Từ đặc tính dễ phân hủy và có thể xử lý đơn giản thành phân bón cho cây trồng của rác thải hữu cơ, nhiều địa phương trong tỉnh đã triển khai mô hình xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình đạt hiệu quả cao.
Hộ dân các xóm 12, 13, 14 thôn Vụ Nữ, xã Hợp Hưng (Vụ Bản) tiếp nhận thùng ủ rác hữu cơ. |
Từ tháng 5-2018, Hội Nông dân tỉnh chọn xã Hải Lý (Hải Hậu) thực hiện mô hình điểm “Phân loại rác thải sinh hoạt và xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón tại hộ gia đình” để rút kinh nghiệm, nhân rộng. Vừa sản xuất nông nghiệp, vừa có nghề biển và phát triển du lịch nên hàng ngày xã Hải Lý có lượng rác thải, nhất là rác thải hữu cơ sinh hoạt và phụ phẩm nông nghiệp lớn, khá phức tạp trong công tác thu gom và xử lý, tác động xấu tới môi trường. Dự án đã chọn 112 gia đình ở xóm B để đầu tư 112 thùng ủ rác thải hữu cơ và 360 gói chế phẩm sinh học của Công ty Đầu tư nông nghiệp công nghệ cao và Công ty Cổ phần Công nghệ vi sinh và môi trường (Hà Nội). Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hải Lý cho biết: Mục tiêu của dự án nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường, đồng thời trang bị các kiến thức, kỹ năng về phân loại rác thải và xử lý tái sử dụng rác thải hữu cơ làm phân bón. Theo đó, rác hữu cơ được đưa vào thùng ủ bổ sung trấu và chế phẩm sinh học; sau 30 đến 40 ngày phân hủy thành phân bón hữu cơ có ích cho cây trồng. Bà Phạm Thị Nhân ở xóm B cho biết: Trước đây rác thải hữu cơ của gia đình để lâu bốc mùi rất khó chịu, ảnh hưởng đến sức khỏe. Sau khi thực hiện xử lý bằng chế phẩm sinh học không có mùi hôi thối, không gây ô nhiễm môi trường. Nước rỉ thu từ rác được hòa loãng đem tưới cho cây trồng, cây phát triển khỏe xanh tốt, tiết kiệm lớn chi phí mua phân bón. Thấy được tác dụng của dự án, nhiều gia đình trong xã Hải Lý đã tự mua thùng ủ nhựa và chế phẩm sinh học để xử lý rác hữu cơ. Từ hiệu quả mô hình ở xã Hải Lý, tháng 5-2019, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai mô hình “Thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình” tới 34 hộ dân xóm Rục Kiều, thôn Cổ Gia, xã Nam Hùng (Nam Trực). Cả 34 hộ gia đình được hỗ trợ thùng ủ rác hữu cơ dung tích 220 lít, 155 gói chế phẩm vi sinh EMIC, hướng dẫn quy trình phân loại rác, xử lý rác hữu cơ bằng thùng ủ. Ông Vũ Xuân Tặng, chi hội nông dân xóm Rục Kiều cho biết: Cả 34 gia đình áp dụng ủ rác thải hữu cơ bằng chế phẩm vi sinh đều thu được lượng phân bón hữu cơ có ích cho cây trồng, giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường.
