Được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự “vào cuộc” của các ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, những năm qua phong trào xây dựng gia đình văn hóa ở các địa phương trong tỉnh đã phát triển sâu rộng, theo hướng vừa tiếp nhận những giá trị văn hóa hiện đại, vừa bảo lưu nét đẹp của gia đình truyền thống.
Hộ ông Trần Văn Hóa (78 tuổi), tổ dân phố 1 Liên Hà 2, phường Lộc Hạ (Thành phố Nam Định) là gia đình “tứ đại đồng đường” nhiều năm liền đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa tiêu biểu”. |
Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 9-6-2016 của Tỉnh ủy về “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được các cấp ủy Đảng, chính quyền tập trung chỉ đạo, triển khai sâu rộng. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tổ chức tập huấn, nâng cao kỹ năng tuyên truyền, vận động thực hiện xây dựng gia đình văn hóa cho đội ngũ cán bộ văn hóa và Ban công tác Mặt trận cơ sở. Các địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền về các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa thông qua các buổi họp dân, các đợt sinh hoạt của chi Hội Phụ nữ, chi Đoàn Thanh niên, chi Hội Người cao tuổi, chi Hội Cựu chiến binh… Nhiều mô hình hoạt động của các đoàn thể được xây dựng và nhân rộng đã thúc đẩy phong trào xây dựng gia đình văn hóa phát triển; tiêu biểu như: Mô hình “Gia đình nông dân văn hoá” của Hội Nông dân, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” của Hội Phụ nữ… Với sự “vào cuộc” của các tổ chức, đoàn thể, sự hưởng ứng tích cực của các gia đình, hội viên, đoàn viên, phong trào xây dựng gia đình văn hoá đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, tạo nền tảng tốt đẹp cho sự phát triển bền vững của gia đình truyền thống. Việc bình xét, công nhận gia đình văn hoá đảm bảo công khai, dân chủ theo các tiêu chí. Số lượng và chất lượng gia đình đạt tiêu chuẩn “Gia đình văn hoá” ngày càng được nâng lên. Đến nay, toàn tỉnh có 501.349/604.637 gia đình được công nhận gia đình văn hóa (đạt 83%); 3.369/3.634 làng (thôn, xóm, tổ dân phố) được công nhận danh hiệu văn hóa (đạt 93%). Trong quá trình triển khai phong trào, mỗi địa phương tùy theo đặc điểm địa lý, văn hoá, có cách làm khác nhau, nhưng đều hướng tới mục tiêu bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam, xây dựng mô hình gia đình bình đẳng, ấm no, hạnh phúc. Ở Thành phố Nam Định, phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã có sức lan tỏa sâu rộng, tác động tới nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Ngoài việc bám sát các tiêu chuẩn, tiêu chí quy định, nhiều phường, xã quan tâm giải quyết mối quan hệ gia đình - xã hội; gắn phong trào xây dựng gia đình văn hóa với phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc”; vận động các gia đình tham gia phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội… Từ việc đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hóa, Thành phố Nam Định đã tạo dựng được môi trường văn hóa lành mạnh. Nhiều phường có tỷ lệ gia đình văn hóa cao như: Trần Hưng Đạo, Bà Triệu, Vị Hoàng, Hạ Long, Năng Tĩnh, Lộc Vượng, Lộc Hạ… Ở huyện Vụ Bản, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã xác định rõ tác động của cơ chế thị trường là nguyên nhân khiến lối sống thực dụng len lỏi vào cuộc sống, phá vỡ tình cảm bền chặt và mối quan hệ khăng khít giữa các gia đình, thôn, xóm... Trước tình hình đó, trong chỉ đạo xây dựng gia đình văn hóa huyện kết hợp giữa tiếp thu các giá trị văn hóa tiên tiến với gìn giữ nét đẹp của gia đình truyền thống. Các xã, thị trấn kế thừa có chọn lọc những tinh hoa của các bản hương ước cổ để sửa đổi, bổ sung thành những quy ước nếp sống văn hoá lành mạnh. Thông qua các hoạt động văn hóa, những giá trị văn hoá truyền thống của quê hương được các nghệ nhân, các bậc cao niên truyền lại cho con cháu. Ở huyện Ý Yên hiện có nhiều gia đình duy trì việc 3 thế hệ trở lên cùng chung sống. Điều này tạo sự gắn bó tình cảm theo huyết thống, các thành viên trong gia đình giúp đỡ nhau về tinh thần và vật chất, cùng đoàn kết để chăm sóc người cao tuổi, giáo dưỡng thế hệ trẻ. Ở làng nghề La Xuyên, xã Yên Ninh (Ý Yên), giá trị truyền thống gia đình, tính cộng đồng và tình làng nghĩa xóm vẫn bền chặt. Nơi đây, hầu hết các gia đình đều làm nghề mộc theo phương thức “cha truyền con nối”, vì thế sự gắn kết về sinh hoạt, lao động sản xuất trong gia đình được thể hiện rõ nét. Gia đình ông Ninh Đức Long, xóm Quyết Phong, làng La Xuyên có 5 đời làm nghề mộc truyền thống. Ông có 4 người con, trong đó con trai cả và 2 con gái của ông đều đã lập gia đình. Ông Long luôn tâm niệm nghề truyền thống của gia đình cần được gìn giữ, nên ngoài giáo dục về gia phong, ông chú tâm truyền nghề cho các con. Ở huyện Xuân Trường, cán bộ, đảng viên ở các xã, thị trấn luôn gương mẫu thực hiện các quy chế, quy ước nếp sống văn hoá, đồng thời vận động các thành viên trong gia đình hưởng ứng. Toàn huyện hiện có 84,1% số hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 251/312 làng, thôn, xóm, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa (đạt tỷ lệ 80,4%). Phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã tạo chuyển biến tích cực trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn huyện. Các chi Đoàn thôn, xóm chủ động phối hợp với các đoàn thể, ban công tác Mặt trận khu dân cư đẩy mạnh cuộc vận động “Cưới văn minh, tiết kiệm trong thanh niên”. Những thủ tục rườm rà trong việc tang được loại bỏ.
Để gìn giữ và phát huy giá trị văn hoá gia đình truyền thống trong cuộc sống hôm nay, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò của công tác xây dựng gia đình văn hoá theo hướng vừa tiếp thu nếp sống văn minh vừa kế thừa nét đẹp của gia đình truyền thống. Xây dựng các chỉ tiêu, tiêu chí xây dựng gia đình văn hoá có ý nghĩa thiết thực trong đời sống. Đa dạng hoá các hình thức sinh hoạt văn hoá, tiếp thu những nét văn hóa tốt đẹp của mô hình gia đình truyền thống và hiện đại với cộng đồng./.
Bài và ảnh: Viết Dư