Kiên quyết khởi kiện các đơn vị, doanh nghiệp vi phạm chính sách bảo hiểm xã hội

07:07, 02/07/2019

Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018), tại Điều 216 quy định tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Trước thực trạng các doanh nghiệp chây ỳ, nợ đọng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, vi phạm chính sách bảo hiểm xã hội, việc khởi kiện theo Bộ luật Hình sự là giải pháp hữu hiệu trong việc thu hồi nợ bảo hiểm xã hội, bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Công nhân các doanh nghiệp trong khu công nghiệp tỉnh kiến nghị về chính sách bảo hiểm xã hội với lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh (hội nghị tháng 5-2019).
Công nhân các doanh nghiệp trong khu công nghiệp tỉnh kiến nghị về chính sách bảo hiểm xã hội với lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh (hội nghị tháng 5-2019).

Thực trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội

Tại buổi đối thoại về thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội giữa lãnh đạo các cơ quan chức năng với các công nhân tổ chức tại Khu công nghiệp Bảo Minh tháng 5-2019, anh Bùi Văn Tám, công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn Aelim Vina bày tỏ bức xúc: Hiện nay, giám đốc công ty đã bỏ trốn, người lao động không chỉ bị mất việc làm mà lương, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không được giải quyết. Tại buổi đối thoại, gần 20 ý kiến của người lao động phản ánh: Hiện nay, không ít doanh nghiệp hàng tháng vẫn trừ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của công nhân, nhưng không đóng cho cơ quan bảo hiểm nên khi người lao động bị ốm đau, thai sản, tai nạn hoặc chuyển nơi làm việc, không thể thanh toán các chế độ theo quy định. Anh Trần Thanh Tùng, công nhân Công ty May Nam Hải phản ánh, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Doanh nghiệp không chấp hành quy định của pháp luật lao động về xây dựng thang, bảng lương, định mức lao động và đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước về lao động. Vì vậy, đề nghị cơ quan chức năng của tỉnh có biện pháp giải quyết những vấn đề trên nhằm đảm bảo quyền lợi cho công nhân. 

Trong 6 tháng đầu năm 2019, tình trạng các doanh nghiệp vi phạm chính sách bảo hiểm xã hội có chiều hướng gia tăng với tổng số nợ là 233 tỷ 603 triệu đồng. Trong đó, nợ bảo hiểm xã hội 133 tỷ 925 triệu đồng, nợ bảo hiểm y tế 91 tỷ 725 triệu đồng, nợ bảo hiểm thất nghiệp 6 tỷ 423 triệu đồng. Điều báo động là, số các doanh nghiệp "mất tích" ngày càng tăng, với số nợ "khó đòi" trên 31 tỷ đồng. Thời gian qua, ngành Bảo hiểm xã hội tỉnh đã kiểm tra, phát hiện nhiều doanh nghiệp "không có thực" tại địa chỉ đăng ký Giấy phép kinh doanh; chính quyền địa phương xác minh tình trạng "mất tích" của các đơn vị nêu trên. Đây là vấn đề "báo động" về hành vi vi phạm Luật Bảo hiểm xã hội. Cụ thể là các đơn vị: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghệ Tiên Tiến; Công ty Cổ phần Công nghệ Vĩnh Tường; Công ty Cổ phần Dược phẩm Phúc An; Công ty Cổ phần Xây dựng Thành Nam; Công ty Cổ phần Cơ khí Chi Tuấn, Công ty Cổ phần Việt An... Đối với các đơn vị cố tình trốn đóng bảo hiểm xã hội, ý thức tuân thủ pháp luật của chủ sử dụng lao động chưa nghiêm; nhiều doanh nghiệp cố tình nợ, chấp nhận bị phạt để chiếm dụng quỹ Bảo hiểm xã hội; trong khi cơ quan Bảo hiểm xã hội khi kiểm tra phát hiện các đơn vị sử dụng lao động vi phạm chỉ có thể nhắc nhở.

