Sau đợt điều trị dài ngày tại bệnh viện, anh Nam đưa mẹ về quê dưỡng bệnh. Vừa dìu mẹ vào nhà, ông Toàn hàng xóm đã có mặt, kéo anh Nam ra góc sân, thì thầm căn dặn:
- Chỗ hàng xóm láng giềng thân cận tôi nói thật, bà ốm mà chú cứ “cửa đóng then cài” như vậy là không được đâu. Người dân quê mình xưa nay sống tình nghĩa “một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”, ai đau ốm, bà con làng xóm đều kéo đến thăm hỏi, chia sẻ tình cảm. Lần trước bà ở bệnh viện về, mấy lần tôi đi qua, thấy đóng cổng nên cũng chẳng vào thăm được…
Nghe ông Toàn nói vậy, anh Nam sững người, phân trần:
- Bác nói vậy em tiếp thu nhưng thực lòng gia đình em luôn trân trọng tình cảm của bà con trong xóm. Cổng nhà em đúng là lúc nào cũng đóng nhưng thực tế chỉ khép chứ có khóa đâu (?).
Ông Toàn vẫn ôn tồn:
- Chú sống ở thành phố lâu rồi nên không hiểu suy nghĩ, tâm lý của người ở nhà. Người quê mình quan niệm, cổng khép với khóa là như nhau, đều là “đóng” - nghĩa là không muốn cho ai vào nhà. Nhiều người nghĩ gia đình chú anh em đều sống ở thành phố nên có ý coi thường dân quê. Có người còn nói “móc” chẳng hiểu gia đình có chuyện gì khuất tất trong nhà mà cứ đóng cửa suốt (!). Bởi vậy gia đình chú phải rút kinh nghiệm. Tôi nghĩ người quê mình sống tình cảm, rộng lượng nên không cố chấp. Giờ thì chú mở rộng cổng, chuẩn bị chè nước để mọi người đến thăm, động viên bà.
Đúng như lời ông Toàn nói, buổi tối hôm ấy gia đình anh Nam nườm nượp người đến chơi, thăm bà cụ bị ốm. Bộ bàn ghế, chiếc phản trong nhà người chật kín, anh Nam phải trải mấy chiếc chiếu ra trước hiên nhà để có chỗ cho mọi người ngồi trò chuyện. Quà thăm người ốm chỉ cân đường, hộp sữa, giá trị không cao nhưng là sự sẻ chia chân thật. Trước tình cảm nồng ấm của bà con trong xóm, mẹ anh Nam như được tiếp thêm năng lượng. Mặc dù mệt nhưng bà vẫn gắng ngồi dậy, ánh mắt, nụ cười thân thiện, cảm ơn tấm chân tình của bà con lối xóm. Khi trời đã về khuya, cũng vẫn là ông Toàn - người hàng xóm hiểu chuyện, tốt bụng đứng lên nhắc mọi người ra về để người bệnh được nghỉ ngơi…
Giờ thì anh Nam đã hiểu được nét đẹp trong văn hóa ứng xử của người quê mình. Xưa kia, cuộc sống khó khăn, chiếc cổng nhà của nhiều gia đình chỉ là tượng trưng; nhìn vào bó rào che để dựng hay chắn ngang lối ra vào, hàng xóm biết gia chủ có nhà hay đi vắng. Còn giờ đây, dẫu nhà nhà đều “kín cổng cao tường” nhưng chiếc cổng vẫn mang “thông điệp” cũ: Nếu mở thì mời khách vào; còn nếu đóng, coi như gia chủ không muốn ai vào (!). Hiểu được điều đơn giản ấy, những buồn lo, thương mẹ bị bệnh trong anh Nam như vợi đi trước sự chia sẻ của dân làng. Anh cảm nhận được tình người dân quê đơn sơ nhưng thật ấm áp./.
Đức Linh