Qua việc xây dựng chính quyền điện tử ở Nghĩa Minh

06:06, 18/06/2019

Xây dựng chính quyền điện tử ở cấp phường, xã là nhiệm vụ quan trọng trong lộ trình thực hiện xây dựng chính quyền điện tử ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã mà UBND tỉnh đã phê duyệt. Tại xã Nghĩa Minh (Nghĩa Hưng) việc xây dựng chính quyền điện tử được triển khai tích cực, bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực, tạo lòng tin trong nhân dân về năng lực quản lý, điều hành của hệ thống hành chính cấp cơ sở. Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích thuận lợi, mô hình chính quyền điện tử ở xã cũng còn nhiều khó khăn cần khắc phục.

Xã Nghĩa Minh có gần 1.600 hộ dân với trên 5.000 nhân khẩu. Trên địa bàn xã có cụm công nghiệp huyện với 6 doanh nghiệp đang hoạt động, thu hút hàng nghìn lao động tại chỗ và từ các địa phương khác đến làm việc, sinh sống nên khối lượng, số lượng thủ tục hành chính mà địa phương phải giải quyết hàng ngày nhiều, liên quan đến nhiều lĩnh vực nên mất nhiều thời gian đi lại, giải quyết công việc của cả cán bộ công chức xã và người dân. Do đó, việc xây dựng chính quyền điện tử với mục tiêu nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính ở địa phương, đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho hoạt động của UBND xã được triển khai tích cực. Triển khai xây dựng chính quyền điện tử, ngoài hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin do các công ty viễn thông (Vinaphone, Viettel, Mobiphone) đầu tư, xã Nghĩa Minh đã được UBND huyện hỗ trợ máy tính nối mạng internet; máy in và cung cấp hộp thư điện tử công vụ cho các cán bộ công chức xã; tập huấn kỹ thuật ứng dụng công nghệ thông tin nói chung cũng như sử dụng các phần mềm chuyên dụng như: quản lý hành chính, kế toán, tư pháp, địa chính, quản lý nhân khẩu, hộ khẩu… Ðến nay, đội ngũ cán bộ, công chức của xã đều sử dụng máy tính trong công việc chuyên môn, xử lý văn bản thông suốt hai chiều huyện và xã. Ðây là cơ sở để xã thực thi quản lý điều hành theo mô hình chính quyền điện tử trong quản lý văn bản điều hành với 9 tài khoản trên hệ thống gồm: tài khoản văn thư, tài khoản của chủ tịch, phó chủ tịch UBND và 6 chức danh công chức (văn phòng - thống kê, địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường, tài chính - kế toán, tư pháp - hộ tịch, lao động thương binh - xã hội, công an). UBND xã đã tiếp nhận văn bản của các cấp và các tổ chức, cá nhân trên các lĩnh vực qua đường thư điện tử; toàn bộ văn bản được Chủ tịch UBND xã tiếp nhận, phân công tới cán bộ, công chức thực hiện theo chức năng nhiệm vụ từng vị trí công tác và trực tiếp theo dõi quá trình thực hiện trên mạng nội bộ. Xã khuyến khích các cán bộ, công chức xã xây dựng lịch làm việc theo tuần để bộ phận văn phòng tổng hợp và đưa lên mạng nội bộ, làm cơ sở để lãnh đạo xã đôn đốc quản lý cán bộ, quản lý công việc chuyên môn. Việc quản lý văn bản điều hành điện tử đã giúp việc tiếp nhận thông tin của xã nhanh chóng, chính xác, toàn diện; tiết kiệm và hạn chế việc sử dụng văn bản giấy; số công chức được tiếp cận văn bản nhiều hơn, hiệu quả công việc cao hơn. Từ khi hệ thống một cửa điện tử của tỉnh đi vào hoạt động, được sự hướng dẫn của Văn phòng HÐND, UBND huyện, cán bộ, công chức xã đã tiếp cận với hệ thống trong việc giải quyết hồ sơ liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực tư pháp, môi trường, nội vụ, thi đua khen thưởng, lao động - thương binh và xã hội trên hệ thống một cửa điện tử; giúp cán bộ, công chức nắm được quy định, thời gian giải quyết thủ tục hành chính, từ đó giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn, tạo được niềm tin cho công dân, giảm khoảng 50% thời gian giải quyết công việc so với trước; dễ kiểm tra trạng thái hồ sơ người dân gửi đến. