Những năm qua, các cấp Hội Nông dân huyện Trực Ninh đã phát động hội viên tích cực lao động sản xuất, đẩy mạnh các phong trào thi đua, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả, trong đó chú trọng hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.
Phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi tiếp tục được duy trì và phát triển ở các cấp Hội, khơi dậy ý chí, tinh thần cần cù sáng tạo của nông dân trong lao động sản xuất, khuyến khích các chủ trang trại, gia trại phát triển sản xuất, nâng cao giá trị trên 1ha canh tác, tổ chức vận động cán bộ, hội viên nông dân đăng ký hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hộ, kinh tế trang trại, gia trại tổng hợp, doanh nghiệp vừa và nhỏ, tổ hợp tác liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các cấp Hội tích cực đẩy mạnh phong trào tương trợ giúp nhau giảm nghèo bền vững bằng nhiều giải pháp như: Vận động đóng góp giúp hộ nghèo nâng cao mức sống, mỗi chi hội nhận giúp đỡ 2-3 hộ thoát nghèo. Hội Nông dân các xã, thị trấn phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các ban, đoàn thể tổ chức thăm, tặng quà cho các gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo nhân dịp Tết Nguyên đán. Riêng trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, các cấp Hội Nông dân trong huyện đã tổ chức tặng 162 suất quà cho hội viên nghèo trị giá gần 42 triệu đồng. Việc vận động ủng hộ các quỹ: “Nâng cấp nhà ở cho hộ hội viên nghèo”, “Hỗ trợ Tết cho hộ hội viên nghèo”, “Mái ấm nông dân” được các cấp Hội và hội viên trong huyện đồng tình ủng hộ. Năm 2018 đã tổ chức khảo sát, bình xét và xây dựng nhà tình nghĩa cho các hội viên nông dân nghèo là bà Trần Thị Mến, chi hội 6 xã Trực Thắng; bà Vũ Thị Oanh, chi hội 4 xã Trung Đông.
Gia đình hội viên Vũ Văn Diệp, tổ dân phố Nghĩa Sơn, Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) với mô hình trang trại tổng hợp cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. |
Bên cạnh đó, các cấp Hội Nông dân trong huyện đã đẩy mạnh việc tổ chức dịch vụ, tư vấn và hỗ trợ nông dân. Quỹ hỗ trợ nông dân huyện tiếp tục phát triển, đến nay tổng số vốn toàn huyện là trên 985 triệu đồng. Dự án vay vốn Quỹ hỗ trợ nông dân Trung ương, tỉnh được duy trì quản lý tại 4 đơn vị với số tiền 2,25 tỷ đồng. Với nguồn vốn quỹ trên, các cấp Hội đã tạo điều kiện cho gần 100 hộ nông dân vay vốn phát triển sản xuất góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Để tạo điều kiện hỗ trợ nông dân tiếp cận với các nguồn vốn, Huyện Hội cũng đã ký hợp đồng trách nhiệm với các tổ chức tín dụng cho nông dân vay vốn. Đến nay, tổng dư nợ Ngân hàng Chính sách xã hội là 130 tỷ 183 triệu đồng cho 5.043 hộ vay; dư nợ từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là 606 tỷ đồng cho 3.607 hộ vay đầu tư phát triển sản xuất tại 398 tổ vay vốn. Các cấp Hội còn tích cực liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp làm tốt dịch vụ hỗ trợ nông dân về vốn, giống, vật tư nông nghiệp, giúp nông dân phát triển sản xuất đạt hiệu quả cao. Từ năm 2018 đến nay, đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông, Khuyến ngư, Trạm Khuyến nông, Trạm bảo vệ thực vật, các Công ty, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp... tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về cấy, chăm sóc lúa và rau màu, cây ăn quả, nuôi thủy sản, cách phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt là chuyển giao hướng dẫn bà con sử dụng các chế phẩm sinh học trong trồng trọt, chăn nuôi nhằm hướng đến một nền nông nghiệp sạch, an toàn và bền vững... Năm 2018, toàn huyện tổ chức được 78 buổi cho 21.098 lượt người tham dự; 3 tháng đầu năm 2019 đã tổ chức được 30 buổi với 2.376 người tham dự. Thông qua các lớp tập huấn giúp hội viên lựa chọn được phương thức sản xuất phù hợp, tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, các cấp Hội còn phối hợp với các công ty, doanh nghiệp giúp nông dân mua phân bón, thức ăn chăn nuôi trả chậm.
Cùng với việc chuyển giao khoa học kỹ thuật mới, các cấp Hội còn tích cực phối hợp tổ chức dạy nghề cho nông dân. Huyện Hội phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh và Trường Trung cấp Kỹ thuật nông nghiệp tổ chức khảo sát nhu cầu học nghề của hội viên nông dân trong toàn huyện để xây dựng kế hoạch dạy nghề cho hội viên nông dân. Từ năm 2018 đến nay, đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh tổ chức 3 lớp dạy nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm, uốn tỉa cây cảnh tại xã Trực Tuấn, Trực Hưng, Trực Thắng; phối hợp với Trường Trung cấp Kỹ thuật nông nghiệp mở 3 lớp dạy nghề chăn nuôi tại xã Trực Đạo, Trực Hưng, Trực Tuấn với 105 hội viên nông dân tham dự. Ngoài ra, các cấp Hội còn vận động, hướng dẫn nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể. Cùng với việc tiếp tục duy trì các mô hình tổ hợp tác, chi hội nghề nghiệp tại các xã Trực Chính, Phương Định, Việt Hùng, Trực Đạo, Trực Thanh, Trực Thái, Trung Đông; tích cực tuyên truyền, tập huấn bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ Hội về kinh tế tập thể; các cấp Hội Nông dân trong huyện đã hướng dẫn thành lập các tổ hợp tác, mô hình kinh tế tập thể mới, giúp nông dân về vốn, khoa học kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm. Tiêu biểu như năm 2018 đã thành lập tổ hội nghề nghiệp sản xuất đồ gỗ truyền thống và trồng hoa, cây cảnh tại Thị trấn Cổ Lễ. Tham gia tổ hội nghề nghiệp sản xuất đồ gỗ truyền thống, 15 hộ sản xuất được hỗ trợ vay vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân 500 triệu đồng, trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất, nguồn lao động, các mặt hàng... Hội Nông dân Thị trấn Cổ Lễ còn liên kết với một số doanh nghiệp cung cấp nguồn gỗ, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên.
Với những hướng đi đúng đắn và nhiều phương thức hỗ trợ hiệu quả, các cấp Hội Nông dân huyện Trực Ninh đã tạo điều kiện giúp hội viên từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh. Nhờ đó, công tác Hội và phong trào nông dân của huyện thời gian qua đã có bước phát triển và đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới./.
Bài và ảnh: Lam Hồng