Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, từ đầu năm 2019 đến nay, HĐND huyện Trực Ninh đã thực hiện tốt vai trò giám sát trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội; củng cố quốc phòng, an ninh, góp phần tích cực vào việc không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, duy trì trật tự xã hội phát triển lành mạnh, tiến bộ.
HĐND huyện Trực Ninh kiểm tra, rà soát các báo cáo chuyên đề về kinh tế - xã hội. |
Theo đó, Thường trực HĐND huyện đã phối hợp với UBND huyện tập trung giải quyết dứt điểm các kiến nghị của đại biểu HĐND, ý kiến của cử tri tại kỳ họp thứ tám HĐND huyện tổ chức vào đầu năm 2019. Vì vậy, nhiều nội dung liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; tài nguyên, môi trường; giao thông, xây dựng; văn hóa, xã hội; quốc phòng, an ninh đã sớm được thực thi. Đáng chú ý, thực hiện kiến nghị của cử tri, huyện Trực Ninh đã xây dựng được giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất trồng lúa; thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khuyến khích nông dân tích tụ ruộng đất, liên kết sản xuất, khắc phục tình trạng bỏ ruộng hoang; ứng phó với bão lụt, mưa úng bất thường gây thiệt hại cho sản xuất; xử lý nghiêm thanh niên không thực hiện Luật Nghĩa vụ Quân sự; chấn chỉnh, ngăn chặn tình trạng cho vay nặng lãi, đòi nợ, siết nợ dạng tín dụng đen. Tuy nhiên, qua giám sát việc giải quyết ý kiến của cử tri, Thường trực HĐND huyện nhận thấy có những vấn đề nhiều lần cử tri kiến nghị; một số phòng, ban chuyên môn đã trả lời tiếp thu nhưng kết quả thực hiện còn rất chậm như công tác cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa; vấn đề di dời các cột điện, cột viễn thông nằm trong chỉ giới quy hoạch đường giao thông nông thôn mới; tiến độ xây dựng nhà máy nước, lò đốt rác tại cơ sở…
Về giám sát chuyên đề, từ đầu năm 2019 đến nay, Thường trực HĐND huyện và các Ban của HĐND huyện đã tiến hành giám sát 4 chuyên đề lớn bao gồm: Hoạt động của một số trạm y tế cơ sở; các khoản thu, đóng góp trong giáo dục; việc thực hiện nhiệm vụ công tác quốc phòng, quân sự địa phương; lĩnh vực quản lý, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ở các trường mầm non. Chuyên đề giám sát hoạt động của một số trạm y tế cơ sở được Thường trực HĐND huyện thực hiện từ ngày 24-4 đến 10-5-2019 tại 8 trạm y tế xã, thị trấn: Trực Chính, Trực Tuấn, Trực Thanh, Trực Nội, Trực Đại, Trực Hùng, Cát Thành, Liêm Hải. Qua giám sát cho thấy, các trạm y tế đã làm tốt chức năng tham mưu cho UBND xã, thị trấn thành lập các ban chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về lĩnh vực y tế; tiêm chủng mở rộng; dân số, kế hoạch hóa gia đình; bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh. Do vậy, nhiều năm qua trên địa bàn huyện không để xảy ra dịch bệnh trên người. Tổ chức biên chế của trạm y tế và đội ngũ y tế thôn còn thiếu so với quy mô dân số, song các đơn vị đều cơ bản chủ động thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Các trạm y tế đều làm tốt công tác y tế dự phòng, đưa tỷ lệ tiêm chủng mở rộng lên mức 96% đối với trẻ nhỏ, không để xảy ra tai biến sau tiêm. Công tác phòng, chống bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, bướu cổ; chương trình phòng chống bệnh sốt rét, phòng chống sốt xuất huyết; vấn đề quản lý cấp thuốc cho bệnh nhân tâm thần, động kinh; công tác phòng chống lao và bệnh phổi; phòng chống bệnh da liễu, bệnh phong… đều được các trạm y tế lập hồ sơ quản lý, theo dõi sức khỏe, cấp thuốc miễn phí