Trong những năm gần đây, nhận thức của cộng đồng nhân dân về chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình đã được nâng lên rõ rệt, mô hình gia đình ít con được đông đảo các tầng lớp nhân dân đồng tình và thực hiện. Nhằm tăng cường cung cấp các dịch vụ cho công tác này, từ năm 2016, Sở Y tế đã đẩy mạnh xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản và đạt được kết quả quan trọng.
Kiểm tra sức khỏe, tư vấn chăm sóc cho phụ nữ có thai tại Trung tâm Y tế huyện Giao Thủy. |
Sở Y tế đã thành lập Ban Quản lý Đề án “Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển giai đoạn 2015-2020” tỉnh Nam Định; triển khai Dự án “Xây dựng và thử nghiệm mô hình xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa sức khỏe sinh sản giai đoạn 2016-2020”; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai các hoạt động tuyên truyền, xây dựng mô hình điểm, từ đó rút kinh nghiệm để nhân ra diện rộng. Xác định công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình là đặc biệt quan trọng, ngành Y tế đã chú trọng triển khai và duy trì trên cả bề rộng và chiều sâu. Các hoạt động truyền thông đã được tổ chức hướng về cơ sở, tập trung ở những địa bàn trọng điểm, vùng có mức sinh cao, với nhiều hình thức: hội nghị truyền thông lồng ghép, nói chuyện chuyên đề về chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền lưu động, qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tiểu phẩm sân khấu hóa, cấp phát tờ rơi… Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh đã tổ chức hội nghị triển khai thực hiện Quyết định số 669/QĐ-SYT của Sở Y tế và khai trương Phòng Tư vấn và Cung ứng phương tiện tránh thai, hàng hóa sức khỏe sinh sản tại thành phố Nam Định; tập huấn cập nhật, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng tư vấn sử dụng các chủng loại phương tiện tránh thai cho người cung ứng phương tiện tránh thai, người cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản. Tổ chức truyền thông trọng điểm và giới thiệu các sản phẩm phương tiện tránh thai, hàng hóa sức khỏe sinh sản tại thị trấn Quất Lâm (Giao Thủy) và thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu); tổ chức 3 hội nghị tập huấn truyền thông, nói chuyện chuyên đề, kỹ năng tiếp thị sản phẩm cho 300 cộng tác viên dân số tại các huyện Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Hải Hậu. Truyền thông lồng ghép với các hoạt động khác trong chương trình dân số về chuyển đổi hành vi đối với các nhóm đối tượng trực tiếp sử dụng phương tiện tránh thai, hàng hóa sức khỏe sinh sản và các nhóm đối tượng có tác động tích cực, trực tiếp đến người sử dụng phương tiện tránh thai, hàng hóa sức khỏe sinh sản. Bên cạnh đó, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh phối hợp với 4 doanh nghiệp: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nam Dược, Công ty Cổ phần May Nam Định, Công ty Dược phẩm Trường Thọ, Công ty Dệt - May Sơn Nam tại Khu công nghiệp Hòa Xá (thành phố Nam Định) triển khai “Mô hình thử nghiệm cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản và phương tiện tránh thai cho công nhân và gia đình”. Trong khuôn khổ mô hình, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh đã tổ chức 16 buổi tuyên truyền lồng ghép nội dung về dân số - kế hoạch hóa gia đình, 2 buổi nói chuyện chuyên đề cho công nhân, cấp phát 18 nghìn tờ rơi các loại, qua đó cung cấp kiến thức cơ bản cho người lao động về các biện pháp tránh thai và cách phòng, chống những bệnh viêm nhiễm đường sinh sản. Đồng thời, tạo điều kiện cho công nhân được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình và hạn chế những hệ lụy do thiếu hiểu biết về chăm sóc sức khỏe sinh sản mang lại.
Cùng với các hoạt động truyền thông, ngành Y tế tiếp tục củng cố và phát triển mạng lưới cung ứng phương tiện tránh thai và hàng hóa sức khỏe sinh sản đến tận tay người tiêu dùng giúp họ được tiếp cận với các sản phẩm đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý. Từ năm 2017 đến nay, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh đã cung ứng 1.992 vỉ thuốc uống tránh thai; 155 nghìn chiếc bao cao su; 1.320 hộp viên sắt và vi chất Prenatal, 3.500 lọ dung dịch vệ sinh, với tổng giá trị 545 triệu đồng. Riêng từ đầu năm 2019 đến nay đã cung ứng: 60 nghìn chiếc bao cao su, 2.400 vỉ thuốc uống tránh thai, 160 chiếc vòng tránh thai, 1.080 lọ dung dịch vệ sinh đa năng, với tổng giá trị trên 120 triệu đồng.
Thực hiện xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản là một hướng đi tất yếu, không chỉ góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước mà còn từng bước thay đổi nhận thức của người dân về vấn đề dân số - kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản, chủ động sử dụng các phương tiện tránh thai để bảo vệ sức khỏe lâu dài. Tuy nhiên, công tác xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản hiện nay còn gặp một số khó khăn: Nhận thức của một số bộ phận cán bộ về phương thức xã hội hóa chưa đầy đủ; một số địa phương có tư tưởng trông chờ ngân sách Nhà nước bao cấp; nhiều người dân chưa tự nguyện mua phương tiện và thực hiện các biện pháp tránh thai… Nhằm đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, thời gian tới ngành Y tế tiếp tục đa dạng hóa các hình thức truyền thông, quảng bá sản phẩm rộng rãi đến người dân. Thúc đẩy xã hội hóa huy động sự tham gia đóng góp hơn nữa của các doanh nghiệp trong việc cung ứng phương tiện tránh thai, hàng hóa sức khỏe sinh sản và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản. Tăng nhanh số người tự giác sử dụng các biện pháp tránh thai, góp phần duy trì mức sinh thay thế, giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính, nâng cao chất lượng dân số, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân./.
Bài và ảnh: Minh Tân