Qua 10 năm triển khai Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 1956), Nam Định được đánh giá là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; thực hiện có hiệu quả các mô hình liên kết giữa các trường đào tạo nghề với doanh nghiệp; gắn đào tạo nghề với yêu cầu tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn. Qua đó đã từng bước xây dựng lực lượng lao động nông nghiệp, nông thôn chuyên nghiệp, lành nghề để tạo ra các sản phẩm có giá trị hàng hóa cao và khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Hội viên Hội Phụ nữ huyện Vụ Bản tham gia trưng bày sản phẩm làng nghề trong ngày phát động phong trào “Phụ nữ khởi nghiệp năm 2019”. |
"Liên kết 3 nhà" trong đào tạo nghề
Huyện Giao Thủy có số dân trên 190 nghìn người, trong đó số người trong độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ cao. Trên địa bàn huyện có hơn 250 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có trên 70 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; 40 doanh nghiệp xây dựng; 140 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ - vận tải; 11 hợp tác xã tín dụng, sự nghiệp và trên 12 nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ ở địa bàn dân cư. Để đáp ứng nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế, những năm qua, huyện đã tập trung chỉ đạo, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế mở rộng sản xuất, kinh doanh dịch vụ, đa dạng hóa các ngành nghề, tạo việc làm mới cho người lao động; tăng cường công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956, mở các lớp đào tạo nghề, truyền nghề tại địa phương, qua đó tạo thêm nhiều việc làm, thu nhập cho người lao động. Thời gian qua, toàn huyện mở trên 140 lớp cho hơn 4.500 lao động học các nghề may công nghiệp, hàn điện, móc sợi... Sau khi được đào tạo nghề đã có 85% số lao động có việc làm tại các nhà máy, xí nghiệp với mức lương ổn định. Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên phối hợp với 14 trường trung học cơ sở trong huyện thực hiện phân luồng, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh tổ chức điều tra, khảo sát tình hình nhu cầu học nghề, xem xét tính đặc thù nghề nghiệp của từng vùng. Bên cạnh đó, Trung tâm liên kết với các doanh nghiệp có uy tín trong và ngoài huyện tuyển sinh đào tạo theo đơn đặt hàng cung cấp nguồn nhân lực có tay nghề cho các khu công nghiệp, làng nghề; mở 20 lớp đào tạo các nghề như: hàn công nghệ cao, lắp đặt ống công nghệ, điện lạnh, điện công nghiệp và dân dụng liên kết với Trường Cao đẳng nghề LILAMA I Ninh Bình, Trường Cao đẳng Công nghệ thực phẩm Hà Nội, Trường Cao đẳng Công nghiệp Nam Định đào tạo nghề cho trên 500 học viên với các nghề như: may công nghiệp, kỹ thuật chế biến món ăn, lắp đặt ống công nghiệp, hàn công nghiệp... Học viên sau khi học xong đều có việc làm với mức thu nhập bình quân từ 5-7 triệu đồng/tháng.
Toàn tỉnh hiện có 1.079.000 người trong độ tuổi lao động, chiếm gần 60% dân số. Từ năm 2010 đến nay, thực hiện Đề án 1956, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức điều tra, khảo sát để nắm bắt nhu cầu học nghề của người lao động, nhu cầu sử dụng lao động thực tế của các doanh nghiệp; thu hút nhiều tổ chức, cá nhân tham gia vào công tác dạy nghề cho lao động; xây dựng sự gắn kết giữa địa phương, cơ sở đào tạo và cơ sở sản xuất, kinh doanh trong việc tổ chức dạy nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn. Mạng lưới cơ sở dạy nghề phát triển, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề được tăng cường đầu tư; chương trình dạy nghề được chỉnh sửa bổ sung phù hợp nhu cầu thực tiễn; đội ngũ cán bộ quản lý dạy nghề các cấp và của cơ sở dạy nghề, giáo viên dạy nghề được tăng cường về số lượng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng. Tổng kinh phí thực hiện Đề án 1956 là 222.627 triệu đồng; trong đó, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề 87.100 triệu đồng, hỗ trợ lao động nông thôn học nghề 122.127 triệu đồng. Trên địa bàn tỉnh hiện có 46 cơ sở giáo dục nghề nghiệp với tổng số 1.738 cán bộ. Phương thức đào tạo nghề theo nhu cầu doanh nghiệp và thị trường lao động đã được hình thành rõ nét; khoảng 70% chương trình, giáo trình được các doanh nghiệp tham gia xây dựng và góp ý chỉnh sửa đảm bảo đáp ứng nhu cầu thực tiễn sản xuất. Từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh đã hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho 54.219 lao động nông thôn theo Đề án 1956 (trong đó có 19.211 lao động đào tạo nghề nông nghiệp, có 34.998 lao động đào tạo nghề phi nông nghiệp). Với phương châm đào tạo nghề theo hướng "cầm tay chỉ việc", "học đi đôi với hành", hiện nay, toàn tỉnh có trên 60 doanh nghiệp phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo