Phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em - Cần sự "vào cuộc" của toàn xã hội

05:07, 05/07/2019

Thời gian qua, mặc dù các ngành chức năng, các địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, nhưng tai nạn đuối nước ở trẻ em diễn biến phức tạp, nhất là vào mùa nắng nóng. Để ngăn ngừa, hạn chế thấp nhất các vụ tai nạn thương tích cho trẻ em, đặc biệt là các vụ tai nạn đuối nước, cần sự “vào cuộc” của toàn xã hội.

Cảnh báo từ tai nạn đuối nước

Chiều tối ngày 29-6, trên địa bàn xã Nghĩa Phú (Nghĩa Hưng) xảy ra một vụ đuối nước làm 3 cháu bé tử vong, gồm: Trần Khánh D (12 tuổi), Trần Minh Đ (6 tuổi) là con của anh Trần Văn A (41 tuổi, hiện đang sống, làm việc tại Đắk Nông) và Trần Thị Y.N (6 tuổi) là con của anh Trần Văn T (30 tuổi, trú tại xã Nghĩa Phú). Các nạn nhân đều là cháu nội ông Trần Văn T, trú tại thôn Âm Sa, xã Nghĩa Phú. Nhân dịp nghỉ hè, các cháu về chơi với ông bà nội. Tuy nhiên, do bố mẹ đi làm vắng nhà, không có người theo sát khi các cháu ra ao chơi, dẫn đến đuối nước. Sau khi xảy ra vụ việc, lãnh đạo UBND, Hội Phụ nữ huyện Nghĩa Hưng và xã Nghĩa Phú đã đến thăm hỏi, hỗ trợ gia đình nạn nhân 12 triệu đồng.

Từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 1.022 vụ tai nạn thương tích trẻ em, làm 157 trẻ tử vong. Đặc biệt, nhiều vụ tai nạn đuối nước thương tâm đã để lại nỗi đau cho gia đình, bạn bè, nhà trường và xã hội. Năm 2015, trong số 45 trẻ em tử vong do tai nạn thương tích thì có 23 vụ tai nạn đuối nước; có 8 vụ nghiêm trọng, làm chết từ 2-3 trẻ em. Cụ thể, tại bãi ven sông Đào, thuộc xóm 4, xã Nghĩa Minh (Nghĩa Hưng), xảy ra vụ đuối nước làm 3 cháu nhỏ trong hai gia đình tắm trên sông bị tử vong; vụ 4 em học sinh lớp 7 của Trường Trung học cơ sở Trực Chính (Trực Ninh) sau khi đá bóng xong rủ nhau ra sông Ninh Cơ tắm. Do bơi xa bờ, một em bị đuối nước tử vong. Tháng 5-2016, tại bãi biển Văn Lý thuộc xã Hải Lý (Hải Hậu), một nhóm học sinh Trường Trung học phổ thông Tô Hiến Thành tổ chức đi chơi và tắm biển. Do thủy triều dâng cộng với sóng to, gió lớn, các em lại bơi quá xa khu vực cảnh báo nên sóng đã đánh chìm và cuốn 3 em mất tích. Sau 2 ngày nỗ lực tìm kiếm, Bộ đội Biên phòng và lực lượng chức năng mới tìm thấy thi thể các em.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động phong trào “Toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước năm 2019”.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động phong trào “Toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước năm 2019”.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, tỷ lệ tai nạn chết đuối nước ở trẻ em cao, chiếm 22,6% (trong đó trẻ dưới 15 tuổi là 70%), chỉ đứng sau tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông là 26,7%. Trẻ em nam có tỷ suất tử vong cao gấp 1,5 lần so với trẻ em nữ và ở khu vực nông thôn cao gấp gần 4 lần so với khu vực thành thị. Ngoài ra, trẻ em ở khu vực nông thôn có nguy cơ bị đuối nước cao gấp 2 lần trẻ em ở khu vực thành thị, trong đó 55,9% các hộ gia đình có điều kiện kinh tế nghèo tập trung nhiều nhất ở khu vực nông thôn. Các vụ trẻ em đuối nước chủ yếu xảy ra tại cộng đồng chiếm 77,6%, phổ biến nhất là ao, hồ, sông, suối, hồ, biển, ngã xuống hố ga, hố xây dựng, còn lại 22,4% xảy ra tại gia đình. Nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em là do tỉnh có biển; hệ thống ao, hồ, sông, ngòi khá dày đặc. Nhiều vùng ao, hồ, sông, kênh mương nguy hiểm chưa có rào chắn, chưa có biển cảnh báo, biển cấm, xa khu dân cư, ít người dân qua lại, khi trẻ bị nguy hiểm thì không có sự trợ giúp kịp thời. Thực tế, qua các vụ tai nạn đuối nước trên địa bàn tỉnh, phần lớn chủ yếu vẫn là do sự lơ là, chủ quan của các bậc phụ huynh, chưa giám sát chặt chẽ con trẻ hoặc thiếu người trông coi, chăm sóc, để trẻ tự do đi lại. Cụ thể, năm 2018, toàn tỉnh có 24 trẻ em tử vong do tai nạn đuối nước; trong 5 tháng đầu năm 2019, tại huyện Nghĩa Hưng xảy ra 5 vụ đuối nước trẻ em, huyện Ý Yên có 2 trẻ tử vong; huyện Hải Hậu có 3 vụ tử vong từ tai nạn đuối nước. Tai nạn đuối nước một phần do trẻ không biết bơi, chưa được dạy kỹ năng đảm bảo an toàn và xử lý tình huống khi bơi và không có kỹ năng cứu đuối.

