Thời gian qua, hoạt động của các Ban giám sát đầu tư cộng đồng (ÐTCÐ) trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đóng góp tích cực trong xây dựng hạ tầng nông thôn mới. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng các công trình đầu tư xây dựng ở địa phương theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, phòng ngừa tham nhũng, lãng phí.
Ban giám sát ĐTCĐ kiểm tra chất lượng thi công đường dong ngõ tại xóm 5, xã Mỹ Thành (Mỹ Lộc). |
Đưa chúng tôi tham quan con đường bê tông rộng rãi, khang trang của xóm mới đưa vào sử dụng, ông Nguyễn Văn Phúc, Bí thư chi bộ xóm 5, xã Mỹ Thành (Mỹ Lộc) cho biết: “Thời gian qua, xã đã hoàn thành đổ bê tông mở rộng tuyến đường trục xóm dài 800m kết hợp cải tạo khuôn viên nhà văn hoá với tổng kinh phí 406 triệu đồng. Khi thi công tuyến đường, Ban giám sát ÐTCÐ đã phân công thành viên thường xuyên có mặt tại công trường để giám sát việc sử dụng vật liệu, chất lượng cát, sỏi, mác bê tông, chiều rộng, độ dày bê tông mặt đường; quá trình thi công… đảm bảo tiêu chuẩn đúng thiết kế kỹ thuật; kịp thời thông báo tiến độ xây dựng tới nhân dân. Ban giám sát ÐTCÐ bám sát công trường cùng với sự đôn đốc sát sao của chính quyền nên chỉ trong 20 ngày, các công trình đã hoàn thành vượt tiến độ đảm bảo chất lượng, hiệu quả vốn đầu tư”. Tại xóm 3, với sự tham gia của Ban giám sát ÐTCÐ, công trình nhà văn hoá xóm đã được xây dựng khang trang, đồng bộ với sự tham gia ủng hộ tích cực từ phía người dân hiến đất, ngày công lao động. Ông Trần Tuấn Thanh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã cho biết: Công tác giám sát ÐTCÐ đã mang lại những hiệu quả thiết thực, không có những sai phạm trong quá trình triển khai các công trình, dự án, tạo điều kiện để "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra". Ðặc biệt, huy động được người dân tham gia làm "tai - mắt", giám sát công trình mà chính họ được thụ hưởng, góp phần phát huy tinh thần tự quản, trách nhiệm với cộng đồng của người dân. Những kiến nghị sau giám sát là tiếng nói từ cơ sở, những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân được Ban chuyển tải đến với các cấp, ngành, tạo cầu nối tin cậy giữa nhân dân với Ðảng và chính quyền cơ sở. Hiện tại, xã có 13 Ban giám sát ÐTCÐ tại các thôn, xóm. Mỗi Ban giám sát ÐTCÐ có từ 9-11 thành viên là cán bộ Mặt trận Tổ quốc, cán bộ các đoàn thể ở cơ sở, bí thư, trưởng thôn, xóm có trình độ, uy tín ở địa phương được nhân dân lựa chọn, tín nhiệm bầu tham gia. Thông qua công tác giám sát ÐTCÐ tại các thôn, xóm; quy trình, tiến độ thời gian và chất lượng các công trình xây dựng nông thôn mới của xã được nâng lên rõ rệt, hạn chế thất thoát, lãng phí và ngăn chặn những sai phạm trong xây dựng, quản lý các công trình. Từ đó tạo niềm tin, sự đồng thuận của nhân dân, các tổ chức, cá nhân và con em quê hương trong và ngoài tỉnh chung sức đóng góp xây dựng nông thôn mới, góp phần ổn định an ninh, trật tự tại địa phương. Nhờ đó, xã Mỹ Thành trở thành một trong những địa phương đầu tiên của huyện Mỹ Lộc “về đích” nông thôn mới.
Theo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, từ năm 2014 đến nay, các Ban giám sát ÐTCÐ trong toàn tỉnh đã tổ chức 4.375 cuộc giám sát, kiến nghị 103 vụ việc. Bằng tinh thần, trách nhiệm giám sát và hậu giám sát, các Ban giám sát ÐTCÐ đã phát hiện nhiều công trình vi phạm trong xây dựng, kiến nghị với chính quyền chỉ đạo nhà thầu khắc phục kịp thời. Nhiều công trình có mức đầu tư lớn được giám sát đã phát huy hiệu quả đầu tư vốn, tiết kiệm ngân sách Nhà nước, đảm bảo chất lượng, kỹ thuật công trình như: xây dựng Trường Mầm non khu A, Trạm Y tế xã Mỹ Phúc; giám sát nguồn vốn xây dựng nông thôn mới của xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc); giám sát việc đầu tư xây dựng các công trình trường học tại các xã: Nghĩa Phong, Nghĩa Lợi, Nghĩa Ðồng (Nghĩa Hưng)… Tuy nhiên, hoạt động giám sát cộng đồng theo Quyết định số 80/2005/QÐ-TTg ngày 18-4-2005 của Thủ tướng Chính phủ mới chỉ quy định thực hiện ở những dự án quy mô nhỏ và vừa như hạ tầng nông thôn tại các xóm, thôn, xã, thị trấn; còn ở những dự án quy mô lớn, đặc biệt các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách địa phương thì chưa có quy định cụ thể về thành phần, cơ chế, phương thức hoạt động giám sát cộng đồng. Hầu hết các thành viên Ban giám sát ÐTCÐ hiện nay được lựa chọn là những người nhiệt tình và có ý thức trách nhiệm cao với cộng đồng, nhưng kinh nghiệm, trình độ, kiến thức về hoạt động đầu tư các dự án vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Kinh phí hoạt động của các Ban còn thấp nên có thành viên chưa thực sự nhiệt tình trong công việc. Chủ đầu tư, nhà thầu thi công các dự án công trình nhiều nơi chưa tích cực phối hợp khiến hiệu quả của hoạt động giám sát chưa cao. Một số Ban giám sát ÐTCÐ cơ sở hoạt động chưa hiệu quả, chưa chủ động xây dựng được kế hoạch giám sát nên thường bị động, lúng túng khi vào việc. Việc cập nhật các kiến thức, thông tin chính sách pháp luật, nâng cao nghiệp vụ cho Ban giám sát ÐTCÐ chưa kịp thời, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Ðể phát huy vai trò của Ban giám sát ÐTCÐ, cấp ủy, UBND và Mặt trận Tổ quốc các cấp cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động đối với các Ban giám sát ÐTCÐ, xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, đồng thời có sự động viên để phát huy năng lực, trách nhiệm, thực hiện tốt nhiệm vụ của các thành viên. Các địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để các tầng lớp nhân dân hiểu rõ và tích cực tham gia hoạt động giám sát, nhằm phát huy cao nhất quyền làm chủ của nhân dân. Cùng với đó, các địa phương phải kịp thời củng cố, kiện toàn các Ban giám sát ÐTCÐ, bảo đảm hoạt động đúng quy định; thường xuyên tổ chức bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ và trang bị kiến thức pháp luật cho các thành viên. Có cơ chế tài chính phù hợp cho hoạt động của Ban giám sát ÐTCÐ để đảm bảo điều kiện hoạt động và nâng cao chất lượng công tác giám sát cộng đồng đối với hoạt động đầu tư ở địa phương./.
Bài và ảnh: Đức Toàn