Thực hiện xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và mừng thọ, thời gian qua, huyện Giao Thủy đã đẩy mạnh cuộc vận động “làm cỗ vừa đủ ăn, ăn cỗ không lấy phần”; qua đó tạo nét đẹp văn minh trong nếp sống cộng đồng.
Cán bộ văn hóa xã Giao Hương tuyên truyền việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang đến từng gia đình. |
Trước kia, người dân Giao Thủy có thói quen khi đi ăn cỗ lấy phần mang về cho gia đình. Thực tế, trong những năm tháng kinh tế khó khăn, việc ông bà, cha mẹ đi ăn cỗ mang phần về cho con, cháu là nét nhân văn. Tuy nhiên, khi xã hội đã văn minh, nhà nhà đều đủ ăn, thì ăn cỗ chia phần trở thành hủ tục lạc hậu. Với quan niệm “trả nợ miệng”, làm cỗ nhỏ thì sợ anh em, bà con hàng xóm coi thường nên nhiều gia đình khi có việc hỷ, giỗ chạp, thậm chí đám hiếu thường tổ chức hoành tráng và linh đình. Lượng thức ăn được làm rất lớn, chủ yếu là đồ ăn khô, có mâm cỗ tới 3-4 khoanh giò với mục đích để người ăn chia nhau mang về. Chi phí cho nấu cỗ, thuê bàn ghế, thuê người phục vụ... tốn kém, nhiều gia đình sau khi đám cưới kết thúc thì cũng bắt đầu một gánh nặng “nợ”. Người chủ cỗ vừa tốn kém, mệt nhọc, người đi ăn cũng chẳng sung sướng gì. Việc “trông cỗ đi tiền” khiến người đi ăn phải mừng tiền nhiều hơn. Có những ngày “đẹp”, nhiều nơi tổ chức cưới xin, người đi ăn cỗ như “chạy sô”, nhiều mâm cỗ chỉ 2-3 người ngồi ăn, còn lại giữ chỗ cho người vắng để lấy phần. Đồng chí Bùi Văn Khôi, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Giao Thủy cho biết: Việc ăn cỗ lấy phần bị lợi dụng, biến trướng, trở thành hình ảnh xấu trong đời sống hiện đại, là rào cản trong giao lưu văn hóa, không phù hợp với nếp sống nông thôn mới. Trước thực trạng trên, ngày 14-5-2013, Ban Thường vụ Huyện ủy Giao Thủy ban hành Chỉ thị số 10-CT/HU về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và mừng thọ trên địa bàn huyện; đặc biệt từ năm 2016 huyện phát động cuộc vận động “làm cỗ đủ ăn, ăn cỗ không lấy phần” được cán bộ, đảng viên, nhân dân tích cực hưởng ứng. Cả 22 xã, thị trấn trong huyện đều bám sát sự chỉ đạo của huyện, đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, qua các cuộc họp chi bộ, chính quyền, đoàn thể; sau đó lấy ý kiến người dân, bổ sung vào hương ước khu dân cư để thực hiện. Để cuộc vận động đi vào nền nếp, các xã, thị trấn đều vận động cán bộ, đảng viên phát huy tính tiền phong gương mẫu. Các khu dân cư đưa việc thực hiện cuộc vận động vào tiêu chí để bình xét gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa có sự gắn kết trách nhiệm mỗi gia đình thành viên. Với quy trình tổ chức thực hiện chặt chẽ, được sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên, nhân dân nên cuộc vận động “Làm cỗ vừa đủ ăn, ăn cỗ không lấy phần” đã đi vào cuộc sống. Cỗ vừa đủ cho người ăn và thức ăn ngon hơn; người ăn cỗ khi tham dự vui vẻ giao lưu gắn kết chặt chẽ “tình làng, nghĩa xóm”, xây dựng nét đẹp văn hóa. Nhiều đơn vị như thị trấn Quất Lâm, các xã: Hoành Sơn, Giao Hà, Bình Hòa, Giao Xuân, Giao Phong... tiêu biểu trong thực hiện cuộc vận động.
Nằm ở tuyến ven biển, xã Giao Hải có 18 xóm với gần 7.700 khẩu trước đây là một trong những nơi nặng nề với hủ tục “ăn cỗ chia phần”. Đồng chí Trần Văn Hiếu, cán bộ Văn hóa - thông tin - thể thao xã cho biết, từ thực tế cỗ bàn linh đình, dành chia phần gây tốn kém, lãng phí những năm trước làm cán bộ, đảng viên, nhân dân rất “nản”. Khi cuộc vận động “Làm cỗ vừa đủ ăn, ăn cỗ không lấy phần” được triển khai, cán bộ, đảng viên, nhân dân đều hưởng ứng nhiệt tình. Xóm 12 và xóm 7 đi đầu trong việc triển khai thực hiện. Đồng chí Đặng Thị Mão, Bí thư chi bộ xóm 12 cho biết: Quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh việc cưới, việc tang, trong đó có nội dung cuộc vận động “làm cỗ đủ ăn, ăn cỗ không lấy phần” được niêm yết ở nhà văn hóa xóm. Cán bộ, đảng viên xóm gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện. Tháng 9-2016, gia đình cựu chiến binh Nguyễn Văn Bằng tổ chức đám cưới cho con. Lẽ ra phải tổ chức hàng trăm mâm cưới nhưng ông Bằng rút xuống còn 30 mâm, cỗ làm đủ ăn, mọi người không mang phần về. Trong đám cưới, bà con đến ăn ai cũng phấn khởi. Nếu như trước đây một mâm cỗ để lấy phần trị giá khoảng 700 nghìn đồng đến 1 triệu đồng thì đến nay chỉ còn hơn nửa; các chi phí khác cũng giảm xuống... Ở xã Giao Long, việc thực hiện cuộc vận động “làm cỗ đủ ăn, ăn cỗ không lấy phần” đã đi vào nền nếp. Các khu dân cư đều thành lập tổ giúp việc cộng đồng. Khi gia đình có việc hiếu, hỉ, các tổ giúp việc đảm nhiệm mua sắm thực phẩm, chế biến, bày cỗ, tiếp khách..., thực hiện tốt việc làm cỗ đủ ăn, không chia phần. Xã Giao Phong có hơn 9.000 dân với 25% đồng bào theo đạo Thiên Chúa. Đồng chí Bùi Văn Hưng, cán bộ Văn hóa - Thông tin xã cho biết: Cuộc vận động “Làm cỗ vừa đủ ăn, ăn cỗ không lấy phần” thu hút sự tham gia của cả hệ thống chính trị trong xã. Các chức sắc tôn giáo cũng tích cực vận động bà con giáo dân thực hiện; qua đó xã sớm đạt tiêu chí về văn hóa trong xây dựng nông thôn mới.
Để cuộc vận động “làm cỗ vừa đủ ăn, ăn cỗ không lấy phần” trở nên sâu rộng, thời gian tới huyện Giao Thủy tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền tới cán bộ, đảng viên và nhân dân; phấn đấu đến năm 2020 cả 22 xã, thị trấn đều thực hiện tốt, góp phần xây dựng nếp sống văn minh, hiện đại trong cộng đồng dân cư ở các làng quê./.
Bài và ảnh: Đức Thiện