Từ năm 2018 đến nay, số vụ vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh giảm so với các năm trước, song tính chất các vụ phức tạp hơn và diễn ra ở hầu hết lĩnh vực của đời sống xã hội. Số vụ phức tạp, chủ yếu trong các lĩnh vực: Phòng chống tội phạm hình sự; đất đai, tài nguyên môi trường; xây dựng. Những vi phạm chủ yếu ở Thành phố Nam Định, các thị trấn, nơi tập trung đông dân cư. Nguyên nhân vi phạm là do ý thức tuân thủ, hiểu biết về pháp luật còn hạn chế, một số đối tượng cố tình vi phạm vì động cơ, mục đích khác.
Đoàn kiểm tra liên ngành Công an, Quản lý thị trường kiểm tra hóa đơn chứng từ hàng nhập khẩu lưu thông trên địa bàn Thành phố Nam Định. |
Để ngăn chặn, giảm thiểu các vi phạm hành chính, hằng năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện công tác xử lý vi phạm hành chính đảm bảo theo đúng quy định. Trong đó, xác định rõ trách nhiệm và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức trong công tác quản lý Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đến cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân được các cấp, các ngành triển khai đồng bộ dưới các hình thức phù hợp với từng đối tượng, góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết của cán bộ và nhân dân. Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức gần 1.500 hội nghị lồng ghép tuyên truyền, tọa đàm về pháp luật xử lý vi phạm hành chính cho gần 200 nghìn lượt cán bộ và nhân dân; biên soạn 1.000 cuốn sách, 150 nghìn tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Các ngành có chức năng xử phạt vi phạm hành chính đã tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng xử phạt vi phạm hành chính cho cán bộ, công chức. Trung bình mỗi năm, các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố tổ chức trên 200 lớp tập huấn về pháp luật xử lý vi phạm hành chính cho người có thẩm quyền xử phạt và cán bộ trực tiếp làm công tác xử lý vi phạm hành chính. Ngoài ra, các sở, ngành chức năng cử cán bộ, công chức thuộc ngành mình quản lý tham dự các lớp bồi dưỡng, tập huấn về xử lý vi phạm hành chính do các bộ, ngành chủ quản tổ chức. Qua đó, giúp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác xử lý vi phạm hành chính thực thi nhiệm vụ được giao theo đúng quy định của pháp luật. Cùng với công tác tuyên truyền, UBND tỉnh giao cho các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật để ngăn chặn và cương quyết xử lý dứt điểm mọi hành vi vi phạm. Trong đó, tập trung chỉ đạo kiểm tra, thanh tra các lĩnh vực trọng tâm như: tài nguyên - môi trường, hộ tịch, nghĩa vụ quân sự, vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo an toàn giao thông, công tác tổ chức lễ hội... Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thường xuyên kiểm tra, nắm bắt tình hình thi hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các đối tượng bị xử phạt. Thông qua công tác kiểm tra đã kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực thi, qua đó kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đồng thời tổng hợp đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.
Từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện trên 18.318 vụ vi phạm hành chính; số vụ việc bị xử phạt vi phạm hành chính 15.805 vụ với 17.886 đối tượng; đã ban hành 17.240 quyết định thi hành, trong đó đã thi hành 16.036 quyết định; số tiền phạt và tiền bán, thanh lý tang vật, phương tiện bị tịch thu là 15 tỷ đồng. Cùng với việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, các cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đối với 847 đối tượng. Trong quá trình triển khai thực hiện xử lý vi phạm hành chính không có trường hợp nào xảy ra sai phạm và khiếu nại của người vi phạm. Đồng chí Cù Đức Thuận, Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: Trong quá trình thực hiện công tác xử lý vi phạm hành chính, các cơ quan có thẩm quyền xử phạt còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực chưa chặt chẽ, còn chồng chéo và một vài lĩnh vực không phù hợp với thực tế; lực lượng cán bộ làm công tác quản lý xử phạt vi phạm hành chính chuyên trách thiếu; một số lĩnh vực phức tạp còn thiếu lực lượng thực thi nhiệm vụ. Công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm còn thiếu chặt chẽ. Việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính còn khó khăn do người vi phạm không có tài sản giá trị để cưỡng chế. Theo quy định thì việc thanh tra, kiểm tra phải có kế hoạch và gửi trước cho đối tượng được kiểm tra, thanh tra, quy định này đã tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức có thời gian thực hiện việc che giấu, khắc phục các hành vi vi phạm theo cách đối phó và sau đó lại tiếp tục vi phạm khiến cho hiệu quả của việc xử lý vi phạm hành chính không cao. Để khắc phục những vấn đề trên, đưa công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính ngày càng hiệu quả, UBND tỉnh đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành chức năng sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính. Thường xuyên tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xử lý vi phạm hành chính; chú trọng tập huấn chuyên sâu trong từng lĩnh vực và kỹ năng lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính. Sớm triển khai áp dụng phần mềm cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính./.
Bài và ảnh: Trần Văn Trọng