Xác định công tác hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Nghĩa Hưng luôn chú trọng phát triển các mô hình kinh tế tập thể, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên.
Thành viên Tổ liên kết phụ nữ sản xuất rau an toàn xã Nghĩa Hồng chăm sóc cây dưa chuột vụ đông. |
Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Bình Minh, xã Nam Điền được thành lập năm 2017. Là hợp tác xã kiểu mới do phụ nữ thành lập và điều hành, cán bộ, hội viên tự góp vốn, vốn điều lệ ban đầu chưa có nhiều, đất đai do các thành viên đóng góp còn hạn chế, Hội đồng quản trị là đội ngũ cán bộ kỹ thuật trẻ được đào tạo chính quy, qua 2 năm đi vào hoạt động, với sự quyết tâm, không quản ngại khó khăn, số lượng thành viên tham gia đã tăng lên đáng kể (từ 7 thành viên lúc mới thành lập, đến nay đã có 38 thành viên). Những dịch vụ nông nghiệp chính của Hợp tác xã bao gồm cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, các chế phẩm sinh học, các chế phẩm công nghệ cao để sản xuất cây cà chua, dưa lê, dưa hấu, cải bẹ, hành giống... Cán bộ Hợp tác xã thường xuyên đến các vườn gặp gỡ, trao đổi thông tin với thành viên về thời vụ trồng, kỹ thuật canh tác, tình hình sâu bệnh; tư vấn cho bà con áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật như: dùng ni lông phủ mặt luống, tưới nước bằng vòi tự động, tăng bón các loại phân hữu cơ, sử dụng các chế phẩm sinh học, chế phẩm công nghệ nano. Việc tổ chức sản xuất nông sản an toàn (hẹ, dưa, cà chua) theo chuỗi liên kết được đẩy mạnh. Riêng cây hẹ cung cấp cho nhà máy chế biến dược phẩm xuất khẩu hiện có 27 hộ thành viên trồng với 1,5ha, đã xuất bán 59 tấn lá hẹ tươi với giá ký kết hợp đồng ổn định, thanh toán cho hộ dân là 2.700 đồng/kg. Điển hình như hộ các ông Nguyễn Văn Thu, xóm 3; Nguyễn Văn Thái, xóm 10… Bên cạnh đó, Hợp tác xã còn thu mua nông sản của thành viên bán ra thị trường qua các kênh: liên hệ với một số cửa hàng thực phẩm an toàn tại Nam Định, Hà Nội; bán hàng online trực tiếp đến người tiêu dùng với 2 sản phẩm chủ lực là dưa lê và cà chua. Nông sản được đặt hàng tại các hộ, sau khi thu mua về được làm sạch, đóng gói, dán tem mác chuyển đến khách hàng. Số lượng nông sản an toàn thu mua của thành viên bán ra thị trường trong vụ xuân vừa qua đạt gần 2 tấn dưa lê và gần 1 tấn cà chua, được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng doanh thu của Hợp tác xã đạt 694 triệu đồng. Phương châm hoạt động của Hợp tác xã là lấy dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp là nền tảng cho tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị; tư vấn kỹ thuật khoa học là đòn bẩy để tăng năng suất, chất lượng, chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa; tổ chức sản xuất các loại cây rau an toàn theo chuỗi giá trị, từng bước mở rộng quy mô song song với quản lý chất lượng. Vì vậy, Hợp tác xã luôn tăng cường vai trò giám sát chéo giữa các hộ thành viên để đảm bảo chất lượng sản phẩm; thường xuyên tập huấn, hướng dẫn, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa các thành viên trong mỗi tổ sản xuất. Từ kết quả bước đầu, thời gian tới, Hợp tác xã tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ cung ứng vật tư phục vụ nông nghiệp, tư vấn kỹ thuật; mở rộng sản xuất nông sản an toàn theo chuỗi liên kết, ký hợp đồng liên kết chuỗi sản xuất cây ngải cứu và cây ớt lai, đặc biệt là thăm dò thị trường, tìm kiếm đầu ra ổn định cho cây cà chua để ký hợp đồng liên kết cho cây trồng chủ lực của địa phương.
Tại xã Nghĩa Hồng, Tổ liên kết phụ nữ sản xuất rau an toàn được thành lập từ tháng 8-2018 với 15 thành viên tham gia cũng là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngay sau khi thành lập, các thành viên được truyền thông kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm trong trồng trọt; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, tích cực sản xuất trên diện tích chuyển đổi gần 3ha đất hai lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, đảm bảo an toàn thực phẩm như cà chua, dưa chuột, rau màu các loại. Tổ liên kết đã đầu tư sản xuất 1ha theo định hướng hữu cơ trong 2 vụ (vụ đông 2018 và vụ xuân 2019) đạt hiệu quả kinh tế cao, các sản phẩm được kiểm định chất lượng an toàn thực phẩm để nhập vào các siêu thị, nhà hàng. Vụ đông 2019, Tổ liên kết tiếp tục sản xuất 7,5 mẫu gồm dưa leo các loại, cà chua. Cùng với đẩy mạnh sản xuất, thành viên Tổ liên kết thường xuyên tổ chức sinh hoạt định kỳ để giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất cũng như tiêu thụ các sản phẩm. Tổ liên kết còn được Hội Phụ nữ xã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, kỹ thuật trồng cây vụ đông trên đất hai lúa cho 750 chị em. Qua đó, các thành viên, hội viên được trang bị kiến thức, trồng các sản phẩm cà chua nhót, dưa chuột bao tử xuất khẩu, nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm và tăng hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Hội Phụ nữ xã cũng tranh thủ khai thác các nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, quỹ TYM, quỹ tiết kiệm tại chi hội… hỗ trợ các thành viên vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất. Từ mô hình đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động trong sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy kết nối từ sản xuất đến thị trường; từng bước xây dựng thương hiệu rau, củ, quả sạch, an toàn, góp phần bảo vệ người tiêu dùng và cộng đồng.
Ngoài mô hình Hợp tác xã kiểu mới tại xã Nam Điền, Tổ liên kết phụ nữ trồng rau an toàn tại xã Nghĩa Hồng, những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ huyện Nghĩa Hưng còn duy trì và nhân rộng nhiều mô hình kinh tế tập thể như: Tổ liên kết nuôi trồng thủy hải sản kết hợp trồng rau sạch tại xã Nghĩa Bình, Tổ liên kết đan cói tại các xã Nghĩa Đồng, Nghĩa Bình, Nghĩa Châu. Qua đó đã gắn kết hội viên chia sẻ kinh nghiệm sản xuất và thị trường tiêu thụ, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hút ngày càng đông đảo chị em tham gia vào tổ chức Hội./.
Bài và ảnh: Lam Hồng