Nắm bắt kịp thời các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tìm hiểu và phân tích thị trường trong quá trình chăn nuôi đã giúp Hợp tác xã Cựu chiến binh Vạn Xuân Trường, xã Hiển Khánh (Vụ Bản) gặt hái được nhiều thành công với mô hình liên kết chuỗi sản xuất.
Tham quan mô hình vườn - ao - chuồng của bà Trần Thị Việt, thành viên Hợp tác xã Cựu chiến binh Vạn Xuân Trường, xã Hiển Khánh (Vụ Bản). |
Thành lập từ năm 2014 theo Luật Hợp tác xã 2012 với 21 thành viên, đến nay, Hợp tác xã Cựu chiến binh Vạn Xuân Trường đã phát triển lên đến 55 thành viên, trở thành địa chỉ quen thuộc, nơi chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm của các cựu chiến binh và bà con nông dân có mong muốn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Đồng chí Triệu Ngọc Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã chia sẻ: “Ngay từ ngày mới thành lập, Hợp tác xã đã chú trọng việc ứng dụng khoa học công nghệ, xử lý chất thải và các vấn đề môi trường trong quy trình chăn nuôi, tìm các mối liên kết để cung ứng dịch vụ đầu vào và bao tiêu sản phẩm cho các thành viên”. Nhờ vậy, Hợp tác xã đã quy tụ được các cựu chiến binh ở nhiều địa phương khác nhau trên địa bàn huyện có chung mục đích “mua chung, bán chung”. Bên cạnh đó, được sự tạo điều kiện và hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương, Hợp tác xã đã được mượn diện tích đất không thời hạn để đầu tư xây dựng trụ sở làm việc tại khu vực Chợ Lời, xã Hiển Khánh, thuận tiện cho việc giao dịch. Ngoài số vốn huy động của các thành viên theo Điều lệ, Hợp tác xã đã vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Vụ Bản 100 triệu đồng và Ngân hàng Nông nghiêp và Phát triển nông thôn huyện 1,3 tỷ đồng để hỗ trợ các thành viên tổ chức sản xuất theo phương thức hiện đại, đầu tư xây dựng mô hình trang trại tổng hợp, tập trung vào chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi thủy sản… Để hỗ trợ Hợp tác xã phát triển, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã hỗ trợ 5 triệu đồng; Hội Cựu chiến binh tỉnh hỗ trợ 75 triệu đồng để các hộ thành viên mua sắm máy nghiền thức ăn gia súc, gia cầm. Ngoài ra, Hội Cựu chiến binh tỉnh còn hỗ trợ 1 suất lương (3 triệu đồng) cho cán bộ trẻ về làm việc tại Hợp tác xã. Bên cạnh đó, Hội đồng quản trị Hợp tác xã Cựu chiến binh Vạn Xuân Trường đã năng động tìm hướng phát triển và xây dựng thành công chuỗi sản phẩm liên kết giữa Hợp tác xã với các doanh nghiệp, tiêu thụ các sản phẩm sạch do các thành viên sản xuất như: gà, trứng gà sạch, gạo thảo dược, thịt lợn, thịt thỏ, thịt bò, cá truyền thống...; phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi cho các thành viên; phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng thuốc bảo vệ thực vật, cây, con giống cho các thành viên chăn nuôi, sản xuất. Đầu năm 2019, Hợp tác xã đã phối hợp với Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn xây dựng bộ tem truy xuất nguồn gốc hàng hóa cho một số sản phẩm của Hợp tác xã, kết nối tổ chức cho các thành viên tham gia nhiều hội chợ nông sản lớn trong nước để giới thiệu quảng bá sản phẩm nông sản, tạo thương hiệu riêng cho từng sản phẩm. Do được tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật nên hầu hết các thành viên Hợp tác xã đầu tư mô hình chăn nuôi khép kín với hệ thống chuồng trại được thiết kế khoa học. Đặc biệt, khâu vệ sinh được các thành viên thực hiện thường xuyên, chất thải của vật nuôi được phân loại để xử lý riêng, trong đó một phần phân gà được thu gom bán lại cho những hộ nông dân tận dụng để bón cây, còn lại toàn bộ nước thải được chảy