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng các đơn vị, doanh nghiệp vi phạm chính sách bảo hiểm xã hội là do sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn nên nhiều doanh nghiệp hiện không còn hoạt động; một số doanh nghiệp chủ bỏ trốn nhưng không thực hiện giải thể, phá sản dẫn đến số nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp kéo dài như: Công ty Coma 19, Công ty Cổ phần HONLEI Việt Nam, Công ty TIC... gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Mặt khác, đa số các doanh nghiệp không thực hiện nghiêm việc trích nộp hàng tháng mà thường xuyên nợ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp một tháng do hiện chưa có chế tài xử phạt đối với các đơn vị nợ chậm đóng. Nhận thức của một số chủ sử dụng lao động, người lao động về lĩnh vực bảo hiểm xã hội còn hạn chế; tính tuân thủ pháp luật bảo hiểm xã hội chưa cao nên tình trạng trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội còn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp; đặc biệt là các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Nhiều chủ doanh nghiệp tìm cách đối phó, trốn tránh hoặc chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động; đóng không đúng thời gian, không đúng mức quy định; đóng không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cũng xảy ra. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp cổ phần hoá, doanh nghiệp ngoài quốc doanh, việc thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội còn chưa tốt, còn có nhiều đơn vị không thực hiện, ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội cho người lao động. Một số doanh nghiệp ngoài quốc doanh các huyện Hải Hậu, Xuân Trường, Giao Thủy, Ý Yên, Vụ Bản, Mỹ Lộc, Trực Ninh sử dụng lao động thời vụ nên chủ sử dụng lao động không đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động. Về phía người lao động, sự thiếu hiểu biết về pháp luật hoặc chưa quan tâm đến bảo hiểm xã hội đã gây thiệt hại cho chính bản thân và gia đình mình khi gặp ốm đau, thai sản hay tai nạn lao động.

Kiên quyết khởi kiện

Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), tổ chức Công đoàn có quyền khởi kiện các doanh nghiệp, cá nhân nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội. Tại tỉnh ta, Bảo hiểm xã hội tỉnh hoàn thiện gửi danh sách 61 đơn vị vi phạm chính sách bảo hiểm xã hội sang Liên đoàn Lao động tỉnh tiến hành khởi kiện nợ đọng bảo hiểm xã hội theo luật định. Tuy nhiên, hiện nay, do những vướng mắc về pháp lý nên chưa có vụ khởi kiện nào được đưa ra xét xử. Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội tỉnh cho biết: Việc khởi kiện và thi hành án đối với một số doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn bởi quy định việc khởi kiện phải do công đoàn cơ sở đứng ra hoặc người lao động phải có giấy ủy quyền cho tổ chức Công đoàn hoặc công đoàn cơ sở ủy quyền cho công đoàn cấp trên trực tiếp để làm thủ tục khởi kiện chủ sử dụng lao động. Đây là nguyên nhân khiến việc khởi kiện của tổ chức công đoàn chưa phát huy hiệu quả. Mặt khác, nhiều đơn vị nợ đọng bảo hiểm xã hội lại không có tổ chức công đoàn cơ sở, nên không thể ủy quyền cho công đoàn cấp trên cơ sở khởi kiện doanh nghiệp ra tòa; một số chủ doanh nghiệp bỏ trốn hoặc âm thầm chuyển nhượng lại doanh nghiệp cùng số nợ.

Theo quy định của 4 Luật: Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Việc làm, Luật An toàn và Vệ sinh lao động thì hàng tháng doanh nghiệp trích tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội. Doanh nghiệp không đóng đủ số tiền phải nộp ngay trong tháng phát sinh thì doanh nghiệp đã vi phạm 4 luật. Bảo hiểm xã hội tỉnh đã và đang thực hiện công tác thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra với các ngành: Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh, Thanh tra tỉnh, Công an tỉnh và xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại tiết a, khoản 2, Điều 26.  Hình thức xử lý: Buộc đơn vị phải truy nộp số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng. Buộc đóng số tiền lãi của số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ bảo hiểm xã hội trong năm. Phạt tiền từ 12 đến 15% trên số tiền chậm nộp, mức tối đa là 75 triệu đồng. Đối với các đơn vị nợ có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng được phát hiện qua công tác thanh tra chuyên ngành, Bảo hiểm xã hội tỉnh sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an theo quy chế phối hợp số 247/QCPH-CA-BHXH ngày 21-3-2018 giữa Công an tỉnh và Bảo hiểm xã hội tỉnh.

Năm 2019, Bảo hiểm xã hội tỉnh phấn đấu đạt 22% đối tượng trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm xã hội; giảm nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp xuống dưới 2,7%. Các giải pháp trọng tâm là: Về công tác giảm nợ, tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và phối hợp với các ngành liên quan thực hiện thanh tra, kiểm tra các đơn vị nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp kéo dài. Thực hiện nghiêm túc quy định về xử lý hình sự đối với tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp cho người lao động tại Điều 216 của Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Đây là hai nội dung quan trọng để cơ quan Bảo hiểm xã hội thực hiện nhiệm vụ thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp của tất cả các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có quan hệ sử dụng lao động; đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com