạt yêu cầu theo hướng lấy trẻ làm trung tâm. Trình độ chuyên môn và kỹ năng sư phạm của đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên được nâng cao. Việc xây dựng kế hoạch và tổ chức chương trình giáo dục mầm non được thực hiện khoa học, linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương cũng như khả năng, nhu cầu, hứng thú và sự phát triển của trẻ. Kết quả chăm sóc giáo dục trẻ cũng được nâng lên rõ rệt. Trẻ hào hứng, tích cực, chủ động tham gia các hoạt động với cô giáo và các bạn. Phụ huynh ngày càng tin tưởng vào chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ tại các nhà trường, từ đó có sự ủng hộ, phối kết hợp hiệu quả trong việc thúc đẩy sự phát triển toàn diện của trẻ. Tuy nhiên, quá trình thực hiện chuyên đề còn gặp không ít khó khăn: Diện tích khuôn viên các trường mầm non nhìn chung rất nhỏ hẹp, một số trường xây dựng đã lâu năm nên cơ sở vật chất xuống cấp. Số lượng trẻ trên lớp đông so với diện tích lớp học, tỷ lệ trẻ/giáo viên cao so với quy định nên khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động cho trẻ. Để khắc phục khó khăn, trong năm học 2019-2020 các năm học tiếp theo, phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố tiếp tục bồi dưỡng và nâng cao năng lực thực hiện chuyên đề cho cán bộ, giáo viên các trường. Tăng cường tham mưu với các cấp lãnh đạo, làm tốt công tác xã hội hóa đầu tư cơ sở vật chất nhằm nâng cao chất lượng thực hiện chuyên đề. Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, đặc biệt tập trung bồi dưỡng nội dung các chỉ số mà các nhà trường có tỷ lệ đạt thấp. Tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên đi tham quan học hỏi kinh nghiệm ở các trường điểm trong và ngoài tỉnh./.
Bài và ảnh: Minh Thuận