Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến hết 2018, tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là hơn 7.655 doanh nghiệp và 667 chi nhánh, văn phòng đại diện đăng ký. Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, kể từ ngày 1-1-2018, người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng phải tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (quy định cũ là từ 3 tháng trở lên). Thực tế, hiện số lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội chỉ chiếm trên 15% so với tổng số lực lượng lao động tại tỉnh ta.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đình Mộc (Xuân Trường) thực hiện nghiêm túc chính sách bảo hiểm xã hội cho người lao động. |
Theo Bảo hiểm Xã hội tỉnh, các đơn vị thuộc diện phải tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn có khoảng hơn triệu người lao động; tuy nhiên, đến tháng 3-2019, toàn tỉnh chỉ có 179.579 người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, 5.003 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, 160.968 người tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Trong những tháng đầu năm 2019, tình trạng các doanh nghiệp vi phạm chính sách bảo hiểm xã hội có chiều hướng gia tăng với tổng số nợ từ đầu năm đến nay là 279 tỷ 833 triệu đồng; trong đó, nợ bảo hiểm xã hội 173 tỷ 591 triệu đồng, nợ bảo hiểm y tế 98 tỷ 193 triệu đồng, nợ bảo hiểm thất nghiệp 7 tỷ 688 triệu đồng. Điều báo động là, số các doanh nghiệp “mất tích” ngày càng tăng, với số nợ “khó đòi” trên 31 tỷ đồng. Đồng chí Trần Quốc Hùng, Trưởng Phòng Khai thác, Thu hồi nợ (Bảo hiểm xã hội tỉnh) cho biết: Những tháng đầu năm, Bảo hiểm Xã hội tỉnh đã thành lập các tổ công tác xuống từng địa bàn kiểm tra, xác minh hoạt động của các doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian dài. Qua kiểm tra, phát hiện nhiều doanh nghiệp “không có thực” tại địa chỉ đăng ký Giấy phép kinh doanh; chính quyền địa phương xác minh tình trạng “mất tích” của các đơn vị nêu trên. Đây là vấn đề “báo động” về hành vi vi phạm Luật Bảo hiểm xã hội. Cụ thể là các đơn vị: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghệ Tiên Tiến; Công ty Cổ phần Công nghệ Vĩnh Tường; Công ty Cổ phần Dược phẩm Phúc An; Công ty Cổ phần Xây dựng Thành Nam; Công ty Cổ phần Cơ khí Chi Tuấn, Công ty Cổ phần Việt An... Đối với các đơn vị nêu trên và các đơn vị cố tình trốn đóng bảo hiểm xã hội nói chung, ý thức tuân thủ pháp luật của chủ sử dụng lao động chưa nghiêm; nhiều doanh nghiệp cố tình nợ bảo hiểm xã hội chấp nhận bị phạt để chiếm dụng quỹ bảo hiểm xã hội; trong khi đó cơ quan Bảo hiểm xã hội khi kiểm tra phát hiện các đơn vị sử dụng lao động vi phạm chỉ có thể nhắc nhở.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết nguyên nhân dẫn đến thực trạng các đơn vị, doanh nghiệp vi phạm chính sách bảo hiểm xã hội là do tình hình sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn nên nhiều doanh nghiệp hiện không còn hoạt động; một số doanh nghiệp chủ bỏ trốn nhưng không thực hiện giải thể, phá sản dẫn đến số nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp kéo dài như: Công ty Coma 19, Công ty Cổ phần HONLEI Việt Nam, Công ty TIC, ... gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Mặt khác, đa số các doanh nghiệp không thực hiện nghiêm việc trích nộp hàng tháng mà thường xuyên nợ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp một tháng do hiện tại chưa có chế tài xử phạt đối các đơn vị nợ chậm đóng. Nhận thức của một số chủ sử dụng lao động, người lao động về bảo hiểm xã hội còn hạn chế; tính tuân thủ pháp luật bảo hiểm xã hội chưa cao nên tình trạng trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội còn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Việc khởi kiện và thi hành án đối với một số doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn bởi quy định việc khởi kiện phải do công đoàn cơ sở khởi kiện hoặc người lao động phải có giấy ủy quyền cho tổ chức Công đoàn hoặc công đoàn cơ sở ủy quyền cho công đoàn cấp trên trực tiếp để làm thủ tục khởi kiện chủ sử dụng lao động. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến việc khởi kiện của tổ chức Công đoàn chưa phát huy hiệu quả; mặt khác, nhiều đơn vị để nợ đọng bảo hiểm xã hội lại không có tổ chức Công đoàn cơ sở, vì vậy không thể ủy quyền cho Công đoàn cấp trên cơ sở khởi kiện doanh nghiệp ra tòa; một số chủ doanh nghiệp bỏ trốn hoặc âm thầm chuyển nhượng lại doanh nghiệp cùng số nợ. Ngoài ra, công tác thu bảo hiểm xã hội tự nguyện chưa đạt mục tiêu đề ra do thu nhập của người lao động còn thấp nên không có khả năng tham gia hoặc tham gia với mức đóng thấp. Đối tượng tham gia chủ yếu là những người có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội. Công tác thông tin tuyên truyền tại một số huyện còn hạn chế, chưa có nhiều hình thức tuyên truyền hiệu quả để làm cho mọi người hiểu rõ về nghĩa vụ và quyền lợi của việc tham gia bảo hiểm xã hội. Chất lượng rà soát sổ Bảo hiểm xã hội trả cho người lao động của người hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần còn thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp chưa hưởng và chốt lại sổ Bảo hiểm xã hội cho đối tượng khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp chưa cao.
Năm 2019, Bảo hiểm Xã hội tỉnh xây dựng chỉ tiêu phấn đấu đạt 22% đối tượng trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm xã hội; giảm nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp xuống dưới 2,7%. Các giải pháp trọng tâm là: Về công tác giảm nợ, tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh và phối hợp với các ngành liên quan thực hiện thanh tra, kiểm tra các đơn vị nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp kéo dài. Thực hiện nghiêm túc quy định về xử lý hình sự đối với tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp cho người lao động tại Điều 216 của Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Đây là hai nội dung rất quan trọng để cơ quan Bảo hiểm xã hội thực hiện nhiệm vụ thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp ở tất cả các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có quan hệ sử dụng lao động; đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Bên cạnh đó, tích cực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội; nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính về bảo hiểm xã hội tại đơn vị sử dụng lao động. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm xử lý, chấn chỉnh kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, giảm thiểu tình trạng trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội đảm bảo thực hiện tốt công tác thu và mở rộng, phát triển đối tượng tham gia./.
Bài và ảnh: Việt Thắng