Theo số liệu thống kê, mỗi năm trên địa bàn tỉnh có 150-200 người nhiễm HIV mới. Tính đến nay, toàn tỉnh đã phát hiện 5.666 người nhiễm HIV ở cả 10 huyện, thành phố và 224/229 xã, phường, thị trấn; người nhiễm HIV chủ yếu ở độ tuổi từ 15-49.
Xét nghiệm huyết học tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. |
Thực hiện Chỉ thị số 54-CT/TW của Ban Bí thư “Về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới”, thời gian qua phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư” được các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quan tâm chỉ đạo và sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân. Hàng năm, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp phối hợp với các ngành chức năng, các đoàn thể mở các lớp tập huấn về pháp luật, nghiệp vụ tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS cho hội viên, đoàn viên. Tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức về công tác phòng, chống tội phạm, ma túy và tệ nạn xã hội cho cán bộ chuyên trách Mặt trận, hơn 3.500 trưởng ban công tác Mặt trận; kẻ vẽ trên 15 nghìn khẩu hiệu, bảng tin, pa nô tuyên truyền về công tác phòng, chống các loại tội phạm, ma túy và tệ nạn xã hội. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh phối hợp với Công an tỉnh tổ chức các buổi toạ đàm, hội nghị tập huấn ở tỉnh và các địa phương là điểm nóng về tệ nạn xã hội như ở các xã: Nam Tiến, Nam Lợi (Nam Trực), Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng), Xuân Phú (Xuân Trường)… về nội dung phòng, chống ma túy và xây dựng xã, phường lành mạnh, xây dựng thôn, xóm bình yên, không có tội phạm, ma túy và tệ nạn xã hội, khu dân cư không có tội phạm, ma túy và tệ nạn xã hội. Đến nay, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp đã phối hợp tổ chức cho trên 200 nghìn lượt hộ dân ký cam kết quản lý, giáo dục con em, người thân trong gia đình không vi phạm pháp luật, không mắc các tệ nạn xã hội, HIV/AIDS; ký cam kết gia đình đăng ký thực hiện phong trào “Xây dựng khu dân cư 5 không”. Phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư” được triển khai tại hơn 100 khu dân cư ở trên 50 xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Huyện Xuân Trường có 20 xã, thị trấn. Cụ thể, các huyện Hải Hậu, Giao Thủy, mô hình “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư” được triển khai tại Thị trấn Yên Định và các xã: Hải Nam, Hải Hà, Hải Tây (Hải Hậu); Giao Tiến, Giao Xuân (Giao Thủy). Các hoạt động của mô hình bao gồm: thành lập nhóm nòng cốt ở các xóm, tổ dân phố gồm các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội; tập huấn cho nhóm nòng cốt về kiến thức truyền thông, để các thành viên phát tờ rơi, tư vấn trực tiếp tại các hộ gia đình, viết cam kết tự nguyện cùng tham gia phòng, chống HIV/AIDS. Qua đó mô hình đã nâng tỷ lệ người dân hiểu biết về HIV/AIDS từ 60% lên trên 90%, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về công tác phòng, chống HIV/AIDS; xây dựng chương trình phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng, tích cực chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS và gia đình họ cả về vật chất lẫn tinh thần, đồng thời động viên họ xóa bỏ mặc cảm, hòa nhập cộng đồng, tham gia vào công tác phòng, chống HIV/AIDS hiệu quả. Với đặc thù là huyện có nhiều người dân đi làm ăn xa, huyện Xuân Trường có lũy tích 543 người nhiễm HIV/AIDS, nguyên nhân chủ yếu do tiêm chích ma túy. Trung tâm Y tế huyện đã phối hợp với các ngành chức năng triển khai nhiều hình thức thay đổi hành vi, tư vấn trực tiếp cho các đối tượng là người nghiện chích ma tuý, người bán dâm, tiếp viên nhà hàng, người nhiễm HIV, gia đình người nhiễm HIV, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và các nhóm nguy cơ khác. Năm 2018, Trung tâm Y tế huyện phối hợp với các ngành chức năng tổ chức 178 lượt truyền thông về HIV bằng các hình thức cho 9.125 người. Bên cạnh đó, công tác giám sát dịch HIV/AIDS và can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV được tăng cường. Hệ thống cán bộ chuyên trách về giám sát HIV/AIDS được củng cố nâng cao năng lực hoạt động, nghiêm túc thực hiện chế độ rà soát, báo cáo thống kê số liệu theo quy định.
Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định 2188 của Thủ tướng Chính phủ về thanh toán thuốc ARV và hỗ trợ người sử dụng thuốc ARV từ nguồn bảo hiểm y tế, toàn tỉnh hiện có 1.309 bệnh nhân HIV/AIDS có thẻ Bảo hiểm y tế. Việc điều trị ARV giúp người nhiễm HIV hồi phục được hệ thống miễn dịch, giảm nguy cơ mắc những bệnh nhiễm trùng cơ hội nguy hiểm, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống, kéo dài tuổi thọ. Người tham gia bảo hiểm y tế nhiễm HIV và người tham gia bảo hiểm y tế khi sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS được quỹ bảo hiểm y tế chi trả tiền thuốc (bao gồm cả thuốc ARV), hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật thuộc phạm vi chi trả của quỹ bảo hiểm y tế; xét nghiệm HIV đối với phụ nữ trong thời kỳ mang thai và khi sinh con theo yêu cầu chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh nếu không được các nguồn kinh phí khác chi trả; kỹ thuật đình chỉ thai nghén ở phụ nữ mang thai nhiễm HIV; khám bệnh, xét nghiệm HIV, thuốc ARV và các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh HIV/AIDS khác đối với trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV… Mục tiêu năm 2020, tỉnh ta triển khai khám, chữa bệnh HIV/AIDS thông qua bảo hiểm y tế tại 10 huyện, thành phố; 90% người nhiễm HIV trên địa bàn được quản lý tại các cơ sở điều trị HIV/AIDS và được điều trị ARV; đảm bảo cho bệnh nhân được tiếp cận với cơ sở khám, chữa bệnh HIV/AIDS phù hợp theo quy định. Nỗ lực đẩy nhanh việc thanh toán thuốc ARV qua bảo hiểm y tế; thực hiện mở rộng tỷ lệ người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế; tích cực huy động các nguồn viện trợ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS; tăng cường tiếp cận với chăm sóc, điều trị HIV/AIDS; mở rộng cải thiện chất lượng chăm sóc, điều trị HIV/AIDS; nâng cao năng lực của các cơ sở điều trị HIV/AIDS./.
Bài và ảnh: Việt Thắng