Với đường hướng hành đạo: “Đạo pháp - Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội”, thời gian qua, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh thực hiện nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương, thực hiện tốt phương châm hành động của Phật giáo; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, các hoạt động từ thiện, nhân đạo và giữ gìn an ninh trật tự, góp phần duy trì khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh chúc mừng Tỉnh ủy nhân kỷ niệm 89 năm Ngày thành lập Đảng (3/2/1930 - 3/2/2019). |
Nhân lên những nghĩa cử cao đẹp
“Là người tu hành luôn hướng về Phật với tâm niệm cầu chúc cho Quốc thái, dân an, người người có cuộc sống ấm no hạnh phúc, luôn lấy điều thiện, điều lợi để khuyên người và giúp người” - Đó là tâm nguyện của Thượng tọa Thích Thanh Huỳnh trong câu chuyện với chúng tôi. Với cương vị Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo huyện Hải Hậu, thời gian qua, Thượng tọa Thích Thanh Huỳnh cùng với các thành viên Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo huyện đề ra các chương trình hoạt động gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, vận động tín đồ phật tử, nhân dân hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, sống tốt đời đẹp đạo.
Huyện Hải Hậu hiện có 39 chùa, 65 tăng, ni, với trên 14 nghìn tín đồ tam quy, hàng vạn người có thâm tín với đạo Phật thường xuyên đến chùa. Đến nay, toàn huyện có 10 chùa được công nhận là Di tích Lịch sử văn hoá cấp quốc gia, Di tích Lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Thời gian qua, chư tăng ni và phật tử huyện hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp, pháp luật Nhà nước, Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Hàng tháng, trong các buổi lễ, trụ trì và tăng ni các chùa trong huyện gắn các bài thuyết pháp với việc tuyên truyền, vận động tín đồ phật tử, nhân dân hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, sống tốt đời đẹp đạo, xây dựng “Chùa tinh tiến”, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới bằng những việc làm cụ thể như hiến đất, đóng góp tiền của, ngày công lao động để làm đường giao thông, xây sửa nhà văn hóa xóm, trường học, chỉnh trang khuôn viên chùa, khuôn viên gia đình, thu dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm… Bên cạnh đó, hàng năm, trong 3 tháng An cư, Ban chức sự trường hạ mời giảng viên đại diện cho các cơ quan, ban, ngành của tỉnh, của huyện đến phổ biến cho các tăng, ni về tình hình thời sự trong và ngoài nước, nghe các chuyên đề về chính sách đại đoàn kết dân tộc, chính sách tôn giáo, quốc phòng - an ninh và các phong trào thi đua yêu nước, phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”, góp phần nâng cao nhận thức của các tăng, ni trong tham gia vào nhiệm vụ của địa phương cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các tăng, ni, phật tử trong huyện tích cực tuyên truyền, vận động để bà con hiểu được ý nghĩa, mục đích, nội dung và những lợi ích trong xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2010 đến nay, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo huyện đã vận động tăng, ni, phật tử ủng hộ trên 38 tỷ đồng, hàng vạn ngày công xây dựng hạ tầng, làm đường giao thông nội đồng, đường dong, xóm. “Xây dựng nông thôn mới, giờ đây đã thật sự gắn liền với mọi công tác Phật sự của Phật giáo Hải Hậu và chắc rằng tăng, ni, phật tử trong huyện sẽ tiếp tục phát huy vai trò góp phần thiết thực chung sức thực hiện có hiệu quả mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn” Thượng tọa Thích Thanh Huỳnh chia sẻ!
