Những năm qua, Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh đã tổ chức nhiều phong trào thi đua, khơi dậy sức sáng tạo của cán bộ, công nhân, viên chức, lao động, tạo chuyển biến tích cực trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học trong các nhà trường. Trong đó, phong trào thi đua viết sáng kiến kinh nghiệm được phát động sâu rộng và phát huy hiệu quả tích cực ở các trường học.
Thầy Dương Phong Quang (ngoài cùng bên trái) và Ban Giám hiệu Trường Trung học phổ thông Tống Văn Trân (Ý Yên) thảo luận về các giải pháp đổi mới quản lý nhằm chăm lo đầu tư, phát triển đội ngũ nhà giáo. Ảnh: Do cơ sở cung cấp |
Ngay từ đầu năm học, Công đoàn ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã chỉ đạo các công đoàn cơ sở phát động và triển khai phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm gắn với những phong trào, cuộc vận động của ngành như: phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt”; “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” tới toàn thể cán bộ, giáo viên. Để phát huy khả năng sáng tạo của mỗi giáo viên, hàng năm Công đoàn ngành đều phối hợp với chính quyền đồng cấp thành lập hội đồng nghiên cứu khoa học, hội đồng sáng kiến, hội đồng thi đua khen thưởng; tổ chức lựa chọn, đánh giá kết quả thực hiện các đề tài sáng kiến, chỉ ra những hạn chế trong việc thực hiện phong trào, từ đó đưa ra kế hoạch trong thời gian tới. Một trong những điển hình của phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm là thầy Dương Phong Quang, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Tống Văn Trân (Ý Yên) với sáng kiến “Một số biện pháp đổi mới quản lý của hiệu trưởng nhằm chăm lo, đầu tư phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trong trường trung học phổ thông hiện nay”. Sáng kiến nhằm nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản lý; bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên; tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá phát huy tốt công tác thi đua khen thưởng trong nhà trường trung học phổ thông; tăng cường các điều kiện đảm bảo tốt nhất cho công tác quản lý; tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ quản lý được giao lưu, học tập kinh nghiệm với các trường khác; xây dựng môi trường sư phạm thân thiện, dân chủ, đoàn kết. Sáng kiến đã thu được kết quả giáo dục toàn diện trong đổi mới nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh. Qua đó cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh đã ý thức đầy đủ những yêu cầu đặt ra đối với giáo dục trung học phổ thông nói riêng và sự nghiệp giáo dục và đào tạo nói chung. Những năm qua, Trường Trung học phổ thông Tống Văn Trân có tỉ lệ học sinh đỗ đại học, cao đẳng luôn đạt trên 76% và luôn nằm trong “tốp 100, 200” trường có điểm thi đại học, cao đẳng bình quân cao nhất toàn quốc. Nhiều năm liền trường có các cá nhân đoạt giải sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh. Thầy Hiệu trưởng Dương Phong Quang được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng “Bằng Lao động sáng tạo”.
Thầy Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trực Ninh được nhận “Bằng Lao động sáng tạo” vì đã có sáng kiến “Một số biện pháp nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ huyện Trực Ninh”. Sáng kiến đưa ra 5 giải pháp: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý các cấp, của nhân dân, huy động toàn xã hội tham gia công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Tăng cường đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị trường học, huy động các nguồn lực, nhất là nguồn xã hội hóa giáo dục xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, trường xanh - sạch - đẹp - an toàn, góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, đáp ứng các tiêu chí nông thôn mới. Nâng cao chất lượng, trách nhiệm và nghiệp vụ kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và nhân viên trong việc thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Đa dạng các hình thức, phương pháp tổ chức dạy học trong các nhà trường; trong đó chú trọng dạy học gắn với thực tiễn đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập giáo dục; huy động tối đa các đối tượng người học ra trường lớp. Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, đồng đều giữa các vùng miền, phân luồng học sinh đảm bảo hiệu quả, đảm bảo tốt các loại hình học tập (học nghề, giáo dục thường xuyên, học tiếp trung học phổ thông...). Sáng kiến góp phần mang lại hiệu quả trong phát triển giáo dục mầm non và phổ cập trẻ 5 tuổi; công tác phổ cập giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở trên địa bàn huyện được duy trì vững chắc. Năm học 2017-2018, huyện Trực Ninh tăng 12 trường chuẩn quốc gia mức độ 1 và 4 trường mức độ 2; số trường xanh - sạch - đẹp - an toàn tăng lên 18; có 3 trường kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 2 và 2 trường cấp độ 3. Với những hiệu quả thiết thực, sáng kiến kinh nghiệm của thầy Nguyễn Hồng Sơn được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo năm 2018.
Với trên 800 công đoàn cơ sở, hơn 28 nghìn đoàn viên công đoàn, Công đoàn ngành Giáo dục luôn là đơn vị đi đầu trong phong trào thi đua viết sáng kiến kinh nghiệm và ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Nhiều sáng kiến kinh nghiệm của cán bộ, công nhân, viên chức, lao động trong ngành đã được áp dụng vào thực tế quản lý và giảng dạy. Đến nay, toàn ngành có 385/808 sáng kiến kinh nghiệm dự thi đoạt giải, trong đó có 16 sáng kiến loại xuất sắc, 99 sáng kiến loại tốt, 271 sáng kiến loại khá và cấp 224 sáng kiến đạt yêu cầu. Phong trào đã tạo sức lan tỏa sâu rộng trong các trường học, góp phần thiết thực nâng cao chất lượng đào tạo, tạo động lực giúp đoàn viên hăng say sáng tạo, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh./.
Văn Huỳnh