Được phát động từ năm 2002, đến nay sau hơn 15 năm triển khai, mô hình phong trào “An toàn trường học” đã tạo chuyển biến rõ nét về an ninh trật tự trong các cơ sở giáo dục - đào tạo trên địa bàn tỉnh. Mỗi trường học có cách làm riêng, cụ thể hóa thành nhiều mô hình khác nhau, nhưng đều hướng tới mục đích chung là giữ an toàn, lành mạnh cho môi trường học đường, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.
1. Hai năm tăng 10 bậc xếp hạng nhờ “Camera an ninh trường học”
Hai năm trước, Trường Trung học cơ sở xã Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng) xếp thứ 20 trong tổng số 25 trường trung học cơ sở; đến năm học 2018-2019 nhà trường đã vươn lên xếp hạng ở vị trí số 10. Nguyên nhân có nhiều, nhưng theo cô hiệu trưởng Triệu Thị Bích Thoa thì đó là hiệu quả của hệ thống camera an ninh với vai trò quản lý giáo viên và học sinh trong nhà trường. Từ việc lớp nào còn trống tiết, vắng giáo viên cho đến học sinh vi phạm quy chế thi, thái độ sai, nói chuyện riêng, sử dụng điện thoại trong giờ học, thậm chí là mâu thuẫn, đánh cãi nhau hay tình trạng mất trộm đồ dùng học tập… tất cả đều được Ban giám hiệu và giáo viên chủ nhiệm theo dõi, nắm bắt qua hệ thống camera. Mỗi lớp được lắp đặt hai mắt và toàn bộ chi phí đều do cựu học sinh nhà trường đóng góp ủng hộ. Trước đó, nhà trường đã được các “Mạnh Thường Quân” ủng hộ 13 chiếc ti vi thông minh. Lợi ích của việc sử dụng smart TV trong giáo dục là điều đã được chứng thực, song nguy cơ “đắp chiếu” toàn bộ số thiết bị có giá trị lên tới cả trăm triệu đồng nói trên có thể xảy ra nếu không có sự “cứu cánh” của hệ thống camera giám sát.
Sóng wifi vốn được dùng để phục vụ số ti vi này trong giờ giảng một khi không được quản lý chặt sẽ trở thành phương tiện để các thiết bị di động có thể “lướt net”. Từ lúc camera được lắp đặt ở đầu và cuối mỗi phòng học, việc sử dụng điện thoại được siết chặt hơn, đảm bảo sự tập trung hoàn toàn vào quá trình dạy và học trên lớp, đồng thời cũng tạo thuận lợi cho hệ thống smart TV phát huy tác dụng.
Ý thức tổ chức kỷ luật được nâng cao, trang thiết bị hỗ trợ ngày càng hoàn thiện kéo theo hứng thú và tinh thần tự giác nghiên cứu, học tập của cả giáo viên, học sinh. Đó là những điều kiện cần và đủ để làm nên sự thay đổi vượt bậc của Trường Trung học cơ sở Nghĩa Thắng.
2. Hiệu quả mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”
Thông thường ở nhiều cổng trường học, vào giờ đến lớp hay tan trường, sẽ dễ dàng bắt gặp cảnh học sinh đi hàng ba hàng bốn, sai làn đường, không đội mũ bảo hiểm... Đây là những vi phạm trật tự an toàn giao thông khá phổ biến ở học sinh. Nhưng với Trường Trung học phổ thông Hải Hậu A, tình trạng này không để xảy ra.
Chỉ cần ra tới cổng mà chưa đội mũ bảo hiểm, học sinh đi xe đạp điện lập tức được các thành viên đội xung kích - tự quản đứng làm nhiệm vụ ở cổng tiến đến nhắc nhở. Những em đi bộ không băng ngay qua đường mà tự giác di chuyển về phía làn ưu tiên, đợi tập trung thành nhóm, hạn chế ảnh hưởng tới người đang lưu thông. Các bạn có phương tiện định hình trước hướng đi, sau đó theo luồng tỏa về hai bên cổng. Không có hiện tượng í ới, chờ đợi nhau gây cản trở cho người phía sau. Cũng ít xảy ra tình trạng thay đổi hướng đi trái chiều, đan xen dẫn đến ùn tắc.
