Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thời gian qua, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả tích cực, góp phần quan trọng tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh còn một số tồn tại, yếu kém; nhiều doanh nghiệp thực hiện các chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế chưa tốt; tình trạng doanh nghiệp trốn đóng và nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tăng làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.
Đại diện người lao động nêu câu hỏi về chính sách bảo hiểm xã hội tại hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa UBND tỉnh với công nhân tổ chức tại Khu công nghiệp Bảo Minh (Vụ Bản). |
Nêu “đích danh” những đơn vị, doanh nghiệp vi phạm chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Aelim Vina, 100% vốn Hàn Quốc, chuyên sản xuất linh kiện điện tử, trụ sở làm việc tại Lô B2, đường N4, Khu công nghiệp Hòa Xá (thành phố Nam Định) có chủ bỏ trốn về nước từ tháng 4-2018. Công ty có tổng số 132 lao động; số lao động trên bảng lương thanh toán tiền lương tháng 1-2018 là 62 người. Tổng số tiền lương mà công ty còn nợ người lao động từ tháng 1 đến ngày 24-4-2018 là gần 1,4 tỷ đồng; số tiền nợ bảo hiểm xã hội tỉnh, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đến tháng 4-2018 là 2,3 tỷ đồng. Tại hội nghị gặp mặt đối thoại với công nhân, tổ chức tại Khu công nghiệp Bảo Minh, anh Bùi Văn Tám, trước đây là công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn Aelim Vina bức xúc: Thời gian qua chủ công ty bỏ trốn khiến tôi cùng tập thể lao động vô cùng khốn đốn: mất việc làm, bị nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội; việc chốt sổ bảo hiểm để tìm việc mới hoặc hưởng bảo hiểm thất nghiệp gặp nhiều khó khăn. Anh Tám bày tỏ nguyện vọng, các cấp, các ngành chức năng cần sớm can thiệp, giúp người lao động trong công ty bảo vệ quyền lợi chính đáng. Anh Trần Thanh Tùng, công nhân Công ty May Nam Hải (thành phố Nam Định) phản ánh, nhiều năm, Công ty không thực hiện nộp tiền bảo hiểm cho cơ quan Bảo hiểm xã hội theo luật định, ảnh hưởng lớn quyền lợi liên quan của người lao động. Anh Tùng chia sẻ: “Lên công ty hỏi thì không thể gặp được lãnh đạo; lên cơ quan Bảo hiểm xã hội hỏi thì họ bảo công ty chưa nộp tiền nên không thể giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội khiến nhiều năm nay chúng tôi lâm cảnh phải “đứng giữa đường”. Quyền lợi bảo hiểm không được chi trả; sang công ty khác thì không được công ty cũ chốt sổ bảo hiểm; nhiều người đến tuổi nghỉ hưu rồi vẫn chưa được giải quyết chế độ...!”.
Tại kỳ họp thứ chín HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2016-2021, đồng chí Trần Văn Dũng, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh đã nêu thực trạng các đơn vị, doanh nghiệp vi phạm chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Thời gian qua, với chức năng, nhiệm vụ được giao, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã chủ động hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị sử dụng lao động đóng trên địa bàn trích nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; đồng thời phối hợp với UBND các huyện, thành phố, các sở, ngành có liên quan trong công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của các đơn vị sử dụng lao động; đặc biệt là việc phối hợp trong đôn đốc thu, thu nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, tình trạng nợ đọng dây dưa, bắc cầu các loại bảo hiểm này đối với người lao động vẫn xảy ra ở nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tính đến hết tháng 6-2019, tổng số nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của các doanh nghiệp, cơ quan hưởng ngân sách trên địa bàn tỉnh lên tới 189,2 tỷ đồng (chiếm 4,57 tổng số phải thu). Trong đó, nợ bảo hiểm xã hội hơn 131 tỷ đồng (bao gồm 30,7 tỷ đồng nợ của các doanh nghiệp có chủ bỏ trốn, mất tích, không còn hoạt động); nợ bảo hiểm thất nghiệp hơn 6 tỷ đồng; nợ bảo hiểm y tế hơn 19 tỷ đồng... Trong tổng số nợ, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nợ 37 tỷ đồng; khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh nợ hơn 105 tỷ đồng; khối doanh nghiệp Nhà nước nợ 24 tỷ đồng; có 313 đơn vị nợ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp từ 6 tháng trở lên với số tiền nợ 86,7 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp có số nợ bảo hiểm xã hội lớn, thời gian nợ dài như: Công ty May Nam Hải nợ 1 tỷ 913 triệu đồng, tương đương 54 tháng; Công ty Cổ phần Xây lắp I Nam Định nợ 2 tỷ 158 triệu đồng, tương đương 81 tháng; Công ty Cổ phần Thương mại tổng hợp tỉnh Nam Định nợ 1 tỷ 342 triệu đồng, tương đương 71 tháng; Hợp tác xã cơ khí hóa chất dịch vụ Toàn Thắng nợ hơn 