Phối hợp quản lý chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội

Trước thực trạng trên, những năm qua, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo về việc tăng cường phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước ở trẻ em. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, gia đình, nhà trường, cộng đồng xã hội về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, đặc biệt là phòng, chống đuối nước. Công an tỉnh chỉ đạo Công an các huyện, thành phố, các đơn vị chức năng chủ động tham mưu với các địa phương chỉ đạo các ngành chức năng, cơ quan thông tin truyền thông tăng cường tuyên truyền, đưa tin cảnh báo nguy cơ tai nạn đuối nước; rà soát các vị trí, địa bàn tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn đuối nước để tổ chức cắm biển cảnh báo, làm rào chắn và các hình thức tuyên truyền khác. Phòng Cảnh sát Đường thủy phối hợp với Công an các huyện, thành phố, đơn vị quản lý các bãi tắm, khu du lịch, chủ các bể bơi, đầm, hồ, chủ bến đò ngang... rà soát bổ sung các nội quy, quy định an toàn; tăng cường kiểm tra, kiểm soát vào các giờ cao điểm thường hay xảy ra tai nạn đuối nước để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời. Đối với các địa phương có công trình xây dựng, kênh mương thủy lợi đang thi công, lực lượng Công an chủ động tham mưu với UBND xã, phường, thị trấn và cơ quan chủ quản kiểm tra, đôn đốc đơn vị thi công tuân thủ quy định về cắm biển cảnh báo, rào chắn... không để trẻ em xuống tắm, chơi đùa trong khu vực đang thi công.

Ở các huyện, thành phố phong trào dạy bơi cho học sinh được các địa phương tích cực triển khai. Hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em năm 2019, huyện Hải Hậu phát động phong trào “Toàn dân tập luyện môn bơi, phòng, chống đuối nước”. Đồng chí Vũ Ngọc Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu cho biết: Việc phát động toàn dân học bơi và trang bị những kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh, trẻ em là giải pháp để giảm thiểu tình trạng đuối nước và nâng cao sức khỏe cộng đồng nói chung, trẻ em nói riêng. UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban, đoàn thể, các xã, thị trấn, trường học tăng cường tuyên truyền về lợi ích của việc tập luyện môn bơi; tổ chức dạy bơi cho trẻ em và cộng đồng; tổ chức các giải bơi và hội thi cứu đuối học sinh, thanh thiếu niên và nhân dân trên địa bàn. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, vận động các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng bể bơi, hồ bơi tại các xã, thị trấn, trường học... Rà soát các khu vực thường xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để cảnh báo và có biện pháp phòng ngừa kịp thời; đảm bảo an toàn cho học sinh, trẻ em trong dịp hè, mùa mưa bão. Tổ chức hoạt động hè cho học sinh, trẻ em; đảm bảo an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích nói chung và đuối nước nói riêng. Huyện Trực Ninh chọn Thị trấn Cổ Lễ và xã Việt Hùng là các địa phương có nhiều nguy cơ tiềm ẩn gây thương tích trẻ em để xây dựng điểm mô hình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em. Tổ chức cho các gia đình có trẻ em tự nguyện ký cam kết xây dựng “ngôi nhà an toàn” không có con em bị đuối nước; đại diện cộng đồng cam kết giảm tai nạn thương tích trẻ em; không có trẻ em bị đuối nước và đã có 3.000 gia đình có trẻ em và đại diện các thôn, xóm ký và thực hiện cam kết. Bên cạnh đó, các trường tiểu học, trung học cơ sở tuyên truyền cho học sinh những nội dung cơ bản của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; các quyền cơ bản của trẻ em cũng như nghĩa vụ của trẻ em trong gia đình và xã hội; tổ chức cho các em vui chơi giải trí, tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ; trang bị cho các em kỹ năng sống, giáo dục giới tính, phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước. Dự tính hè năm 2019, toàn tỉnh có gần 10 nghìn học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông được dạy bơi. 

Kiểm soát tình hình tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là tai nạn đuối nước, tỉnh ta đặt mục tiêu đến năm 2020, giảm 15% số trẻ em bị tử vong do đuối nước; 40% trẻ em trong độ tuổi tiểu học và trung học cơ sở biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước; 90% trẻ em sử dụng áo phao khi tham gia giao thông đường thủy; 50% huyện, thành phố triển khai thí điểm chương trình bơi an toàn cho trẻ em. Để thực hiện mục tiêu trên, UBND tỉnh có Công văn số 106 ngày 4-4-2019 về tăng cường triển khai công tác phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em. Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương tăng cường công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em, đặc biệt là phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em. Tuyên truyền, vận động gia đình thường xuyên quan tâm, giám sát trẻ em, đặc biệt trong thời gian nghỉ hè, mùa mưa bão; chủ động đưa trẻ em đi học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước trẻ em cho người dân và trẻ em. Lồng ghép thực hiện việc xây dựng ngôi nhà an toàn, trường học an toàn và cộng đồng an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em nhằm loại bỏ các nguy cơ gây đuối nước cho trẻ em. Hỗ trợ, kiện toàn cơ sở vật chất để dạy bơi cho trẻ em; khai thác, sử dụng có hiệu quả các công trình thể thao trên địa bàn, trong đó có các bể bơi, có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các em học sinh được học bơi; đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng của đội ngũ giáo viên dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em. Tổ chức kiểm tra, rà soát phát hiện kịp thời các khu vực thường xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để có biện pháp chủ động phòng ngừa; cụ thể như: Làm nắp đậy giếng, bể nước, dụng cụ chứa nước sinh hoạt, làm rào chắn, biển cảnh báo tại hố nước, hồ ao, sông ngòi, các khu vực nước sâu, nguy hiểm. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm, trong đó đặc biệt chú ý đến việc đảm bảo an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông đường thủy./.

Bài và ảnh: Việt Thắng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com