Từ 1-7-2019, mức lương cơ sở, lương hưu tăng khoảng 7,19%. Sau nhiều năm tốc độ tăng lương cơ sở cao gấp đôi tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, thu nhập thực tế của người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước (NSNN) đã được cải thiện. Tuy nhiên, như vậy vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khu vực công.
Theo Nghị quyết số 70/2018/QH14 về dự toán NSNN năm 2019, Quốc hội giao Chính phủ thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,39 triệu đồng/tháng lên 1,49 triệu đồng/tháng, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp, bảo hiểm xã hội (BHXH), trợ cấp hàng tháng theo quy định (đối tượng do NSNN bảo đảm) và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng bằng mức tăng lương cơ sở, thời điểm thực hiện từ ngày 1-7-2019.
Thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2019/NÐ-CP quy định mức lương cơ sở áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Ðối tượng được áp dụng mức lương cơ sở mới gồm công chức; viên chức; người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ quan, đơn vị của Ðảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội; người làm việc trong chỉ tiêu biên chế ở các hội được NSNN hỗ trợ kinh phí hoạt động; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ và công nhân, viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, công nhân công an và lao động hợp đồng thuộc Công an nhân dân; người làm việc trong tổ chức cơ yếu; người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn và tổ dân phố.
Công chức tại bộ phận một cửa của Bộ Nội vụ giải quyết hồ sơ cho người dân. |
Cùng với đó, Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 44/2019/NÐ-CP điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng với mức tăng thêm 7,19% trên mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng của tháng 6-2019. Người được tăng lương hưu theo quy định này là cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động, quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hàng tháng; cán bộ cấp xã đang hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng; người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng theo quy định của pháp luật; người đang hưởng trợ cấp hàng tháng; quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu đang hưởng trợ cấp hàng tháng; người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng…
Ngân sách Trung ương bảo đảm kinh phí điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng theo quy định (đối tượng do NSNN bảo đảm) và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng; hỗ trợ nhu cầu điều chỉnh tiền lương tăng thêm cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương không cân đối được nguồn theo quy định của Chính phủ.
Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan khác ở Trung ương sử dụng nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên dự toán năm 2019 tăng thêm so với năm 2018 được giao; một phần thu được để lại theo chế độ của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2018 chưa sử dụng hết chuyển sang. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được yêu cầu sử dụng nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên dự toán năm 2019 tăng thêm so với năm 2018 được giao; sử dụng nguồn 50% tăng thu ngân sách địa phương (không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết) thực hiện so với dự toán năm 2018 được Thủ tướng giao; sử dụng 50% phần NSNN giảm chi hỗ trợ hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực hành chính (do thực hiện tinh giản biên chế, đổi mới, sắp xếp lại bộ máy) và các đơn vị sự nghiệp công lập (do thực hiện đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý); nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2018 chưa sử dụng hết chuyển sang...
Ngoài ra, Chính phủ yêu cầu ngân sách Trung ương bổ sung nguồn kinh phí còn thiếu do điều chỉnh mức lương cơ sở năm 2019 cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sau khi đã sử dụng các nguồn nêu trên.
Nhìn vào tốc độ tăng lương cơ sở những năm gần đây cho thấy, tốc độ tăng lương cơ sở luôn ở mức khá cao so với mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Cụ thể, mức tăng lương cơ sở từ 1-7-2019 so với từ 1-7-2018 là 7,17% (từ 1,39 triệu đồng lên 1,49 triệu đồng); từ 1-7-2018 so với từ 1-7-2017 là 6,92% (từ 1,3 triệu đồng lên 1,39 triệu đồng); từ 1-7-2017 so với từ 15-7-2016 là 7,44% (từ 1,21 triệu đồng lên 1,3 triệu đồng). Trong khi đó, thống kê mới nhất cho thấy, bình quân 6 tháng đầu năm 2019, CPI chỉ tăng 2,64%. Tốc độ tăng CPI năm 2018 là 3,54%, năm 2017 là 3,53%. Nói cách khác, tốc độ tăng thu nhập thực tế của nhóm đối tượng hưởng lương từ NSNN được bảo đảm khá tốt trong những năm qua khi tốc độ tăng lương cơ sở luôn cao khoảng gấp 2 lần tốc độ tăng CPI.
Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, mức lương cơ sở như vậy vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của người lao động hưởng lương từ NSNN. Cụ thể, hệ số lương khởi điểm của công chức nhóm 3 loại C (C3) là 1,35. Như vậy, từ 1-7-2019, công chức hưởng lương bậc 1 thuộc nhóm này được nhận mức lương 2.011.500 đồng mỗi tháng. Trong khi đó, chuẩn nghèo ở khu vực đô thị của Hà Nội áp dụng từ năm 2016 đến nay là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 1,4 triệu đồng trở xuống hoặc có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,4 triệu đồng đến 1,95 triệu đồng và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên. Nghĩa là công chức hưởng lương bậc 1 thuộc nhóm C3 ở khu vực đô thị Hà Nội chỉ mới bắt đầu được… thoát nghèo kể từ 1-7-2019.
Ðiều đáng nói là mức lương cơ sở đang quá thấp so với mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho khu vực ngoài Nhà nước (4.180.000 đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I; 3.710.000 đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II; 3.250.000 đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III; 2.920.000 đồng/tháng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV). Ðiều này giải thích tình trạng có không ít người giỏi dịch chuyển khỏi khu vực hưởng lương từ NSNN ra làm việc cho các doanh nghiệp hoặc các tổ chức quốc tế tại Việt Nam trong nhiều năm qua. Theo đó, khiến bộ máy Nhà nước khó tập hợp được những người giỏi, một vấn đề đáng ngại trong lúc Chính phủ đang muốn xây dựng một nền quản trị, hành chính công kiến tạo.
Nêu quan điểm về vấn đề này, mới đây, khi tiếp xúc với các cơ quan báo chí, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh, cần hướng tới làm sao để tiền lương cơ sở tiệm cận với mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho khu vực doanh nghiệp.
Ðể làm được điều đó, các cơ quan hữu quan đang rất tích cực thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của bộ máy; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; tăng nguồn thu ngân sách để phục vụ tăng lương, cải cách chính sách tiền lương. Bên cạnh đó, theo chúng tôi, từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hưởng lương từ NSNN phải tích cực nâng cao năng suất lao động, chất lượng và hiệu quả giải quyết công việc. Khi năng suất lao động tăng, số người làm việc giảm đi, quỹ lương sẽ tăng lên, tạo nguồn bền vững cho tăng lương./.
Bài và ảnh: CHIẾN THẮNG