Hội Nông dân Giao Thủy đẩy mạnh phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi

08:06, 07/06/2019

Hội Nông dân huyện Giao Thủy hiện có tổng số 38.898 hội viên nông dân. Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân trong huyện đã đẩy mạnh phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo bền vững. Với sự nỗ lực vươn lên của hội viên nông dân đã khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương, góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới làm chuyển biến nền sản xuất nông nghiệp.

Mô hình cây cảnh cho thu nhập cao của gia đình ông Lại Văn Phòng, xã Giao An.
Mô hình cây cảnh cho thu nhập cao của gia đình ông Lại Văn Phòng, xã Giao An.

Đồng chí Mai Thị Chuẩn, Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết: Để phong trào phát triển sâu rộng, ngay từ đầu năm, các cấp Hội đã phát động hội viên đăng ký danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Năm 2019, toàn huyện có 23.339 hội viên đăng ký danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, bằng 60% tổng số hộ hội viên. Các cấp Hội tiếp tục nhận uỷ thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho hội viên vay vốn; đến nay tổng dư nợ là 146 tỷ 658 triệu đồng cho 6.251 hộ vay (tăng 10 tỷ 376 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2018). Hội Nông dân huyện còn phối hợp với Hội Nông dân cơ sở quản lý tốt nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, đặc biệt là các dự án nguồn vốn của Trung ương Hội, tỉnh Hội quản lý đảm bảo an toàn nguồn vốn và phát triển sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao. Hiện tổng nguồn từ các Quỹ hỗ trợ nông dân là 3 tỷ 482 triệu đồng (trong đó nguồn Trung ương, tỉnh ủy thác là 2,5 tỷ đồng; nguồn Hội Nông dân huyện 220 triệu đồng; nguồn của cơ sở 762 triệu đồng) cho 385 hộ vay phát triển kinh tế. Trong những tháng đầu năm 2019 đã phối hợp với Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh hoàn thiện hồ sơ và tiến hành giải ngân nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân của Trung ương tại Tổ hợp tác nuôi trồng thủy hải sản xã Giao Hải, số tiền 1 tỷ đồng cho 20 hộ vay thực hiện dự án nuôi cá nước ngọt. Hội Nông dân huyện đã chỉ đạo Hội Nông dân cơ sở chủ động phối hợp với ngành Nông nghiệp, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Ban nông nghiệp, hợp tác xã, doanh nghiệp… tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăm sóc và phòng trừ sâu, bệnh hại lúa, phòng trừ dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Hội Nông dân các xã Giao Thanh, Giao An, Giao Thịnh, Giao Long, Giao Xuân… phối hợp với Ban nông nghiệp, Hội Phụ nữ, các doanh nghiệp tổ chức 17 buổi hội thảo, tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ lúa chiêm xuân, kỹ thuật phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi, thu hút gần 2.000 hội viên tham dự. Cùng với việc tiếp tục chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các vùng sản xuất tập trung, các cấp Hội Nông dân trong huyện còn phối hợp tổ chức 15 lớp dạy nghề cho 525 hội viên về chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy hải sản, cắt tỉa cây cảnh. Hội Nông dân Thị trấn Quất Lâm, xã Giao Phong… phối hợp với Công ty Cổ phần Phân bón Tiến Nông, Công ty Phân bón Việt Nhật triển khai dịch vụ cung ứng 55 tấn phân bón trả chậm cho nông dân. Bên cạnh việc củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ hợp tác đã thành lập, các cấp Hội Nông dân trong huyện tiếp tục vận động xây dựng và phát triển các tổ hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị, các tổ hội nghề nghiệp làm nền tảng để phát triển nông nghiệp sản xuất theo hướng hàng hóa. Đến nay, toàn huyện đã thành lập được 9 tổ hội nghề nghiệp với hàng trăm hội viên tham gia như: Tổ hội nghề nghiệp “Nuôi trồng thủy hải sản” gắn với tổ hợp tác của Hội Nông dân xã Giao Hải với 25 thành viên tham gia; tổ hội nghề nghiệp “Dịch vụ máy nông nghiệp” của Hội Nông dân xã Hồng Thuận; tổ hội nghề nghiệp của các xã Giao Long, Bạch Long... Các tổ hội nghề nghiệp bước đầu đạt hiệu quả, tạo ra sự đoàn kết, tương trợ nhau trong sản xuất của hội viên. Ngoài ra, để đẩy mạnh phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo bền vững, các cấp Hội Nông dân trong huyện còn vận động cán bộ hội viên đóng góp ủng hộ quỹ hỗ trợ hội viên nghèo nâng cao mức sống và xây dựng mái ấm nông dân. Thời gian qua đã tổ chức tặng quà cho trên 300 hội viên có hoàn cảnh khó khăn với số tiền trị giá 210 triệu đồng; vận động hội viên và các nhà hảo tâm ủng hộ tặng xe đạp cho 157 con hội viên nghèo vượt khó vươn lên trong học tập trị giá trên 18 triệu đồng. Từ phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo bền vững đã xuất hiện nhiều điển hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi như các ông: Lê Huy Điệp, xã Giao Tiến sản xuất các loại máy phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; Cao Văn Ba, xã Giao Phong, Đinh Thanh Khiết, xã Giao Thịnh nuôi trồng thủy hải sản; Phạm Xuân Thủy, xã Giao Hải nuôi cá nước ngọt; Trần Văn Trường, xã Giao Lạc nuôi ba ba; Nguyễn Hùng Vương, xã Giao Hải chế biến thủy hải sản; Nguyễn Trường Cửu, xã Giao Xuân nuôi vạng giống, vạng thương phẩm... Bên cạnh việc mang lại thu nhập cho gia đình, các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi còn tạo việc làm cho hàng nghìn lao động trên địa bàn huyện.

Phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi của các cấp Hội Nông dân huyện Giao Thuỷ đã mang lại hiệu quả thiết thực, sản xuất lương thực là huyện dẫn đầu về năng suất lúa của tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá, đã xuất hiện nhiều gia trại, trang trại sản xuất hàng hoá theo mô hình tổng hợp với quy mô lớn trên 10ha, thu hút nhiều lao động và hoạt động có hiệu quả. Nuôi trồng, khai thác thủy hải sản tăng trưởng hàng năm. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn có bước phát triển, thu hút gần 10 nghìn lao động có việc làm và thu nhập từ 3 đến 5 triệu đồng/người/tháng. Đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao cả về vật chất và tinh thần. Thông qua phong trào cũng góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới, làm chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, thay đổi tư duy của nông dân đối với quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hoá. Nông dân đã phát huy nội lực, khai thác tiềm năng đất đai, sử dụng hợp lý lao động, nâng cao năng lực quản lý, điều hành sản xuất, sử dụng vốn có hiệu quả, đóng góp tích cực cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn./.

Bài và ảnh: Lam Hồng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com