Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật

07:08, 02/08/2019

Thời gian qua, UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, qua đó đã phát hiện và xử lý nhiều văn bản có sai sót, không còn phù hợp với quy định pháp luật hoặc tình hình thực tế góp phần nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước bằng pháp luật ở địa phương.  

Để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, UBND tỉnh đã ban hành Quy chế phối hợp, trong đó quy định cụ thể trách nhiệm giữa các sở, ban, ngành và các cơ quan có liên quan trong việc thực hiện rà soát, hệ thống hóa văn bản do HĐND và UBND tỉnh ban hành. Cập nhật thường xuyên, đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và trang Công báo tỉnh Nam Định đảm bảo công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật, đồng thời cũng là cơ sở dữ liệu phục vụ công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật. Hàng năm, UBND tỉnh đều ban hành Kế hoạch kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật; lựa chọn các chuyên đề để thực hiện rà soát văn bản. Đây cũng là cơ sở để các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trong tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện. Kết quả thực hiện công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật hàng năm được tỉnh triển khai nghiêm túc, quyết liệt trong quá trình chấm điểm chỉ số cải cách hành chính của các sở, ban, ngành, địa phương. UBND tỉnh giao Sở Nội vụ phối hợp với Sở Tư pháp thường xuyên kiện toàn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật. Hiện nay, Sở Tư pháp có 3 biên chế tại Phòng Xây dựng và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Tại các sở, ban, ngành của tỉnh, cán bộ pháp chế chuyên trách có nhiệm vụ giúp lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ rà soát văn bản, phối hợp với Sở Tư pháp kiểm tra khi có yêu cầu. Tại các huyện, thành phố, nhiệm vụ kiểm tra, rà soát văn bản vẫn chủ yếu do Phòng Tư pháp thực hiện.

Cán bộ Phòng Tư pháp Thành phố Nam Định kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật.
Cán bộ Phòng Tư pháp Thành phố Nam Định kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật.

Với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của UBND tỉnh và sự cố gắng, nỗ lực của các cơ quan, đơn vị, công tác kiểm tra, rà soát văn bản HĐND, UBND trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Từ năm 2018 đến nay, Sở Tư pháp đã phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh thực hiện công tác tự kiểm tra 36 văn bản quy phạm pháp luật do UBND tỉnh ban hành; kiểm tra 9 văn bản quy phạm pháp luật do UBND cấp huyện ban hành; phối hợp với các sở, ngành có liên quan thực hiện công tác tự kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực: Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Thanh tra, Kế hoạch và Đầu tư... theo yêu cầu của các bộ, ngành có liên quan; thực hiện rà soát 30 văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND tỉnh ban hành. Đã phát hiện 9 văn bản do các sở, ngành và UBND huyện ban hành có sai sót về nội dung, thể thức và kỹ thuật trình bày; 22 văn bản hết hiệu lực toàn bộ hoặc hết hiệu lực một phần, qua đó UBND tỉnh đã chấn chỉnh các sở, ngành nghiêm túc rút kinh nghiệm và xử lý đối với các văn bản nêu trên. Đồng thời ban hành các Quyết định công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần do HĐND và UBND tỉnh ban hành theo Nghị định số 34/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã công bố Danh mục hệ thống hóa 425 văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND tỉnh ban hành trong kỳ hệ thống hóa 2014-2018 gồm: 225 văn bản còn hiệu lực; 178 văn bản hết hiệu lực; ngưng hiệu lực toàn bộ 9 văn bản hết hiệu lực; 13 văn bản cần đình chỉ thi hành, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới đảm bảo đúng thể thức và thời hạn theo Quyết định số 126/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc, tồn tại như: Việc quy định về thẩm quyền công bố danh mục văn bản quy định chi tiết thi hành hết hiệu lực theo quy định ở Nghị định 34/2016/NĐ-CP không thống nhất đối với nghị quyết của HĐND các cấp. Các bộ, ngành Trung ương còn chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, chưa rà soát kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật để trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với hệ thống pháp luật, dẫn đến khó khăn trong việc rà soát và triển khai thực hiện các quy định của pháp luật ở địa phương. Bên cạnh đó, một số văn bản do các sở, ngành, địa phương trong tỉnh ban hành còn chưa phù hợp về thẩm quyền, nội dung, hiệu lực, sai sót về thể thức, kỹ thuật trình bày. Việc tự kiểm tra văn bản, kiểm tra văn bản theo thẩm quyền chưa phát hiện kịp thời một số văn bản có nội dung trái pháp luật. Việc xử lý đối với một số văn bản trái pháp luật còn chậm.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật, thời gian tới các cấp, các ngành trong tỉnh cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật. Khi được giao soạn thảo văn bản để trình UBND tỉnh ban hành, các cơ quan, đơn vị soạn thảo cần tuân thủ đầy đủ, nghiêm túc các quy định về trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo quy định. Đối với các văn bản đã được HĐND, UBND tỉnh ban hành, trong quá trình thực hiện, các cơ quan, đơn vị cần tích cực, chủ động, thường xuyên rà soát để kịp thời phát hiện, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ những nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp. Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ tư pháp các cấp nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật./.

Bài và ảnh: Trần Văn Trọng

 



hướng dẫn soạn hợp đồng hợp đồng chuẩnLuật sư tư vấn đất đai miễn phí

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com