Nằm trên trục đường chính của thị trấn Yên Định, số phương tiện qua lại trước cổng Trường Trung học phổ thông Hải Hậu A khá nhiều; vậy mà chưa khi nào ở đây xảy ra tình trạng tắc đường. Nguyên nhân do cách sắp xếp khoa học của nhà trường; và quan trọng hơn là ý thức tự giác chấp hành luật giao thông của học sinh. Nhường đường cho phương tiện khác cũng là nét đẹp văn hóa giao thông của học sinh Trường Trung học phổ thông Hải Hậu A.
Để xây dựng và duy trì thói quen, nét đẹp văn hóa giao thông trường học là cả một quá trình rèn luyện của thầy và trò nhà trường. Những hoạt động ngoại khóa, những tiết học Giáo dục công dân có đan cài nội dung liên quan về pháp luật, đặc biệt là Luật Giao thông đường bộ; những buổi sinh hoạt, trò chuyện chuyên đề với lực lượng Cảnh sát giao thông Công an huyện… đã đem đến cho học sinh cách nhìn trực quan, đúng đắn về tình hình giao thông Việt Nam hiện tại cũng như tầm quan trọng của việc nâng cao ý thức, văn hóa trong quá trình tham gia giao thông.
Em Vũ Minh Anh, học sinh lớp 12A2 cho biết: Những tiết học ngoại khóa như vậy thật sự cần thiết và luôn được đón nhận - Không khô khan, không giáo điều, các em được chứng kiến tận mắt những hình ảnh, câu chuyện, thông tin thực tế và trực tiếp nêu ý kiến, thắc mắc cũng như quan điểm của cá nhân mình”. Để từ đó, văn hóa giao thông được hình thành một cách tự nhiên nhưng có nền tảng và bền vững lâu dài.
Bên cạnh việc rèn giũa nghiêm khắc, việc xây dựng nền nếp, kỷ luật cũng là biện pháp để duy trì hiệu quả mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” ở Trường Trung học phổ thông Hải Hậu A. Ngay cả học sinh cũng tích cực tham gia vào quá trình này dưới vai trò đoàn viên thanh niên xung kích, tình nguyện. Không chỉ theo dõi, nhắc nhở các bạn, đội xung kích còn là cầu nối đưa những nội dung tuyên truyền đi sâu, lan rộng vào đời sống học đường một cách chân thực, tự nhiên nhất.
Trao đổi với chúng tôi, thầy giáo Vũ Văn Trình, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường Trung học phổ thông Hải Hậu A là ngôi trường có bề dày truyền thống cả về học tập và rèn luyện. Để có được thành tựu như hôm nay, bên cạnh công sức, tâm huyết của cả thầy và trò thì những yếu tố khác cũng có phần đóng góp rất quan trọng. Và theo quan điểm của Ban Giám hiệu nhà trường, việc giáo dục an toàn giao thông cho học sinh là một trong những vấn đề cần quan tâm giải quyết trong tình hình hiện nay.
Có một thực tế đáng lo ngại là cùng với sự gia tăng các phương tiện, ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông vẫn còn nhiều hạn chế. Đó là lý do vì sao tình trạng va chạm, tai nạn giao thông khó có thể giảm bền vững mà chỉ dừng ở mức “kiềm chế” hay “giảm thiểu”. Đã có ý kiến cho rằng, để bức tranh giao thông trong nước có thêm nhiều mảng màu sáng hơn, yếu tố cốt lõi chính là văn hóa giao thông phải được nâng cao. Mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” ở Trường Trung học phổ thông Hải Hậu A có thể coi là gợi ý cho việc giải bài toán này.
Từ hiệu quả đã được chứng thực, thời gian tới, mô hình này sẽ tiếp tục được nhân rộng ra các trường trên địa bàn toàn tỉnh. Nếu thành công, đây sẽ là biện pháp tốt để định hướng và hình thành văn hóa giao thông trong tuổi trẻ học đường, từ đó góp phần hiện thực hóa mục tiêu giảm thiểu và kiềm chế tai nạn giao thông trên phạm vi toàn quốc./.
Ngọc Thương (Công an tỉnh)