Phát huy tinh thần từ bi, hỷ xả, vô ngã vị tha, lục hòa cộng trụ tăng, ni, phật tử trong huyện đã ủng hộ làm 32 nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết tặng cho hộ nghèo, gia đình chính sách với tổng số tiền trên 1,5 tỷ đồng; tặng quà gia đình hộ nghèo trên 5 tỷ đồng; tặng quà tri ân các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình thương binh, liệt sĩ vào dịp 27-7 và Tết Nguyên đán với số tiền 2 tỷ đồng; ủng hộ khuyến học khuyến tài trên 1 tỷ đồng; nhận đỡ đầu và nuôi dưỡng 61 người già cô đơn không nơi nương tựa và cưu mang những mảnh đời cơ nhỡ, lang thang, trẻ bỏ rơi và trẻ mồ côi. Nhiều chùa, các tăng, ni tích cực đóng góp ủng hộ hàng trăm triệu đồng như: Đại đức Thích Thanh Cần, Ni sư Thích Đàm Bích, Đại đức Thích Thanh Chúc. Thượng tọa Thích Thanh Huỳnh hiện là trụ trì Chùa Phúc Sơn, xã Hải Trung ủng hộ xây dựng kè 1.200m kênh cấp 2 với số tiền trên 700 triệu đồng; ủng hộ xây 3 cổng làng của xóm 11, xóm 12, xóm 13 (xã Hải Trung) với số tiền trên 1 tỷ đồng. Thượng tọa Thích Thanh Huỳnh còn tìm tới tận cổng Bệnh viện Đa khoa Hải Hậu để giúp những bệnh nhân nghèo có được bữa sáng no bụng. Thượng tọa chính là người cùng bệnh viện đã phát động và gây dựng nên quỹ từ thiện "Nồi cháo từ thiện dành cho bệnh nhân nghèo". Ni trưởng Thích Đàm Bích thường xuyên tổ chức lớp học tiếng Anh miễn phí cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; nhận nuôi đỡ đầu 7 sinh viên, hiện đã có 6 em tốt nghiệp đại học, công việc ổn định; nhận nuôi dưỡng hàng chục người già không nơi nương tựa và trẻ mồ côi. Đại đức Thích Thanh Cần hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng làm đường dong, xóm các xã Hải Đông, Hải Hà, Hải Tây. Thời gian qua, nhà chùa thường xuyên ủng hộ hàng chục học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở 3 xã Hải Tây, Hải Đông, Hải Long chi phí học hành.
“Việc đạo không rời việc đời”
Thượng tọa Thích Quảng Hà, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, kiêm Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kiểm soát Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh cho biết: Dân tộc ta từ ngày dựng nước đến nay đã trải qua bao lần thăng trầm, biến động lịch sử và xuyên suốt tiến trình đó Phật giáo luôn khăng khít, keo sơn cùng vận mệnh quốc gia, dân tộc. Trong thời kỳ Bắc thuộc, từ tinh thần nhập thế đã đưa đồng bào Phật giáo cùng với nhân dân đứng lên chống giặc ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ bờ cõi đất nước. Trên mảnh đất Thiên Trường xưa - Nam Định nay, Vua Trần Nhân Tông sau khi lãnh đạo nhân dân đánh tan giặc Nguyên - Mông đã nhường ngôi lại cho con trai và đi tu ở núi Yên Tử, trở thành vị tổ sư đầu tiên sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử (thiền phái duy nhất mang hệ tư tưởng Việt Nam), được người đời tôn là Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Phật giáo luôn ủng hộ đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước và có những hoạt động cụ thể đóng góp cho cách mạng. Nhiều chùa chiền là cơ sở, nơi che giấu những nhà cách mạng. Đông đảo phật tử kể cả tại gia tham gia tích cực sự nghiệp kháng chiến giành độc lập, thống nhất nước nhà đi đến thắng lợi cuối cùng.