Việc triển khai hiệu quả 2 mô hình “Phân loại rác thải sinh hoạt và xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón tại hộ gia đình” đã thu hút nhiều cơ sở Hội Nông dân trong tỉnh đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm để áp dụng. Tháng 6-2019, Hội Nông dân huyện Vụ Bản đã hỗ trợ 90 thùng ủ phân hữu cơ và 200 gói phân vi sinh EMIC cho 90 hộ dân các xóm 12, 13, 14 thôn Vụ Nữ, xã Hợp Hưng triển khai mô hình thu gom, xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón. Các hộ tham gia mô hình đều thực hiện đúng quy trình xử lý rác thải hữu cơ. Gia đình các ông: Triệu Đình Tứ, Phạm Văn Thái, xóm 13, thôn Vụ Nữ ngoài làm tốt việc xử lý rác thải còn tích cực tuyên truyền, hướng dẫn các hộ khác làm theo. Xã Hợp Hưng phấn đấu đến cuối năm 2019, có 90% lượng rác thải của các hộ tham gia được phân loại và xử lý tại chỗ. Ở xóm 4, xóm 16 xã Thọ Nghiệp (Xuân Trường), từ khi triển khai mô hình phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn, mỗi nhà dân đều có 2 thùng chứa rác hữu cơ, vô cơ; 1 đến 2 hố chôn rác hữu cơ có nắp đậy. Bà Ngô Thị Lựu, xóm 4 cho biết: Nhiều thức ăn thừa, bã cà phê, vỏ hoa quả, cành cây, lá cây... trước đây để ngoài góc vườn, hố rác thường bốc mùi khó chịu thì nay chỉ với một bước đơn giản là phân loại cho vào thùng ủ có nắp đậy đã khắc phục được mùi hôi, lại có phân để bón cây. Từ mô hình trên, UBND huyện Xuân Trường đang chỉ đạo các xã, thị trấn căn cứ điều kiện thực tế địa phương để xây dựng đề án phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn triển khai đến các thôn, xóm, khu dân cư. Cuối tháng 9-2019, Hội Nông dân huyện Nghĩa Hưng phối hợp với UBND các xã Nghĩa Hồng, Nghĩa Bình triển khai mô hình điểm phân loại, xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình cho 35 gia đình hội viên. Mỗi hộ được cung cấp một thùng ủ rác bằng nhựa có dung tích 180 lít, một gói chế phẩm vi sinh. Trong thời gian thực hiện dự án, Hội Nông dân huyện, cán bộ các xã và doanh nghiệp cung ứng chế phẩm thường xuyên đến các hộ gia đình theo dõi, hướng dẫn cách xử lý rác đúng quy trình để mô hình đạt hiệu quả cao. Đầu tháng 10-2019, xã Yên Cường (Ý Yên) tổ chức triển khai mô hình phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình cho 30 hộ gia đình xóm 3, thôn Phú Bình. Hội Nông dân huyện Ý Yên đã tặng 30 nắp đậy hố rác cùng một số chế phẩm sinh học; UBND xã Yên Cường tặng 8 thùng chứa rác cho các hộ dân.
Các mô hình “Phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình” được triển khai trên địa bàn tỉnh thời gian qua đều mang lại hiệu quả thiết thực. Các gia đình thực hiện ủ, phân hủy rác hữu cơ bằng chế phẩm vi sinh đã giảm 80-90% lượng rác hữu cơ phải chôn lấp và thu gom đưa đi xử lý, tận dụng làm phân bón vi sinh cho cây trồng phát triển khỏe mạnh, tăng chất màu cho đất, giảm chi phí mua phân đạm, phân lân. Người dân được trang bị kiến thức phân loại rác thải vô cơ, hữu cơ ngay từ nguồn hỗ trợ công tác xử lý rác tập trung. Rác được tập kết đúng nơi, đúng thời điểm vào thùng đựng rác, phân loại trước khi giao cho tổ dịch vụ thu gom rác của địa phương. Chi phí việc phân loại, xử lý rác thải hữu cơ khá rẻ, với khoảng 20 nghìn đồng/gói chế phẩm sinh học có tác dụng xử lý 500kg rác thải hữu cơ, phế thải nông nghiệp, phân bắc, phân chuồng. Thời gian tới Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh triển khai mô hình ra diện rộng, qua đó góp phần xử lý hiệu quả vấn đề rác thải, xây dựng các làng quê ngày càng sạch, đẹp, môi trường trong lành./.
Bài và ảnh: Đức Thiện