1 tỷ, tương đương với 58 tháng. Bên cạnh đó, có nhiều doanh nghiệp chủ bỏ trốn, “mất tích”, không còn hoạt động như: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất thương mại dịch vụ Bạch Việt MB nợ 2 tỷ 725 triệu đồng; Công ty Cổ phần COMMA 19 nợ 1 tỷ 685 triệu đồng; Công ty Cổ phần Xây dựng và phát triển nông thôn Nam Định nợ hơn 1 tỷ đồng. Hiện nay, công tác khởi kiện các doanh nghiệp vi phạm chính sách bảo hiểm xã hội theo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi giao cho tổ chức Công đoàn; việc khởi kiện các doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp gặp nhiều khó khăn. Trước hết, đối với các tranh chấp dân sự liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp như việc khởi kiện dân sự ra tòa đối với các hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền lợi về bảo hiểm xã hội của người lao động còn một số vướng mắc về quy trình, thủ tục; tâm lý chung của người lao động còn e ngại trong việc tự mình hoặc ủy quyền cho tổ chức Công đoàn khởi kiện ra tòa đối với chính người chủ doanh nghiệp nơi họ đang làm việc. Do vậy, số vụ việc khởi kiện ít nên quyền lợi người lao động bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, hiện chưa có hướng dẫn cụ thể của các bộ, ngành Trung ương trong việc xử lý vi phạm về trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động quy định tại Điều 216 - Bộ Luật Hình sự sửa đổi bổ sung năm 2017 (áp khung xử phạt tại Tiết d, Khoản 2, Điều 216 - phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm), cũng như việc quản lý và xử lý nợ đối với các doanh nghiệp đã giải thể, phá sản, rút giấy phép kinh doanh; doanh nghiệp chủ bỏ trốn không có nguồn tài chính trả nợ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Cần sự “vào cuộc” của cả hệ thống chính trị
Để thực hiện hiệu lực, hiệu quả Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Chỉ thị 04 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020. Chỉ thị nêu rõ: Việc tổ chức thực hiện công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh còn một số tồn tại, yếu kém: Nhiều doanh nghiệp thực hiện các chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế chưa tốt; tình trạng doanh nghiệp trốn đóng và nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tăng làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trên chủ yếu là do một số cấp ủy Đảng, chính quyền chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các chính sách, chế độ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và cơ quan Bảo hiểm xã hội ở địa phương chưa chặt chẽ, hiệu quả. Việc tổ chức thanh tra, kiểm tra thực hiện pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế chưa được thường xuyên. Hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế chưa được hiện đại hóa và còn thiếu tính chuyên nghiệp. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế chưa được quan tâm đúng mức...
Để tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, chế độ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; tiếp tục quán triệt và thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI về “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020”, chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm y tế giao phải đạt giai đoạn 2016-2020 tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để xác định rõ trách nhiệm của cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và nâng cao nhận thức mới cho cán bộ, đảng viên, nhân dân tự nguyện tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; coi việc thực hiện chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm y tế là chỉ tiêu pháp lệnh phải thực hiện tại mỗi địa phương.
Ngành Bảo hiểm xã hội tỉnh tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong cán bộ, viên chức của ngành; xây dựng đội ngũ cán bộ tâm huyết, trách nhiệm, hết lòng vì người dân, có năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp trong việc thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Quản lý tốt người hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; các quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm y tế, đảm bảo thu chi theo đúng quy định của pháp luật, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ở tất cả các cấp, các ngành, nhất là các doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã; nhanh chóng xoá bỏ tình trạng không tham gia hoặc nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người lao động trong các doanh nghiệp, hợp tác xã; kiểm tra, giám sát việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế nhằm đảm bảo quyền lợi của người có thẻ bảo hiểm y tế đồng thời hạn chế, ngăn chặn tình trạng trục lợi quỹ bảo hiểm y tế./.
Bài và ảnh: Việt Thắng