Thành phố Nam Định đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

08:10, 11/10/2019

Là một trong những đơn vị dẫn đầu tỉnh về chất lượng giáo dục, điểm nổi bật của Giáo dục và Đào tạo thành phố Nam Định là đổi mới mạnh mẽ công tác kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh; thực hiện tinh giảm các cuộc thi, hội thi; tăng cường tổ chức nhiều sân chơi trí tuệ, các cuộc giao lưu, các hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh. Công tác xã hội hóa giáo dục tiếp tục phát huy hiệu quả, tạo nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất, nâng cấp cải tạo phòng học, bếp ăn, nước sạch, công trình vệ sinh và sân chơi, góp phần đổi mới toàn diện giáo dục theo Nghị quyết 29-NQ/TW. Cơ sở vật chất các trường học ở thành phố không ngừng được bổ sung, xây mới, đảm bảo các điều kiện dạy và học cho các nhà trường. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học được đẩy mạnh.

Cô và trò Trường Tiểu học Lộc An (thành phố Nam Định) trong một giờ học.
Cô và trò Trường Tiểu học Lộc An (thành phố Nam Định) trong một giờ học.

Để đạt được điều đó, UBND thành phố Nam Định đã tập trung chỉ đạo, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về giáo dục đào tạo trên địa bàn; đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung, cải tạo, nâng cấp phòng học, trang thiết bị dạy học cho chương trình giáo dục phổ thông mới; chỉ đạo các phường, xã thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về giáo dục. Đến nay, cơ sở vật chất nhiều trường học được tăng cường như: Xây dựng mới công trình 4 tầng 16 phòng học Trường Trung học cơ sở Lương Thế Vinh; nhà đa năng, lớp học Trường Tiểu học Hùng Vương; xây dựng Trường Mầm non Hướng Dương, Trường Mầm non Bình Minh, Trường Mầm non Văn Miếu; cải tạo chống thấm dột phòng học, xây nhà vệ sinh Trường Tiểu học Trần Phú; cải tạo khu vệ sinh, lớp học Trường Tiểu học Trần Quốc Toản; xây tường bao, sân tập Trường Tiểu học Chu Văn An; xây tường bao, chống thấm dột trường Trung học cơ sở Tống Văn Trân; cải tạo nâng cấp các trường trung học cơ sở: Trần Bích San, Phùng Chí Kiên; hoàn thiện công trình xây dựng Trường Tiểu học Trần Nhân Tông... Cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất, các trường chú trọng xây dựng, bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên vững vàng về tư tưởng chính trị; có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, lối sống mẫu mực, tâm huyết với nghề, có ý thức tự học nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; quan tâm bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên để chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới bằng việc cử cán bộ, giáo viên cốt cán tham gia các lớp tập huấn chuyên môn do Sở Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Tăng cường sinh hoạt chuyên môn tại các tổ, khối chuyên môn trong trường, cụm trường. Các nhà trường cũng tạo mọi điều kiện để giáo viên được tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn để đạt chuẩn và trên chuẩn; thực hiện bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ quản lý, điều động, trưng tập, biệt phái cán bộ quản lý, giáo viên theo quy định đảm bảo nhu cầu và nâng cao chất lượng giáo dục đồng đều trong các đơn vị. Các trường học đẩy mạnh tổ chức sân chơi trí tuệ, giao lưu Olympic, câu lạc bộ nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và rèn luyện phương pháp tự học, tự kiểm tra của học sinh. Tăng cường kỹ năng thực hành, vận dụng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn, đa dạng hóa các hình thức học tập, chú trọng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh. Mở rộng, phát triển hợp tác với các trung tâm Anh ngữ trong giảng dạy tiếng Anh tăng cường với giáo viên tiếng Anh bản xứ; mời tình nguyện viên nước ngoài về giảng dạy tiếng Anh. Thực hiện giảng dạy chương trình Tin học IC3 (chuẩn quốc tế) ở một số trường theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo; Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy theo hướng đồng bộ, kết nối liên thông, hình thành cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý, điều hành, giảng dạy, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục… Công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường; qua đó đánh giá đúng thực trạng, phát hiện những ưu, khuyết điểm trong công tác quản lý của các cơ sở giáo dục, từ đó có kiến nghị kịp thời để các đơn vị phát huy các ưu điểm và chấn chỉnh, khắc phục các khuyết điểm, hạn chế, góp phần giữ gìn kỷ cương, nền nếp trong công tác quản lý và hoạt động dạy - học, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Với