Những năm qua, hoạt động giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của các cấp Công đoàn trong tỉnh đã mang lại hiệu quả thiết thực nhằm thực hiện ngày càng tốt hơn vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, lao động.
Sản xuất tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lakeland Việt Nam, xã Xuân Trung (Xuân Trường). |
Xác định vai trò của công tác giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, ngay sau khi Quyết định 217-QĐ/TW, Quyết định 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 18-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các văn bản hướng dẫn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được ban hành, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh đã tổ chức hội nghị phổ biến, triển khai đến các cấp Công đoàn trong tỉnh, đồng thời ban hành hướng dẫn số 46/HD-LĐLĐ và công văn 308/LĐLĐ-CSPL hướng dẫn các cấp Công đoàn thực hiện quy định về giám sát và phản biện xã hội, quy định về tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền. Liên đoàn Lao động tỉnh đã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Thanh tra, Bảo hiểm xã hội tỉnh xây dựng kế hoạch phối hợp giám sát thực hiện pháp luật về lao động, công đoàn, bảo hiểm xã hội và quy chế dân chủ ở cơ sở. Các cấp Công đoàn trong tỉnh đã chủ động và phối hợp tổ chức 20 hội nghị phổ biến, quán triệt, triển khai Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị và các văn bản hướng dẫn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Liên đoàn Lao động tỉnh cho gần 4.000 cán bộ Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và công đoàn cơ sở. Hàng năm, Liên đoàn Lao động tỉnh xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy về nội dung giám sát, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Thanh tra, Bảo hiểm xã hội tỉnh ban hành kế hoạch, quyết định giám sát đối với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời chỉ đạo các cấp Công đoàn căn cứ tình hình thực tế của địa phương, ngành xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền theo quy định; chỉ đạo, hướng dẫn công đoàn cơ sở thực hiện giám sát và phản biện xã hội theo chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, lao động và đoàn viên Công đoàn. 5 năm qua (2014-2019), Liên đoàn Lao động tỉnh đã chủ trì và phối hợp với Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Thanh tra, Bảo hiểm xã hội tỉnh thành lập đoàn giám sát và tiến hành giám sát liên ngành đối với 93 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về việc triển khai thực hiện pháp luật về lao động, công đoàn, bảo hiểm xã hội và quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc. Đồng thời tham mưu cho Đoàn giám sát liên ngành Trung ương do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì tiến hành giám sát về thực hiện pháp luật bảo hiểm xã hội đối với UBND tỉnh và 2 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các đoàn giám sát của Trung ương, của tỉnh đã đưa ra gần 1.000 lượt kiến nghị đối với các doanh nghiệp cần phải thực hiện trong thời gian tới. Mặt khác, Liên đoàn Lao động tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức giám sát và phối hợp giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến công nhân, viên chức, lao động và Công đoàn đối với các doanh nghiệp thuộc địa bàn quản lý. Các công đoàn cơ sở thường xuyên giám sát người sử dụng lao động trong việc thực hiện Luật Lao động, các chế độ, chính sách liên quan đến người lao động; đồng thời tăng cường phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức đối thoại định kỳ, đối thoại đột xuất tại nơi làm việc để kịp thời giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình sản xuất kinh doanh cũng như đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân lao động. Qua hoạt động giám sát của các cấp Công đoàn cho thấy, các doanh nghiệp cơ bản thực hiện tốt các quy định của pháp luật lao động, công đoàn, quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, nhất là các kiến nghị của đoàn giám sát chỉ ra đã được các doanh nghiệp kịp thời tiếp thu, điều chỉnh và thực hiện. Bên cạnh công tác giám sát, căn cứ chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn, thời gian qua, Liên đoàn Lao động tỉnh và các cấp Công đoàn trong tỉnh đã tổ chức phản biện, đóng góp ý kiến vào các văn bản dự thảo liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, lao động theo quy định của pháp luật. Kết quả, Liên đoàn Lao động tỉnh và các cấp Công đoàn trong tỉnh đã tham gia ý kiến đối với 115 văn bản dự thảo, cơ bản các ý kiến tham gia góp ý và phản biện của tổ chức Công đoàn đã được các cấp, các ngành nghiên cứu, tiếp thu điều chỉnh, bổ sung. Hoạt động giám sát, phản biện xã hội của các cấp Công đoàn trong tỉnh những năm qua đã mang lại hiệu quả thiết thực, được cấp ủy Đảng, chính quyền ghi nhận, đánh giá cao, thông qua đó đã góp phần làm chuyển biến về nhận thức để doanh nghiệp thực hiện tốt hơn chế độ chính sách cho công nhân lao động; cũng từ đó, các cấp Công đoàn kịp thời nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, đời sống, việc làm của công nhân, viên chức, lao động và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, giúp cho tổ chức Công đoàn ngày càng thực hiện tốt hơn vai trò, chức năng của mình trong việc đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, lao động.
Thời gian tới, các cấp Công đoàn tiếp tục tập trung lựa chọn, xác định nội dung giám sát thiết thực, ưu tiên những vấn đề nóng, bức xúc, liên quan đến việc thực hiện các chính sách, pháp luật về lao động, tiền lương, tiền thưởng, công tác an toàn vệ sinh lao động, chất lượng bữa ăn ca, điều kiện làm việc, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Tổ chức Công đoàn cần thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, diễn biến tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng và các kiến nghị, đề xuất của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động, từ đó kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết kịp thời, tránh những bức xúc dẫn đến đình công, ngừng việc tập thể gây ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp./.
Bài và ảnh: Văn Huỳnh