Gắn kết giữa cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp trong công tác đào tạo nghề

08:11, 22/11/2019

Thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Nam Định đến năm 2020”, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các ngành liên quan, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức điều tra, khảo sát để nắm bắt nhu cầu học nghề của người lao động, nhu cầu sử dụng lao động thực tế của các doanh nghiệp; thu hút nhiều tổ chức, cá nhân tham gia vào công tác dạy nghề cho lao động nông thôn; xây dựng sự gắn kết giữa địa phương, cơ sở đào tạo và cơ sở sản xuất kinh doanh trong việc tổ chức dạy nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn. 

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cơ khí Đình Mộc (Xuân Trường) nhận học sinh tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh về thực tập và tuyển dụng lao động, giải quyết việc làm cho trên 100 lao động nông thôn.  Bài và ảnh: Việt Thắng
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cơ khí Đình Mộc (Xuân Trường) nhận học sinh tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh về thực tập và tuyển dụng lao động, giải quyết việc làm cho trên 100 lao động nông thôn. 

Từ năm 2010 đến tháng 10-2019, toàn tỉnh đã tổ chức dạy nghề cho 54.219 lao động nông thôn; trong đó 19.221 lao động học nghề nông nghiệp, 34.998 lao động học nghề phi nông nghiệp. Trong 9 tháng năm 2019, toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho khoảng 26.500 lượt người; tỷ lệ lao động qua đào tạo 69% (vượt kế hoạch năm). Toàn tỉnh hiện có 35 cơ sở dạy nghề; trong đó, có 7 trường cao đẳng (chiếm 20%), 12 trường trung cấp (chiếm 34,3%), 16 trung tâm giáo dục nghề nghiệp (chiếm 45,7%); có 30 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập (chiếm 88,6%), 5 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục (chiếm 11,4%). Các cơ sở dạy nghề luôn đổi mới phương pháp đào tạo cho phù hợp với đối tượng người học; tăng cường các giờ giảng thực hành, tích hợp; gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo, đánh giá kết quả tốt nghiệp và giải quyết việc làm. Các trường dạy nghề chủ động phối hợp với doanh nghiệp để đưa học sinh, sinh viên thực tập; từ đó giảm chi phí đào tạo cho nhà trường, học sinh được tiếp cận với công nghệ, máy móc hiện đại để khi ra trường được nhận ngay vào làm việc. Từ đầu năm đến nay, các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã đào tạo ở 3 cấp trình độ cho 29.094 người (đạt 84,3% kế hoạch năm); cụ thể: cao đẳng 224 người; trung cấp 3.189 người; sơ cấp và dưới 3 tháng 25.681 người (trong đó, đào tạo cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg là 5.350 người). Qua khảo sát, học sinh, sinh viên tốt nghiệp hệ trung cấp, cao đẳng ra trường có việc làm ngay đạt trên 90%, có trường đạt 100%. Ngoài ra, các cơ sở dạy nghề cho lao động nông thôn thường xuyên ký hợp đồng thỉnh giảng với giáo viên của các trường đại học, cán bộ khoa học của các trung tâm khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư, phòng nông nghiệp các huyện; các nghệ nhân tại các làng nghề La Xuyên, Tống Xá (Ý Yên), Hải Minh (Hải Hậu), Vân Tràng, Nam Giang (Nam Trực), Xuân Tiến (Xuân Trường)... cùng tham gia dạy nghề. Trường Trung cấp nghề kỹ thuật công nghiệp Nam Định có hai cơ sở đào tạo tại xã Việt Hùng và thị trấn Cát Thành (Trực Ninh). Nhà trường tổ chức đào tạo 9 nghề trình độ trung cấp; 9 nghề trình độ sơ cấp gồm: Hàn, Cắt gọt kim loại, Công nghệ ô tô, Công nghệ chế tạo vỏ tàu thủy, Điện công nghiệp, Điện tử dân dụng, Kỹ thuật điêu khắc gỗ, May công nghiệp và Kế toán doanh nghiệp. Để đảm bảo điều kiện dạy và học của học sinh, năm 2018, nhà trường đầu tư mua sắm thiết bị đào tạo nghề với tổng kinh phí trên 8 tỷ 140 triệu đồng từ nguồn vốn Dự án “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp” và nguồn thu của đơn vị. Năm học 2018-2019, nhà trường đã tuyển sinh 845 học sinh (đạt 93,8%); đào tạo hệ trung cấp 1.235 học sinh; hệ sơ cấp sơ cấp 434 học sinh; số học sinh tốt nghiệp 699 người. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đào tạo, nhà trường xác định việc đào tạo nghề phải gắn liền với công tác giải quyết việc làm; mở rộng liên kết đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp để tận dụng triệt để các trang thiết bị hiện đại và vật tư của doanh nghiệp; đồng thời, tổ chức cho học sinh đi thực tập sản xuất ngay tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Năm học 2019-2020, nhà trường phấn đấu tuyển sinh đạt 900 chỉ tiêu (trong đó 400 chỉ tiêu trung cấp, 500 chỉ tiêu hệ sơ cấp và dưới 3 tháng). 