Tại tỉnh ta, năm 1947, thực hiện “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại Chùa Cổ lễ (Trực Ninh), 27 tăng, ni đã làm lễ phát nguyện “Cởi áo cà sa ra trận”. Trong lần thăm Chùa Cổ Lễ, chúng tôi may mắn được trò chuyện với Đại tá Đinh Thế Hinh, quê làng Liêu Thượng, xã Xuân Thành (Xuân Trường), nguyên nhà sư - pháp danh Đại đức Thích Pháp Lữ, là một trong 27 tăng, ni đầu tiên của Chùa Cổ Lễ khởi nguyện xung kích vào đội quân “Nghĩa sĩ phật tử” ngày 27-2-1947. Đại tá Đinh Thế Hinh kể lại: Đúng 8h30 ngày 27-2-1947, nhân dân nô nức đổ về Chùa Cổ Lễ. Sau lễ chào cờ trang trọng, mặc niệm các anh hùng đã quên thân vì Tổ quốc, là hồi chuông, trống gióng giả vang lên từ trong chùa chính, trang trọng nghênh đón đoàn nhà sư gồm 27 vị đến từ các chùa trong khu vực tiến ra xếp hàng ngang trước bàn thờ Tam bảo nơi lập lễ đài. Thay mặt chư tăng sắp nhập thế, Đại đức Thích Pháp Lữ (Đại tá Đinh Thế Hinh) đứng ra đọc lời phát nguyện: “Chúng con xin dốc lòng phát nguyện/Cởi áo cà sa khoác chiến bào/Tuốt gươm cầm súng dẹp binh đao/Ra đi quyết rửa thù cứu nước/Vì nghĩa quên thân hiến máu đào”. Khi nghe bài phát nguyện này, trong lúc nhập ngũ, ni cô Đàm Thanh xúc động đã họa lại bài thơ trên: “Cởi áo cà sa khoác chiến bào/Việc quân đâu có quản gian lao/Gậy thiền quét sạch loài xâm lược/Theo gót Trưng Vương tỏ nữ hào”. Đại biểu của Trung đoàn 34 đến nhận quân, chuyển súng, kiếm, mã tấu đến từng tay các vị, chấn chỉnh đội hình, hạ lệnh xuất phát. 27 nhà sư đã trở thành 27 chiến sĩ Vệ quốc Đoàn. Trong những trận giao chiến với quân Pháp, bảo vệ Thành phố Nam Định, cố thủ cao điểm Non Nước (Ninh Bình), đơn vị “Nghĩa sĩ phật tử” chiến đấu dũng cảm, lập công xuất sắc và 12 vị đã anh dũng hy sinh. Đó là tấm gương “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của các liệt sĩ pháp danh: Thanh Tịnh, Đức Hiền, Thiện Nhân, Chân Tâm, Quang Đại, Huyền Cơ, Trí Trung…
Chúng tôi may mắn được Đại tá Đinh Thế Hinh cung cấp nhiều tư liệu quý về những tấm gương của các bậc chân tu tại các địa phương trong tỉnh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã bái biệt cửa Phật trở thành những thanh niên xung phong, Bộ đội Cụ Hồ, dân công hoả tuyến… để “cùng cả nước, vì cả nước” chiến đấu anh dũng. Nhiều người đã được Đảng, Nhà nước trao tặng huân, huy chương các loại. Khi đất nước bị xâm lăng, đời sống nhân dân lầm than, cơ cực, các bậc chân tu đã một lòng theo Đảng, Bác Hồ, bí mật hoạt động cách mạng, nuôi giấu cán bộ, tổ chức. Tiêu biểu là Đại đức Thích Thanh Mạnh, trụ trì Chùa Đồng Phù, huyện Nam Trực tham gia hoạt động như một công an viên, nhiều lần ra vào Thành phố Nam Định nắm bắt tình hình địch, gây cơ sở làm nội ứng cho quân ta. Tháng 11-1949, trong một lần hoạt động, Đại đức bị địch bắt; tra tấn bằng nhiều cực hình như tra điện, ngâm nước, treo ngược… Sau những đòn “chết đi, sống lại”, Đại đức vẫn giữ vững khí tiết của một nhà sư giác ngộ phụng đạo trọng đời. Địch bất lực đem bắn Đại đức Thích Thanh Mạnh ở nhà tù Máy Chai. Tại Chùa Tây Quan, xã Liêm Hải (Trực Ninh), là căn cứ liên lạc của tỉnh giữa Trực Ninh với tỉnh Thái Bình. Địch phát hiện đã đem quân về vây chùa, đốt nhà tổ, bắt cụ sư Hoàng Văn An về bốt An Lãng tra tấn, hăm doạ không được, chúng lại dùng thủ đoạn mua chuộc dụ dỗ nhưng đều bất lực trước khí tiết của cụ. Giặc đã tra tấn đến chết và buông xác cụ ra sông Hồng. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đại đức Thích Thanh Thông trụ trì Chùa Thọ Vực, xã Xuân Phong (Xuân Trường) là Chủ tịch Mặt trận Liên Việt xã, khoác áo thiền đi khắp các miền quê trong vùng vận động nhân dân tham gia kháng chiến, gây dựng nhiều cơ sở trong vùng địch hậu. Đại đức bị địch bắt và bắn ngay tại cổng chùa. Trước khi bị hành hình, Đại đức Thích Thanh Thông ung dung nêu cao khí tiết của một bậc chân tu yêu nước, niệm Phật, coi nhẹ cái chết, trọng đạo lý, được nhân dân trân trọng, noi gương.
