Là vùng quê biển, huyện Hải Hậu có tiềm năng phát triển du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng… Ngoài ra, trên địa bàn huyện hiện có 41 di tích lịch sử - văn hoá đã được xếp hạng; hàng năm, có 12 lễ hội được tổ chức ở các di tích. Nhiều công trình có kiến trúc nghệ thuật đặc sắc như: Quần thể đền Thuỷ tổ, chùa Lương và cầu Ngói xã Hải Anh, chùa Phúc Hải xã Hải Minh, đền chùa Xá Hạ xã Hải Bắc, chùa Quy Hồn ở Thị trấn Cồn, đền Bảo Ninh xã Hải Phương…
Đoàn du khách tham quan khu chợ Đông Biên, Thị trấn Yên Định, Hải Hậu. Ảnh: Do cơ sở cung cấp |
Với tiềm năng du lịch phong phú, thời gian qua, huyện Hải Hậu có nhiều cơ chế, chính sách hấp dẫn để thu hút các công ty, doanh nghiệp và người dân đầu tư xây dựng mô hình du lịch cộng đồng. Loại hình du lịch du khảo đồng quê bước đầu có sự phát triển khi một số người dân xây dựng các nhà nghỉ homestay (khách du lịch nghỉ tại nhà dân) để thu hút khách nước ngoài đến du lịch, trải nghiệm cuộc sống đồng quê, ăn nghỉ tại nhà dân. Tiêu biểu như các anh: Nguyễn Văn Kiểm, Trần Vũ ở khu vực chợ Đông Biên, Thị trấn Yên Định đã tận dụng không gian các ngôi nhà cổ, đầu tư trang thiết bị, điều kiện ăn ngủ cho khoảng 30 khách du lịch mỗi ngày theo mô hình homestay. Cuối năm 2018, dự án du lịch Ecohost Hải Hậu do Công ty Du lịch sinh thái biển làm chủ đầu tư được triển khai với các hoạt động du lịch cộng đồng, trải nghiệm tại các làng nghề truyền thống, ăn ở, lao động cùng người dân. Bước đầu, dự án liên kết với các hộ sở hữu những ngôi nhà 3 gian Bắc Bộ hơn 100 năm tuổi, hỗ trợ kinh phí trùng tu, tái tạo không gian cổ xưa; bổ sung các điều kiện nghỉ dưỡng chất lượng cao hướng đến đối tượng du khách nước ngoài. Ecohost Hải Hậu mang đến những trải nghiệm du lịch đồng quê như đi xe đạp khám phá cuộc sống thường ngày của người dân địa phương. Nhiều du khách tỏ ra thích thú khi được tham gia những tour du lịch cộng đồng tại các địa điểm như: Làng nghề sản xuất kèn đồng Phạm Pháo, xã Hải Minh; tham quan Nhà thờ đổ, xã Hải Lý; xem, học người dân đan lưới, đánh bắt cá bằng cà kheo tại xã Hải Triều; trải nghiệm làm diêm dân ở xã Hải Chính; làng nghề làm bánh nhãn Đông Cường, Thị trấn Yên Định. Chị Bùi Thị Nhàn, Giám đốc điều hành Ecohost Hải Hậu cho biết: Ecohost là mô hình du lịch sáng tạo vì cộng đồng, với tiêu chí riêng về du lịch bền vững và phát triển du lịch nghỉ dưỡng. Ecohost hỗ trợ tái cấu trúc nhà truyền thống của từng vùng nhưng vẫn đảm bảo giữ gìn bản sắc văn hóa của người dân địa phương, tạo thêm việc làm, quảng bá và thiết kế các sản phẩm thủ công độc đáo, hỗ trợ người dân cải thiện chất lượng sản phẩm, sản vật truyền thống; đáp ứng nhu cầu của khách hàng, đem lại thu nhập cao cho người dân tham gia vào các hoạt động du lịch. Sau hơn 6 tháng triển khai, Ecohost Hải Hậu đón 20-30 du khách/ngày; cao điểm trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 đón trên 300 lượt du khách; thu hút khoảng 1.000 khách nước ngoài từ các nước châu Âu.
Du lịch nghỉ mát, tắm biển ở Hải Hậu tiếp tục phát triển mạnh với việc khai thác tiềm năng, thế mạnh Khu du lịch biển Thịnh Long. Trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thị trấn Thịnh Long được phát triển lên thị xã trong giai đoạn 2016-2020, tiến tới thành lập thành phố là đô thị loại III. Với hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật từng bước được nâng cấp, Khu du lịch biển Thịnh Long hiện có 121 cơ sở lưu trú; trên 1.000 phòng nghỉ; trong đó có 3 khách sạn 2 sao, 1 khách sạn 1 sao, phục vụ nhu cầu ăn nghỉ, tham quan nghỉ mát của du khách. Mỗi năm, khu du lịch đón khoảng 200 nghìn lượt du khách, doanh thu đạt 40-50 tỷ đồng, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Hàng năm, UBND huyện đã ban hành các văn bản tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động du lịch tại Khu du lịch biển Thịnh Long và các địa điểm du lịch khác do địa phương quản lý. Công an huyện, các Đồn Biên phòng thường xuyên tổ chức kiểm tra đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống tệ nạn xã hội; phòng, tránh, cảnh báo về những tai nạn đuối nước có thể xảy ra. Các cơ sở kinh doanh đều đảm bảo các điều kiện để được cấp đăng ký, chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Huyện thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ lao động du lịch trực tiếp ở các cơ sở kinh doanh lưu trú, các ki-ốt ven biển; đào tạo nghề du lịch cho lao động nông thôn.
Hiện tại, huyện Hải Hậu đang xây dựng quy hoạch phát triển du lịch đa dạng các loại hình: văn hoá, tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng, liên kết du lịch với các địa phương trong tỉnh. Tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở các vùng du lịch; khuyến khích các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển du lịch. Tăng cường phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để quảng bá, xúc tiến du lịch; đưa du lịch của huyện ngày càng phát triển./.
Trần Huy