Dự báo đến năm 2020, dân số tỉnh từ 15 tuổi trở lên là 1.453.140 người và số lượng người tham gia lực lượng lao động là 1.191.575 người. Trong đó, lao động qua đào tạo 834.102 người chiếm tỷ lệ 70%, lao động qua đào tạo giáo dục nghề nghiệp là 595.787 người chiếm 50%; hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo mới và đào tạo lại khoảng 112.658 lao động. Đồng chí Hoàng Đức Trọng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Ngày 15-10-2019, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Quyết định số 1488-QĐ/LĐTBXH về việc phê duyệt Đề án thành lập Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định trên cơ sở sắp xếp, hợp nhất các trường: Trung cấp nghề Thương mại - Du lịch - Dịch vụ Nam Định, Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Nông nghiệp Nam Định, Trung cấp Cơ Điện Nam Định, Trung cấp nghề Thủ công Mỹ nghệ Truyền thống Nam Định, Trung cấp Công nghệ và Truyền thông Nam Định, Trung cấp nghề Kỹ thuật Công nghiệp Nam Định và Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nam Định). Đây là bước “đột phá” góp phần đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động hướng nghiệp, dạy nghề; đào tạo một số nhóm ngành, nghề có xu hướng sử dụng nhiều nhân lực và mở thêm một số mã ngành, nghề mới có nhu cầu của thị trường lao động, trên cơ sở dự báo nhu cầu vị trí việc làm sau đào tạo; đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của thị trường lao động trong và ngoài tỉnh, đủ năng lực cạnh tranh và hội nhập. Cụ thể, Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định tổ chức đào tạo nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ các trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên theo quy định. Tập trung phát triển các ngành nghề gồm: Cấp độ quốc tế (1 ngành nghề), Cấp độ Khu vực ASEAN (2 ngành nghề là Công nghệ ô tô, Điện công nghiệp); Cấp độ quốc gia (17 ngành nghề: Xây dựng và hoàn thiện công trình thuỷ lợi, Quản lý khai thác công trình thuỷ lợi, Kỹ thuật máy lạnh và điều hoà không khí, Điện tử công nghiệp, Công nghệ ô tô, May thời trang, Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử, Điện tử dân dụng, Hàn, Công nghệ chế tạo vỏ tàu thuỷ, Chăn nuôi - Thú y, Nuôi trồng thuỷ sản, Đúc dát đồng mỹ nghệ, Gia công thiết kế sản phẩm mộc, Hướng dẫn du lịch, Nghiệp vụ lễ tân, Kỹ thuật chế biến món ăn). Giai đoạn 2019-2021, quy mô đào tạo: 5.525 người/năm. Trong đó: Nhóm ngành nghề nông nghiệp: 500 người/năm; nhóm ngành nghề công nghiệp: 4.375 người/năm; nhóm ngành nghề dịch vụ, du lịch: 650 người/năm. Giai đoạn 2021-2025, quy mô đào tạo: 7.000 người/năm. Trong đó, theo trình độ đào tạo: Trình độ cao đẳng 1.000 người/năm; trình độ trung cấp 3.000 người/năm; trình độ sơ cấp 3.000 người/năm./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com