Thượng tọa Thích Tâm Vượng, trụ trì Chùa Cổ Lễ nguyên là “chiến sĩ pháp danh” cho biết: Trong sự nghiệp phát triển đất nước hôm nay, các tăng, ni, phật tử luôn nêu cao tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng Giáo hội đoàn kết, trang nghiêm “hoằng dương Phật pháp, lợi lạc quần sinh”. Giáo hội Phật giáo tỉnh đã thực hiện tốt chương trình Phật sự, động viên phật tử thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Hiện nay toàn tỉnh có 602 ngôi chùa, 36 cơ sở tự viện được công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa cấp quốc gia, 69 cơ sở tự viện được công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa cấp tỉnh… Công tác đào tạo, tập huấn kiến thức về tôn giáo, pháp luật của Nhà nước cho các tăng, ni được chú trọng. Ban Trị sự đã tiến cử một số vị có đủ năng lực, trình độ theo học các trường đại học ngoài xã hội để đáp ứng nhu cầu “duy trì đạo nghiệp, hoằng pháp lợi sinh” trong thời kỳ mới… Công tác trùng tu, kiến tạo cơ sở tự viện, tổ đình, danh lam thắng cảnh của Phật giáo trong tỉnh được thực hiện, góp phần tạo sự trang nghiêm của cơ sở tại địa phương, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc… Trong công tác từ thiện nhân đạo, các tăng, ni, phật tử trong tỉnh đã vận động, quyên góp, xây dựng được 51 ngôi nhà đại đoàn kết và nhà tình nghĩa, hàng vạn suất quà gửi tặng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình thương, bệnh binh, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào vùng thiên tai, lũ lụt… với tổng số tiền gần 50 tỷ đồng… Trong phong trào “Xây dựng chùa tinh tiến” đã thu được những kết quả đáng khích lệ, các hủ tục mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội từng bước được đẩy lùi, đến nay có 60% chùa đạt tiêu chuẩn danh hiệu “Chùa tinh tiến”, nhiều khu dân cư có đông đồng bào theo đạo Phật được công nhận là “Làng văn hóa”, “Khu dân cư tiên tiến”…
Thời gian tới, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh tích cực vận động các tăng, ni, phật tử tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước của Phật giáo, thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ công dân, hăng hái tham gia các phong trào ích nước lợi dân, hướng dẫn đồng bào phật tử chấp hành nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giữ gìn khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sự gắn bó giữa Đạo pháp và Dân tộc. Hưởng ứng tốt các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, tiếp tục xây dựng và nâng cao chất lượng “chùa tinh tiến” trên địa bàn, gắn phong trào “Xây dựng chùa tinh tiến” với các nội dung của phong trào xây dựng nông thôn mới ở các địa phương./.
Bài và ảnh: Việt Thắng