Thực hiện chủ trương của Đảng về đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung thực hiện sắp xếp, sáp nhập các cơ quan, đơn vị; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; sửa đổi, bổ sung quyết định về phân công, phân cấp quản lý... Qua đó, bộ máy hành chính của tỉnh từng bước được tinh gọn, góp phần nâng cao năng lực quản lý, hiệu quả công việc của các cơ quan, đơn vị.
Lãnh đạo Bảo tàng tỉnh kiểm tra công tác bảo quản hiện vật. |
Để nâng cao chất lượng hiệu quả cải cách tổ chức bộ máy hành chính, Tỉnh ủy, UBND tỉnh thường xuyên cập nhật những quy định mới của Trung ương, thực hiện việc rà soát và ban hành quyết định về chức năng nhiệm vụ, sáp nhập các cơ quan, đơn vị; thành lập tổ công tác thực hiện rà soát, đánh giá việc phân công, phân cấp của tỉnh đối với các đơn vị trong tỉnh để tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung quyết định về phân công, phân cấp quản lý trên địa bàn tỉnh phù hợp với tình hình thực tế. Chuyển biến rõ nét nhất trong thời gian qua là việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và “Đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng của các đơn vị sự nghiệp công lập”. Đến nay, tỉnh đã thí điểm hợp nhất Văn phòng Huyện ủy và Văn phòng HĐND - UBND tại 3 huyện Nam Trực, Vụ Bản, Giao Thủy; hợp nhất Ban Tổ chức Huyện ủy và Phòng Nội vụ huyện Vụ Bản; nhất thể hóa chức danh Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc ở hai huyện Vụ Bản, Mỹ Lộc; chuyển chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm bồi dưỡng chính trị về Ban Tuyên giáo huyện ủy, thành ủy và thực hiện chủ trương Trưởng Ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị ở 10 huyện, thành phố. Hoàn thành việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc Tỉnh ủy theo Quy định số 04-QĐi/TW của Ban Bí thư; xắp xếp lại tổ chức bộ máy, đổi mới cơ chế hoạt động của Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh; sắp xếp lại tổ chức bộ máy Trường Chính trị Trường Chinh theo Quy định số 09-QĐi/TW của Ban Bí thư; tổ chức lại Văn phòng Tỉnh ủy phục vụ chung các Ban Đảng và cơ quan, tham mưu giúp việc Tỉnh ủy; lãnh đạo thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Hiện, toàn tỉnh đã giảm được 91 đầu mối cấp phòng và giảm 27 đầu mối trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở; có 8 đơn vị chuyển sang tự chủ kinh phí thường xuyên. UBND tỉnh đã xây dựng Đề án sáp nhập xã Nghĩa Phúc (Nghĩa Hưng) và điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Nam Định, trong đó dự kiến sáp nhập toàn bộ xã Nghĩa Phúc vào xã Nghĩa Thắng; sáp nhập toàn bộ huyện Mỹ Lộc cùng 5 xã của huyện Nam Trực, 3 xã của huyện Vụ Bản vào thành phố Nam Định; ban hành phương án sáp nhập 5 xã không đủ tiêu chuẩn quy định và xây dựng dự thảo đề án khung của tỉnh về sáp nhập thôn, xóm, tổ dân phố chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định.
Cùng với thực hiện sắp xếp, sáp nhập các cơ quan, đơn vị, Tỉnh ủy, UBND tỉnh còn đặc biệt chú trọng xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Thực hiện nghiêm túc quy định về điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ, tuyển dụng công chức, viên chức; đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, thực hiện đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, viên chức, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phù hợp với chức danh chuyên môn và vị trí việc làm; đồng thời tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ, nghề nghiệp… Nổi bật là đã thực hiện tốt Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị về tinh giảm biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh, xây dựng và thực hiện kế hoạch tinh giảm biên chế đến năm 2021 với mục tiêu phải tinh giảm tối thiểu 10% so với biên chế hiện tại được giao; đối với đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu sự nghiệp, khuyến khích đẩy mạnh chuyển đổi thêm 10% số lượng viên chức sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và xã hội hóa, thay thế nguồn trả lương từ ngân sách Nhà nước bằng việc trả lương từ nguồn thu sự nghiệp. Chỉ tuyển dụng bổ sung mới không quá 50% số biên chế đã thực hiện tinh giảm và không quá 50% số biên chế cán bộ, công chức, viên chức đã giải quyết chế độ nghỉ hưu hoặc thôi việc theo quy định. Đến nay toàn tỉnh đã giảm được 228 biên chế công chức, 1.483 biên chế sự nghiệp; số cán bộ, công chức, viên chức đã hưởng chính sách tinh giảm biên chế 276 người; số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi thành công ty cổ phần hoặc thực hiện cơ chế tự chủ 138 người. Ngoài ra, hàng năm, UBND tỉnh thành lập các đoàn thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về tuyển dụng, sử dụng công chức, viên chức, quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng và thực hiện tinh giảm biên chế; yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm cơ chế “một cửa” nhằm nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, nhất là tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân trong giải quyết thủ tục hành chính.
Với việc tích cực cải cách tổ chức bộ máy hoạt động trong hệ thống chính trị đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp, đẩy mạnh cải cách hành chính góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Năm 2018, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh tăng 6 bậc so với năm 2017; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) đứng thứ 24/63 tỉnh, thành phố; chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) đứng thứ 15/63 tỉnh, thành phố trong cả nước… Những kết quả trên góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.
Bài và ảnh: Văn Trọng