nhiều giải pháp đồng bộ, sự nghiệp giáo dục và đào tạo của thành phố đã đạt kết quả tích cực. Hiện quy mô trường học ở các cấp học trên địa bàn được giữ ổn định. Thành phố có 70 đơn vị trường; trong đó có 29 trường mầm non; 23 trường tiểu học; 18 trường trung học cơ sở, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Ở bậc học mầm non hiện có 11 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 8 trường đạt chuẩn mức độ 1, 3 trường đạt chuẩn mức độ 2. Bậc tiểu học có 16 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 8 trường đạt chuẩn mức độ 2. Bậc trung học cơ sở có 11/18 trường đạt chuẩn quốc gia. Các nhà trường chú trọng thực hiện “xanh hóa” trường, lớp; quy hoạch, xây dựng vườn trường theo hướng có những khu trồng cây bóng mát, cây ăn quả, cây hoa, cây rau, cây thuốc nam…; tích cực sử dụng cảnh quan của trường làm giáo cụ trực quan trong đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao hiệu quả, tạo môi trường giáo dục bền vững. Bậc mầm non có 6 trường, bậc tiểu học có 22 trường, bậc trung học cơ sở có 4 trường được công nhận trường xanh - sạch - đẹp - an toàn. Hiện 100% số trường mầm non trên địa bàn đã triển khai thực hiện chương trình giáo dục mầm non sau sửa đổi; 100% trường thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”; đổi mới môi trường giáo dục theo hướng mở, phù hợp điều kiện thực tiễn địa phương, tạo cơ hội cho trẻ khám phá, trải nghiệm và sáng tạo. Chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục ngày càng tăng, giúp trẻ phát triển thể chất, tình cảm, trí tuệ. Ở bậc tiểu học, các trường tích cực tham gia thử nghiệm chương trình mới như: Dạy học theo phương pháp “Bàn tay nặn bột”, dạy học Mỹ thuật Đan Mạch. Thành phố có 4 trường tiểu học thực hiện dạy học mô hình trường học mới (VNEN), 2 trường tiểu học thực hiện tổ chức “Hoạt động trải nghiệm sáng tạo” theo tài liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo; 5 trường triển khai dạy học Tin học theo chương trình mới IC3. Việc áp dụng các nội dung chương trình mới đã tạo không khí sinh hoạt chuyên môn sôi nổi trong các nhà trường; giáo viên tích cực, chủ động hơn trong việc tìm kiếm tri thức, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ. Năm học 2018-2019, ở bậc tiểu học, trong cuộc thi Hùng biện tiếng Anh cấp tỉnh, thành phố đạt thành tích xuất sắc với 2 giải nhất, 5 giải nhì và 2 giải khuyến khích; giao lưu Kỹ năng tham gia giao thông an toàn cấp tỉnh đạt thành tích xuất sắc với 3 nội dung đạt giải nhất (thuyết trình, kiến thức, năng khiếu văn nghệ) và 1 nội dung đạt giải nhì (vẽ tranh); thi thể dục thể thao cấp tỉnh đoạt 1 giải nhất, 1 giải nhì, 1 giải ba và 4 giải khuyến khích. Tham gia Hội thi Giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp tỉnh, cả 5 giáo viên đều đạt giải nhất. Ở cấp trung học cơ sở, tại Hội thi Hùng biện Tiếng Anh cấp tỉnh, có 12 học sinh dự thi đều đạt giải, trong đó 4 giải nhất, 4 giải nhì, 3 giải ba và 1 giải khuyến khích, toàn đoàn đạt giải nhất. Hội thi Giáo viên giỏi cấp tỉnh có 8 giáo viên dự thi đều đạt danh hiệu “Giáo viên Giỏi cấp tỉnh”, toàn đoàn đạt giải nhất. Trong kỳ thi Olympic các môn học, thành phố có 51 học sinh trung học cơ sở đoạt giải (7 giải nhất, 13 giải nhì, 19 giải ba, 12 giải khuyến khích). Trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông năm học 2019-2020, thành phố có 2.798 thí sinh dự thi; trong đó có 2.277 thí sinh đạt điểm sàn từ 14,00 điểm trở lên, 495 thí sinh đạt điểm sàn từ 24 điểm trở lên. Thành phố Nam Định cũng là đơn vị có tỷ lệ học sinh đỗ vào Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong cao nhất. Tỷ lệ tốt nghiệp trung học cơ sở của thành phố năm 2019 đạt 100%; trong đó tốt nghiệp loại giỏi là 39,1%. 

Thời gian tới, thành phố Nam Định tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi  đua “Đổi mới sáng tạo trong dạy và học” cùng với các cuộc vận động, các phong trào thi đua của ngành và của tỉnh nhằm khơi dạy tinh thần đổi mới, sáng tạo của đội ngũ, nâng cao chất lượng giáo dục. Tiếp tục triển khai thực hiện đề án “Nâng cao độ đồng đều về chất lượng giáo dục giữa các trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016-2021” và đề án “Phát triển giáo dục mầm non thành phố Nam Định giai đoạn 2017-2021”. Tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý; nâng cao kỷ cương nền nếp, đạo đức công vụ, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ; coi trọng giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Chuẩn bị tốt các điều kiện triển khai, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com