Nỗ lực bứt phá trong cải cách hành chính

08:09, 27/09/2019

Xác định công tác cải cách hành chính là khâu đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương tập trung thực hiện, qua đó đã nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, tổ chức, doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút nhiều doanh nghiệp vào đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Sản xuất sợi nguyên liệu phục vụ công nghiệp dệt may tại Nhà máy Sợi (Tổng Công ty Cổ phần Dệt may Nam Định).
Sản xuất sợi nguyên liệu phục vụ công nghiệp dệt may tại Nhà máy Sợi (Tổng Công ty Cổ phần Dệt may Nam Định).

Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư giai đoạn 2016-2020. UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác cải cách hành chính; thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực cải cách hành chính. Trong đó, ưu tiên đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy Nhà nước, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; sáp nhập các cơ quan, đơn vị theo hướng nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý, điều hành của các cơ quan, đơn vị; ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện giải quyết thủ tục hành chính. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác cải cách hành chính; gắn kết quả thực hiện cải cách hành chính với công tác thi đua khen thưởng, đánh giá, xếp loại, quy hoạch bổ nhiệm cán bộ... Trên cơ sở đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ xây dựng chương trình, kế hoạch để tổ chức thực hiện hiệu quả nội dung cải cách hành chính. Trong đó, việc cải cách thủ tục hành chính được đánh giá là bước đột phá trong công tác cải cách hành chính của tỉnh, từng bước đem lại sự thuận tiện cho người dân và các tổ chức, doanh nghiệp. Công tác cải cách thủ tục hành chính được các ngành, các cấp thường xuyên rà soát để đơn giản hóa, loại bỏ các thủ tục không còn phù hợp và cắt giảm thời gian giải quyết. Từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh đã công bố mới 1.575 thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực của các sở, ban, ngành; trong đó, ban hành mới 696 thủ tục, sửa đổi 284 thủ tục, bãi bỏ 591 thủ tục. 100% thủ tục hành chính sau khi được sửa đổi, bổ sung đều được cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính và công khai kịp thời trên Cổng, Trang thông tin điện tử của tỉnh, của các cơ quan, đơn vị và công khai tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại cơ quan, đơn vị theo thẩm quyền giải quyết. Việc tổ chức và hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở các cơ quan hành chính Nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã được duy trì thường xuyên và có nền nếp, hiện có 17/17 cơ quan chuyên môn của tỉnh thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông; 10/10 huyện, thành phố thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông; 229/229 xã, phường, thị trấn thực hiện theo cơ chế một cửa. Đặc biệt, Trung tâm hành chính công của tỉnh đã được chuẩn bị trụ sở làm việc, điều kiện cơ sở vật chất hiện đại, sắp khai trương và đi vào hoạt động sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong giải quyết các thủ tục hành chính. 

Bên cạnh đó, để hướng đến xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, UBND tỉnh ban hành nhiều đề án, kế hoạch chi tiết và triển khai thực hiện có hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước. Toàn tỉnh đã xây dựng Cổng thông tin điện tử 3 cấp, tích hợp Cổng thông tin điện tử của tỉnh, Trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành UBND các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn. Đặc biệt, Cổng thông tin điện tử của tỉnh được quản lý và khai thác hiệu quả, thực hiện tốt 3 nhiệm vụ gồm cung cấp thông tin chỉ đạo điều hành; kết nối trang tin điện tử của các cơ quan thuộc hệ thống chính trị; tích hợp, cung cấp trực tuyến các dịch vụ hành chính công của tỉnh; hệ thống phần mềm quản lý văn bản, thư điện tử, đối thoại trực tuyến... Hiện nay, Cổng thông tin điện tử tỉnh cập nhật đầy đủ bộ thủ tục hành chính của 3 cấp là tỉnh, huyện, xã; hàng trăm văn bản tài liệu các loại và trên 500 tin bài, thu hút gần 10 triệu lượt người truy cập. Triển khai phần mềm quản lý văn bản và điều hành cho 100% các cơ quan hành chính của 3 cấp trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan chính quyền, giảm chi phí văn phòng phẩm. Tỷ lệ văn bản trao đổi hoàn toàn trên môi trường mạng qua hệ thống quản lý văn bản và điều hành đạt trên 80%. Bên cạnh đó, tỉnh đã triển khai hệ thống một cửa điện tử tích hợp cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh (https://dichvucong.namdinh.gov.vn), cung cấp 1.750 thủ tục đến mức độ 2 và 300 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3. Hiện có 100% đơn vị cấp tỉnh và 3 huyện, thành phố triển khai xây dựng phần mềm một cửa điện tử, dịch vụ công trực tuyến. Việc ứng dụng phần mềm một cửa điện tử, tích hợp dịch vụ công trực tuyến tại các đơn vị nêu trên đã giúp việc vận hành được thông suốt, giảm thời gian luân chuyển hồ sơ, qua đó rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, tăng tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn và công khai toàn bộ quá trình, tiến độ giải quyết của từng hồ sơ để công dân, tổ chức biết. 6 tháng đầu năm 2019, Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, một cửa điện tử đã tiếp nhận 23.117 hồ sơ và đã xử lý 21.200 hồ sơ đúng hạn, đạt 94,9%.

Bằng sự nỗ lực không ngừng, năm 2018, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh tăng 6 bậc so với năm 2017; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) đứng thứ 24/63 tỉnh, thành phố; chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) đứng thứ 15/63 tỉnh, thành phố trong cả nước… Những kết quả trên góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thu hút nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đến tỉnh hợp tác, đầu tư. Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 291 dự án với tổng số vốn 2.732 triệu USD và 6.939,3 tỷ đồng. Tổng vốn FDI cấp mới và điều chỉnh tăng trong giai đoạn 2016-2018 đã đạt 92% mục tiêu thu hút FDI giai đoạn 2016-2020 đề ra tại Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy. Đến nay, tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt mốc hơn 8.210 doanh nghiệp và 706 chi nhánh, văn phòng đại diện đăng ký thành lập với tổng số vốn đăng ký 62.387 tỷ đồng./. 

Bài và ảnh: Văn Trọng

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com