Hội Phụ nữ huyện Nghĩa Hưng có tổng số 42.886 hội viên. Những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ trong huyện đã triển khai có hiệu quả các hoạt động hỗ trợ phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.
Một trong 8 chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Phụ nữ huyện nhiệm kỳ 2016-2021 là, hàng năm các cấp Hội phối hợp đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho từ 300-400 lao động nữ; hỗ trợ 5 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp. Phấn đấu cuối nhiệm kỳ, các cấp Hội phối hợp thành lập 1 hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý. Để thực hiện chỉ tiêu trên, các cấp Hội tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế; hỗ trợ phụ nữ xây dựng các tổ, nhóm phụ nữ liên kết sản xuất, kinh doanh, dịch vụ như: Tổ đan cói của các xã: Nghĩa Bình, Nghĩa Đồng, Nghĩa Hồng, Nghĩa Châu; tổ phụ nữ liên kết “Nuôi trồng thủy hải sản” tại xã Nghĩa Bình; Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Bình Minh xã Nam Điền; mô hình nuôi giun quế tại các xã Hoàng Nam, Nghĩa Minh và Nam Điền; “Tổ phụ nữ liên kết trồng rau an toàn” tại xã Nghĩa Hồng...
Lao động nữ làm việc tại Công ty Cổ phần Vật liệu và xây lắp Nghĩa Hưng. |
Thực hiện Đề án 1956 về "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020", Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, Trung tâm Dạy nghề công lập huyện Nghĩa Hưng mở 18 lớp dạy nghề đan lát thủ công cho 1.705 hội viên phụ nữ các xã Nghĩa Lạc, Nghĩa Châu, thị trấn Quỹ Nhất. Đến nay, đã có 3.517 người tham gia làm nghề đan cói với mức thu nhập bình quân 3-5 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, các cấp Hội Phụ nữ trong huyện còn tích cực nhận ủy thác nguồn vốn cho vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quỹ TYM, Quỹ Châu Á... hỗ trợ hội viên phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn vay vốn phát triển kinh tế. Tổng các nguồn vốn các cấp Hội đang quản lý gần 225 tỷ đồng, tạo điều kiện cho 8.419 hội viên có thêm nguồn vốn để đầu tư phát triển kinh tế. Cùng với việc hỗ trợ hội viên vay vốn, các cấp Hội tích cực vận động hội viên tham gia gửi tiết kiệm. Đến nay đã huy động tiết kiệm từ Ngân hàng Chính sách xã hội và Quỹ TYM được 3,916 tỷ đồng với 8.338 hội viên tham gia. Thực hiện chương trình "Tiết kiệm hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp", 10 xã, thị trấn có hoạt động của Quỹ TYM đã tích cực tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và nội dung chương trình tiết kiệm hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp tới đông đảo cán bộ, hội viên. Hàng năm, Hội Phụ nữ huyện phối hợp với Quỹ TYM tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ Hội đang quản lý vốn Quỹ TYM về hoạt động tài chính vi mô và kỹ năng khởi sự doanh nghiệp. Thông qua hội nghị đã nâng cao khả năng tiếp cận tài chính toàn diện cho hội viên phụ nữ và học tập được nhiều kinh nghiệm của các chị em làm kinh tế giỏi. Cùng với đó, Hội Phụ nữ các cấp tiếp tục vận động thực hiện tiết kiệm tại chi Hội, tạo nguồn vốn tại chỗ để hỗ trợ hội viên, phụ nữ nghèo có hoàn cảnh khó khăn vay phát triển sản xuất, chăn nuôi. Đến nay tổng số tiền vận động tiết kiệm tại chi Hội được 40,5 tỷ đồng với 8.217 thành viên tham gia. Ngoài ra, các cấp Hội thường xuyên quan tâm đến hội viên phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Ngay từ đầu năm, các cấp Hội Phụ nữ trong huyện đã xây dựng kế hoạch rà soát số hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ, tìm biện pháp phù hợp giúp đỡ thoát nghèo. Trong năm 2018, Hội Phụ nữ các cấp trong huyện đã giúp được 956 hộ nghèo, 334 hộ cận nghèo do phụ nữ làm chủ hộ; đã có 317 hộ thoát nghèo, đồng thời quan tâm chăm lo đời sống cho hội viên phụ nữ trong diện hộ nghèo, cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Nửa nhiệm kỳ qua đã tặng 3.528 suất quà trị giá 2.058,3 triệu đồng cho hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, người tàn tật, người già neo đơn, trẻ em mồ côi; xây tặng 13 “Mái ấm tình thương” cho phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trị giá 260 triệu đồng, hỗ trợ sửa 3 nhà, tổng trị giá 30 triệu đồng; hỗ trợ đột xuất cho hội viên phụ nữ nghèo và trẻ em trị giá 45 triệu đồng... Từ các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp đã có nhiều hội viên phụ nữ vươn lên làm giàu, được biểu dương trong “Ngày phụ nữ khởi nghiệp” năm 2019, tiêu biểu như các chị: Phạm Thị Định - Chủ cơ sở sản xuất miến dong sạch Bân Định, xóm 13, xã Nghĩa Lâm, tạo việc làm cho 20 lao động nữ với thu nhập ổn định từ 5-6 triệu đồng/người/tháng. Phạm Thị Hồng - Chủ cơ sở sản xuất nón lá, xóm 14, xã Nghĩa Châu, tạo việc làm cho 5 lao động nữ tại địa phương với thu nhập 3 triệu đồng/người/tháng. Đoàn Thị Rịu - Chủ cơ sở trồng nấm sạch, đội 13, xã Nghĩa Phong tạo việc làm cho 6-10 lao động nữ lúc nông nhàn có thu nhập từ 4-5 triệu đồng/người/tháng.
Nhờ chú trọng đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động với các giải pháp cụ thể, Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Nghĩa Hưng và cơ sở đã đoàn kết, đổi mới, lãnh đạo phong trào phụ nữ và hoạt động của Hội đạt hiệu quả cao, có 7/8 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, trong đó có chỉ tiêu về hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện./.
Bài và ảnh: Lam Hồng