đúng quy định. Bên cạnh những mặt tích cực còn một số hạn chế như: Công tác khám, chữa bệnh ở một số địa phương chưa đạt kế hoạch giao như: Trực Thanh mới đạt 93,19% kế hoạch; Trực Chính 89,04% kế hoạch; Trực Tuấn 74,93% kế hoạch. Công tác quản lý tài chính ở nhiều trạm y tế còn yếu; cá biệt như Trạm Y tế Trực Chính không mở sổ sách theo dõi thu chi tài chính. Công tác quản lý trang thiết bị khám, chữa bệnh phục vụ chuyên môn, kỹ thuật ở nhiều trạm y tế còn bất cập. Các trạm y tế xã Liêm Hải và Trực Nội quản lý, sử dụng trang thiết bị không đúng chủng loại được cấp theo biên bản kiểm kê cuối năm 2018 của Trung tâm Y tế huyện. Một số trạm y tế không thực hiện công khai, dân chủ trong đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định 04, ngày 19-1-2015 của Chính phủ và Thông tư 61, ngày 15-6-2017 của Bộ Tài chính; chưa công khai bảng giá dịch vụ khám, chữa bệnh, bảng giá thuốc theo quyết định của UBND tỉnh… Chuyên đề giám sát các khoản thu, đóng góp trong công tác giáo dục năm học 2018-2019 được Thường trực HĐND huyện thực hiện tại 7 trường của 3 cấp học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn trong thời gian từ ngày 14-5 đến 22-5-2019. Qua giám sát trực tiếp tại các trường mầm non Trực Chính, Trực Thuận, Trực Cường; Trường Tiểu học Trực Thanh, Trực Đông; Trường Trung học cơ sở Trực Định, thị trấn Ninh Cường cho thấy, các cơ sở giáo dục này đều cơ bản thực hiện đầy đủ các công văn hướng dẫn, chỉ đạo điều hành của Phòng Giáo dục và Đào tạo, của chính quyền địa phương về lập kế hoạch thu chi; công khai minh bạch tài chính. Năm học 2018-2019, các trường được giám sát đều không thu vượt mức các khoản theo quy định của UBND tỉnh; không tự đặt ra các khoản thu sai quy định. Các khoản thu thỏa thuận được nhà trường thực hiện bằng hoặc thấp hơn mức thu theo Hướng dẫn số 1267, ngày 14-9-2018 của Sở Giáo dục và Đào tạo. Công tác xã hội hóa giáo dục được các nhà trường triển khai phù hợp nên đã huy động thêm nguồn kinh phí đáng kể nhằm tăng cường đầu tư cơ sở vật chất phục vụ hoạt động dạy và học gắn với phong trào xây dựng trường học xanh - sạch - đẹp - an toàn. Tuy nhiên qua giám sát, Thường trực HĐND huyện nhận thấy một số bất cập đang tồn tại như khoản thu học phí có nơi triển khai theo chu kỳ, không thu định kỳ theo tháng là chưa đúng với Nghị định 86/2015/NĐ-CP, ngày 2-10-2015 của Chính phủ. Ở bậc mầm non, các trường đều chưa có nhân viên kế toán mà chỉ thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm nên nghiệp vụ chuyên sâu về tài chính còn khó khăn. Qua giám sát, Thường trực HĐND huyện đã kiến nghị với UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện những quy định của Nhà nước về công tác thu, chi trong nhà trường; sớm ban hành hướng dẫn cụ thể các quy định về quản lý, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện xã hội hóa. Đối với Phòng Giáo dục và Đào tạo, UBND các xã, thị trấn trong huyện cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo; thường xuyên kiểm tra, nắm bắt tình hình, có những giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế trong thực hiện thu chi tài chính. Ban giám hiệu các nhà trường sớm đề xuất cấp ủy, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng triển khai sửa chữa các phòng học đã xuống cấp, không an toàn; có kế hoạch đầu tư, bổ sung trang thiết bị dạy và học đảm bảo theo quy định nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo ở địa phương thường xuyên đứng trong top đầu của tỉnh./.
Bài và ảnh: Xuân Thu