nghề cho lao động nông thôn và cam kết nhận lao động sau tốt nghiệp vào làm tại doanh nghiệp. Ngoài ra, các cơ sở dạy nghề cho lao động nông thôn ký hợp đồng thỉnh giảng với giáo viên các trường đại học, cán bộ khoa học của các trung tâm khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư, phòng nông nghiệp các huyện, các nghệ nhân tại các làng nghề La xuyên, Tống Xá, Hải Minh, Vân Tràng, Nam Giang, Xuân Tiến... cùng tham gia dạy nghề. Trung tâm Dạy nghề huyện Trực Ninh (nay là Trường Trung cấp nghề kỹ thuật công nghiệp Nam Định) là đơn vị trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có chức năng đào tạo học sinh trung cấp và sơ cấp nghề, tư vấn và giới thiệu việc làm cho thanh niên, học sinh và người lao động trong huyện và các huyện phía nam tỉnh. Để đào tạo đội ngũ công nhân có tay nghề cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, nhà trường mở rộng liên kết đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp; đồng thời, tổ chức cho trên 500 học sinh đi thực tập, sản xuất tại các doanh nghiệp như: Công ty Enter B Ninh Bình, Công ty Enter B Nam Định, Công ty Cổ phần Kỹ thuật SICMA, Công ty Cổ phần Kỹ thuật LME, Công ty Kỹ thuật Thăng Tiễn. Trong giảng dạy, giáo viên của trường đã chú trọng gắn việc học với thực hành nâng cao kỹ năng nghề cho học sinh, đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn đưa lao động vào làm việc như: Lao động may công nghiệp, đan mây tre vào làm tại Doanh nghiệp Thủ công mỹ nghệ Cao Cường, xã Trực Tuấn (Trực Ninh); lao động nghề hàn làm việc tại doanh nghiệp Hoàng Hiệp, Cụm công nghiệp thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh); lao động may công nghiệp và dệt tiểu thủ công nghiệp làm việc tại Công ty Dệt may Vĩnh Giang ở thị trấn Cổ Lễ, Công ty Trách nhiệm hữu hạn May Thành Trung, xã Trực Nội (Trực Ninh).
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn
Khu vực nông thôn của tỉnh hiện có trên 5.000 doanh nghiệp (tăng trên 3.000 doanh nghiệp so với năm 2010), giải quyết việc làm cho trên 100 nghìn lao động. Toàn tỉnh có 130 làng nghề sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn (tăng 51 làng nghề so với năm 2010) với trên 52 nghìn hộ sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm thường xuyên cho 130 nghìn lao động. Cùng với duy trì, phát triển các nghề truyền thống, các địa phương đã phát triển một số nghề mới như: may công nghiệp, mây tre đan, tranh thêu, mộc mỹ nghệ, móc sợi, thúc dát đồng... Hàng hóa của làng nghề trong tỉnh có mặt ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước; một số mặt hàng được xuất khẩu ra nước ngoài. Công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn được đặc biệt coi trọng, thông qua các hoạt động thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp kết hợp với đa dạng hóa các hình thức đào tạo nghề; tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo nghề tăng từ 31,5% (năm 2010) lên 63% (năm 2018). Đến nay, chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn được nâng lên đáng kể. Theo kết quả tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp lao động khu vực nông thôn, có 23.095 lao động có trình độ đại học trở lên, chiếm 3,36%, tăng 82,95% so với năm 2011; 56.754 lao động có trình độ cao đẳng, trung cấp, chiếm 8,26%, tăng 6,85% so với năm 2011. Phát triển công nghiệp, dịch vụ nông thôn đã trở thành giải pháp quan trọng tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, nâng cao thu nhập và làm thay đổi cơ cấu thu nhập của hộ dân nông thôn. Năm 2018, tỷ lệ hộ có thu nhập chính từ nông nghiệp, thủy sản giảm còn 20%, tỷ lệ hộ có thu nhập chính từ phi nông nghiệp đạt trên 80%.
Việc triển khai hiệu quả Đề án 1956 gắn với thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn trong tỉnh. Công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn được đặc biệt coi trọng, thông qua các hoạt động thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp kết hợp với đa dạng hóa các hình thức đào tạo nghề; qua đó chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn được nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng từ 12,7 triệu đồng/người (năm 2010) lên 45 triệu đồng/người (năm 2018). Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm từ 5,47% (năm 2015) xuống 2,15% (năm 2018) và hiện còn dưới 2%; 100% số xã đạt Tiêu chí hộ nghèo (tăng 36,7% so với năm 2015 và tăng 99% so với năm 2010) và 100% số xã đạt Tiêu chí lao động có việc làm (tăng 5,7% so với năm 2015 và tăng 95,2% so với năm 2010). Đến tháng 7-2019, Nam Định đã về đích nông thôn mới, với 100% số xã, thị trấn và 10/10 đơn vị hành chính cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới./.
Bài và ảnh: Việt Thắng