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành ở xã Nghĩa Minh còn được áp dụng vào quản lý an ninh trật tự, giữ vệ sinh môi trường nông thôn thông qua hệ thống camera giám sát. Xã đã lắp đặt 39 camera ghi hình tại các trọng điểm như khu vực công cộng, các điểm đấu nối, nút giao thông ở các thôn trong xã để kịp thời phát hiện, có biện pháp đấu tranh ngăn chặn, phòng ngừa các hành vi phạm pháp cũng như có căn cứ giải quyết những mâu thuẫn phát sinh trong sinh hoạt hàng ngày của nhân dân.  8 giờ sáng hàng ngày, lực lượng an ninh xã đi kiểm tra toàn tuyến nếu phát hiện sự việc có dấu hiệu vi phạm sẽ trích xuất camera để làm rõ. Từ hiệu quả của hệ thống camera do UBND xã lắp đặt, gần 100 hộ dân trong xã cũng đầu tư camera và truyền dữ liệu về bộ phận giám sát công an xã. Nhờ đó, người dân đã tích cực điều chỉnh thay đổi hành vi nơi công cộng theo chiều hướng tích cực, tình hình an ninh trật tự, vệ sinh môi trường chuyển biến tốt, không còn xả rác bừa bãi, ứng xử văn minh, lịch sự hơn; công tác đấu tranh tội phạm và đảm bảo an ninh trật tự được thuận lợi, người dân không còn lo nơm nớp chuyện mất trộm như trước đây. Khi vụ việc xảy ra, dữ liệu trích xuất từ hệ thống camera này là công cụ đắc lực phục vụ công tác điều tra. Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích thì việc xây dựng chính quyền điện tử ở xã Nghĩa Minh cũng còn gặp nhiều khó khăn do cơ sở vật chất phục vụ việc ứng dụng công nghệ thông tin chưa đồng bộ. Ðồng chí Trịnh Văn Bạ, Chủ tịch UBND xã cho biết: hiện tại máy vi tính mới chỉ phục vụ cho các vị trí trọng yếu như văn phòng, tài chính, địa chính, công an và lãnh đạo xã; các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội phải dùng chung máy. Xã cũng chưa có các thiết bị phụ trợ như máy scan, máy photocopy để phục vụ công tác hành chính tại trụ sở UBND. Bên cạnh đó trong quá trình sử dụng, có lúc phần mềm bị lỗi, không thể khắc phục ngay làm gián đoạn công việc. Công việc tại địa phương luôn phát sinh nên không dễ cập nhật mọi hoạt động của cán bộ công chức xã lên hệ thống mạng nội bộ. Nhiều người dân chưa đủ khả năng và không có thói quen giải quyết công việc trên môi trường mạng nên việc xây dựng chính quyền điện tử ở xã mới chỉ dừng lại ở các cơ quan trong hệ thống chính quyền, các cán bộ công chức với nhau và một chiều từ chính quyền đến công dân, doanh nghiệp chứ chưa nhận được sự phản hồi từ phía người dân qua hệ thống thông tin điện tử. Trong thời gian tới, xã tiếp tục tổ chức tập huấn nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức địa phương; vận hành trang thông tin điện tử của xã theo đúng mô hình khung mà Sở Thông tin và Truyền thông, UBND huyện hướng dẫn. Trong đó, chú trọng việc giới thiệu, hướng dẫn các quy trình thủ tục hành chính công trực tuyến; lắp đặt hệ thống Wifi phủ sóng tại các điểm công cộng để người dân có thêm cơ hội tìm hiểu, cùng tương tác, tham gia vào mô hình chính quyền điện tử.

Những khó khăn trong việc xây dựng chính quyền điện tử ở xã Nghĩa Minh cũng là khó khăn chung của các địa phương khác trên địa bàn tỉnh. Vấn đề này cần sự hỗ trợ tích cực của các cấp, các ngành và các doanh nghiệp viễn thông để việc xây dựng chính quyền điện tử cấp xã được hiệu quả hơn./.

Nguyễn Hương
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com