Theo quy định tại Nghị định 146/2018/NĐ-CP ngày 17-10-2018 của Thủ tướng Chính phủ, học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế thì nhà trường được cơ quan Bảo hiểm Xã hội trích chuyển 5% quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế của học sinh để thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh tại trường học. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bảo hiểm Xã hội tỉnh, nhiều trường học còn lúng túng trong việc sử dụng nguồn kinh phí này.
Toàn tỉnh hiện có 266 trường mầm non, 292 trường tiểu học, 237 trường trung học cơ sở, 57 trường trung học phổ thông. Những năm qua, công tác y tế trường học đã được ngành Giáo dục và Đào tạo, ngành Y tế quan tâm. Các trường học đều đã thành lập Ban chăm sóc sức khỏe học sinh; bố trí phòng y tế, đầu tư trang thiết bị và phân công cán bộ theo quy định về y tế học đường. Hàng năm, Sở Y tế tổ chức các lớp tập huấn về công tác y tế trường học cho lãnh đạo Trung tâm y tế, Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố, cán bộ phụ trách y tế trường học; cung cấp các ấn phẩm truyền thông như tờ rơi, áp phích, băng đĩa, tài liệu hướng dẫn về y tế trường học cho các đơn vị. Hiện nay, đội ngũ cán bộ làm công tác y tế của các trường đều có bằng Trung cấp Y trở lên; 100% học sinh có sổ theo dõi sức khỏe và được thông báo về tình trạng sức khoẻ cho gia đình. Các nhà trường tổ chức các hoạt động truyền thông về chăm sóc sức khỏe học sinh, sinh viên, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, giáo dục dân số, giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình, giáo dục giới tính, sức khoẻ sinh sản vị thành niên, phòng, chống HIV/AIDS. Tổ chức các hoạt động phòng, chống các dịch, bệnh trong trường học như: cúm A/H1N1, cúm A/H5N1, cúm A/H7N9, tay - chân - miệng, sởi, Rubella, sốt xuất huyết, hội chứng viêm đường hô hấp cấp, vi-rút Zika, giun sán... Các nhà trường kiểm soát, thu gom và xử lý các hóa chất độc hại nguy hiểm, đảm bảo nước sạch và vệ sinh môi trường trong trường học. Thực hiện kiểm tra định kỳ sức khỏe của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên. Toàn tỉnh có 609 trường tổ chức ăn bán trú/nội trú, các trường xây dựng thực đơn bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Trường Trung học cơ sở Nghĩa Thái (Nghĩa Hưng) có tỷ lệ học sinh tham gia bảo hiểm y tế đạt 99,02% năm học 2018-2019. |
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh, sinh viên tại trường học thời gian qua vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Theo quy định, nhà trường được cơ quan Bảo hiểm Xã hội trích chuyển 5% quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế của học sinh. Theo đó, nếu nhà trường huy động được số học sinh, sinh viên tham gia càng đông thì nguồn quỹ trích lại để chăm sóc sức khỏe ban đầu càng lớn. Số tiền này được các trường học sử dụng cho việc mua thuốc men, các dụng cụ y tế thiết yếu phục vụ sơ cứu, xử lý ban đầu cho học sinh nếu chẳng may bị ốm đau, tai nạn; sử dụng vào việc thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho học sinh; tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa, truyền thông giáo dục về sức khỏe tại trường học, xử lý vệ sinh môi trường; phòng, chống các bệnh lây lan trong phạm vi nhà trường và trả phụ cấp cho cán bộ y tế nhà trường... Tuy nhiên, từ tháng 11-2018 đến nay, việc sử dụng quỹ trích lại để chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trường học gặp khó khăn. Toàn tỉnh hiện có 282.621 học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ 98,6%. Theo quy định, năm 2019, các nhà trường được trích lại 14 tỷ đồng để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh, sinh viên. Mặc dù cơ quan Bảo hiểm Xã hội chuyển nguồn quỹ này cho nhà trường kịp thời, đúng quy định cũng như hướng dẫn nhà trường sử dụng quỹ, quyết toán với cơ quan Bảo hiểm Xã hội nhưng theo số liệu thống kê của Bảo hiểm Xã hội tỉnh, đến nay các nhà trường mới sử dụng 106 triệu đồng. Trong khi đó, năm 2018, số chi chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh, sinh viên tại các nhà trường đạt 13 tỷ 889 triệu đồng. Theo đánh giá của Bảo hiểm Xã hội tỉnh, tình trạng lúng túng trong việc sử dụng quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trích lại, tiến độ giải ngân chậm là do các nhà trường chưa đủ điều kiện chi, thanh quyết toán kinh phí khám bệnh, chữa bệnh trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu được quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 34, Nghị định 146/2018/NĐ-CP: “có ít nhất một người có đủ điều kiện hành nghề khám, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về khám, chữa bệnh làm việc có chuyên trách hoặc kiêm nhiệm trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu”. Đây là nội dung mới so với trước. Các trường học sử dụng không hiệu quả nguồn kinh phí được để lại từ quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế nên xảy ra tình trạng tiền thì thừa mà học sinh chưa được chăm sóc sức khỏe ban đầu chu đáo. Đây là thiệt thòi cho học sinh. Đồng chí Nguyễn Cảnh Thiên, Phó Trưởng Phòng Quản lý thu, Bảo hiểm Xã hội tỉnh cho biết: Việc sử dụng hiệu quả kinh phí trích lại của quỹ bảo hiểm y tế là không khó; trường nào cũng có thể thực hiện và là trách nhiệm của nhà trường đối với học sinh, đảm bảo quyền lợi của các em trong việc tham gia bảo hiểm y tế tại trường học. Trong khi cán bộ làm công tác y tế trường học chưa có chứng chỉ hành nghề, nhà trường nên ký hợp đồng với người có bằng Trung cấp Y trở lên và có chứng chỉ hành nghề.
Để tháo gỡ khó khăn về sử dụng nguồn kinh phí bảo hiểm y tế tại trường học, thời gian tới, Bảo hiểm Xã hội tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo cho phép các trường ký hợp đồng khám, chữa bệnh với các cơ sở y tế trên địa bàn; phối hợp ngành Y tế đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ y tế trường học đủ về số lượng, chất lượng theo quy định. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền cha mẹ học sinh, sinh viên, vận động học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế, phấn đấu đạt tỷ lệ 100% học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế./.
Bài và ảnh: Minh Tân