qua hệ thống rãnh kín đưa về các bể bi-ô-ga xử lý sau đó mới xả thải ra môi trường. Đến thăm trang trại vườn - ao - chuồng của gia đình bà Trần Thị Việt, thành viên của Hợp tác xã, chúng tôi được chứng kiến không gian quy hoạch theo tiêu chuẩn sản xuất sạch. Với diện tích hơn 1,3ha, bà Việt chia thành các khu chăn nuôi gồm: 2 chuồng chăn nuôi gà, lợn, 2 ao nuôi cá truyền thống và gần 4 sào cấy giống lúa đặc sản Dự hương. Còn ở trang trại chăn nuôi thỏ của gia đình anh Triệu Đình Hợi, cũng là một thành viên tích cực của Hợp tác xã trên diện tích hơn 3.000m2 đang nuôi hơn 9.000 con thỏ. Toàn bộ số thỏ ở đây đều được phía công ty dược phẩm của Nhật Bản ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Anh Hợi chia sẻ: “Trung bình mỗi tháng gia đình tôi xuất bán được gần 1.500 con thỏ thịt thương phẩm, trung bình mỗi con nặng từ 2-2,3kg, hiện giá thỏ thương phẩm đang được phía công ty thu mua là 170 nghìn đồng/con. Sau khi trừ chi phí, mỗi tháng trang trại cho thu nhập gần 100 triệu đồng”. Ngoài ra, các thành viên Hợp tác xã còn phát triển chăn nuôi bò, lợn và các loại gia cầm khác như vịt, ngan, chim bồ câu… Chia sẻ thêm với chúng tôi, đồng chí Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã cho biết: “Hiện nay, thị trường tiêu thụ sản phẩm của Hợp tác xã đã phát triển ra nhiều tỉnh, thành phố. Trong chuỗi liên kết, các doanh nghiệp đảm nhận từ khâu cung ứng con giống, thức ăn chăn nuôi đến cầu nối tiêu thụ sản phẩm. Sản phẩm của Hợp tác xã đa dạng như: Gà ta thả vườn 5.000 con; gà đẻ trứng giống Ai cập gồm 2 trại với quy mô 15-20 nghìn con; thỏ (6.000-9.000 con), 50 con bò, lúa hàng hóa; rau màu các loại”. Với quy mô sản xuất lớn, Hợp tác xã có thể đảm bảo đầy đủ nguồn hàng cung cấp cho các hợp đồng đã được ký kết. Hợp tác xã đã chủ động liên kết, hợp đồng với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nông nghiệp HTC (Nam Định), Trại gà giống Lương Huệ (Hải Phòng), Công ty Giống gia súc, gia cầm Ninh Bình… để cung ứng thức ăn chăn nuôi, giống các loại. Trong quá trình hoạt động, Hợp tác xã đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định hướng sản phẩm, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi theo quy trình an toàn sinh học, hỗ trợ xây dựng và chứng nhận cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn vệ sinh thực phẩm. Cùng với đó, Hợp tác xã Vạn Xuân Trường lập kế hoạch, tổ chức sản xuất nông sản sạch theo đơn đặt hàng của các công ty. Yêu cầu về chất lượng sản phẩm của các công ty là vật nuôi phải được nuôi theo hướng bán công nghiệp, không sử dụng chất cấm, không sử dụng kháng sinh và nuôi theo quy trình chăn nuôi, sản xuất sạch. Đến nay, sản lượng hàng hóa của các thành viên trong Hợp tác xã Vạn Xuân Trường sản xuất cao gấp 2 lần so với trước đây; tổng giá trị sản phẩm đạt trên 20 tỷ 650 triệu đồng/năm. Cá biệt một số thành viên trong Hợp tác xã chăn nuôi có doanh thu cao từ trên 300 đến trên 500 triệu đồng/năm. Tất cả sản phẩm của Hợp tác xã sản xuất ra đều được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và đủ điều kiện đưa ra thị trường. Bốn sản phẩm chủ lực của Hợp tác xã gồm: gà, trứng gà, thịt lợn, gạo thảo dược được chứng nhận an toàn và có tem truy xuất nguồn gốc do cơ quan có thẩm quyền cấp. Hoạt động kinh doanh của Hợp tác xã đã đạt doanh thu trên 1 tỷ 800 triệu đồng/năm.
Với việc xây dựng chuỗi liên kết trong chăn nuôi giữa Hợp tác xã Cựu chiến binh Vạn Xuân Trường với các công ty là tiền đề cho việc nhân rộng, tổ chức liên kết “4 nhà” trong chăn nuôi, hướng tới sản xuất hiệu quả, bền vững./.
Bài và ảnh: Hoàng Tuấn