1. Trong đời sống của bất cứ dân tộc nào, lễ hội bao giờ cũng giữ vai trò quan trọng. Quan trọng ở chỗ nó là biểu tượng văn hóa của một thời, là di sản của ông cha để lại cho các thế hệ sau. Nó tiếp tục thổi hồn vào đời sống hiện đại, nhắc nhớ con người thời hiện đại về nguồn cội của mình, bồi đắp thêm sự phong phú cho đời sống tinh thần của họ.
Vì thế trong nhân cách văn hóa của con người, cái phần quá khứ chiếm một tỷ lệ không nhỏ. Mỗi cá nhân, một cộng đồng, một dân tộc chỉ có thể tiến vào tương lai một cách vững chắc, biết vượt qua những trở lực của chính mình và của hoàn cảnh khi hiểu rõ quá khứ của mình, biết mình là ai, từ đâu đến và cái đích hướng tới là gì để không lạc hướng.
Giáo sư Đào Duy Anh, từ năm 1943, trong “Việt Nam văn hóa sử cương” đã khẳng định trước những bước ngoặt lớn liên quan đến sự tồn vong của một dân tộc, con người cần phải soát xét lại trong hành trang của mình có những gì để sẵn sàng cho cuộc hội nhập, phát triển mới; xem những gì của mình khả dĩ cần giữ gìn và phát huy, nhận thấy những gì không còn phù hợp cần phải giũ bỏ hoặc điều chỉnh? Quan điểm của nhà văn hóa lớn ấy, cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị khoa học và tính thời sự. Truyền thống văn hóa, trong đó có lễ hội, không phải chỉ là sự hồi cố về quá khứ vì con người, mỗi khi nhìn vào quá khứ không chỉ như nhớ lại những gì đã diễn ra mà soi vào quá khứ để tìm thấy điều gì có thể giúp cho con người tiến về phía trước vững tin và mạnh mẽ hơn. Xét theo nghĩa ấy, lễ hội truyền thống chỉ có thể sống trong đời sống đương đại khi vẫn giữ được những nét đẹp mang tính nhân văn được đúc kết lại trong những hoạt động tưởng như chỉ gắn với thời ấy nhưng lại mang ý nghĩa vượt thời gian, đồng thời cũng phải có những điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu của đời sống đương đại.
Minh họa - Internet. |
Một trong những lý do khiến lễ hội truyền thống bị biến dạng và mất ý nghĩa nhân văn vốn có của nó trong đời sống hiện đại là nhận thức về bản chất lễ hội truyền thống chưa đúng. Cách đây khoảng chục năm có người phải kêu lên người ta thế tục hóa lễ hội truyền thống một cách thô bạo.
Lễ hội truyền thống như là một di sản văn hóa vốn được hình thành trong một bối cảnh lịch sử cụ thể và bởi một tâm thức nhằm tôn vinh một nhân vật lịch sử, một chiến công, một sự kiện hoặc một sinh hoạt văn hóa nào đó, như: Lễ hội Đống Đa, Phù Đổng Thiên Vương, lễ xuống đồng, hội Chùa Hương, hội Nghinh Ông... rồi tồn tại như một di sản văn hóa truyền thống, góp phần hình thành nên truyền thống văn hóa của một vùng, một dân tộc, trở thành một phần giá trị tinh thần trong nhân cách văn hóa của mỗi người, cộng đồng, dân tộc. Trải qua thời gian, một số nghi thức, nội dung lễ hội cũng có những biến đổi.
Khó có thể nói đến một “nguyên mẫu” của lễ hội từ thời sinh ra nó trong đời sống hiện đại nhưng không được méo mó, biến dạng ý nghĩa ban đầu. Khảo sát hơn một chục lễ hội quanh địa bàn Hà Nội (hơn 10 địa điểm) thấy khá rõ những tương đồng và những dị biệt. Lễ hội Đống Đa gần đây có các màn phục dựng Nguyễn Huệ vào Thăng Long, Lễ hội Hai Bà Trưng có màn Hai Bà Trưng khởi nghĩa, diệt Tô Định, lên ngôi vương do các nghệ sĩ chuyên nghiệp dàn dựng, mỗi năm nhà tổ chức mời một đoàn diễn cảnh này nên có những khác nhau nhất định. Ở những biến thể này, cái cốt lõi vẫn giữ được, tinh thần chính của lễ hội vẫn bảo toàn nhưng ai dám khẳng định một thế kỷ sau, nó vẫn còn như những gì chúng ta vừa thấy hôm nay? Nói thế để thấy khó có thể bảo đảm tính nguyên vẹn của nguyên mẫu do những tác động của hoàn cảnh. Điều đáng sợ nhất là những thêm thắt của những người tổ chức do không hiểu bản chất lễ hội truyền thống đã gắn vào nó những điều lạ lùng, làm sai lạc tính chất tâm linh của lễ hội.
2. Lễ hội vốn thuộc về sinh hoạt dân gian, của dân, do dân. Lễ hội dân gian thường chỉ của một làng, một tổng, một vùng. Trong những lễ hội truyền thống, người ta chỉ tổ chức các trò chơi dân gian như những đặc sản của vùng và tôn vinh sự khéo léo, tinh thần thượng võ của dân vùng ấy nên thường có thả chim, nấu cơm thi, đua thuyền, đánh vật, đánh cờ, hát đối đáp… Kinh phí chủ yếu do dân đóng góp. Bây giờ người ta mượn lý do để phát triển du lịch, kinh tế - xã hội nên thường làm to hơn. Nhưng dân không đủ kinh phí để tổ chức lễ hội nên phải kêu gọi tài trợ. Và hiển nhiên những nhà tài trợ nhận thấy có thể “làm ăn” ở các hợp đồng này. Sở dĩ có những biến tướng, vượt ra ngoài những nội dung và nghi thức của lễ hội truyền thống là do các nhà tài trợ đã sử dụng lễ hội để quảng bá thương hiệu và kinh doanh. Những kỷ lục 10 nghìn người hát quan họ là làm hỏng quan họ. Chiếc bánh chưng nặng nhiều tấn dâng tổ tiên lại độn cả xốp vào trong để lập kỷ lục thì thật sự là báng bổ thánh thần. Lễ hội Phù Đổng mà tranh cướp hoa tre để cầu lộc dẫn đến ẩu đả thì việc đi quá đà đến mất kiểm soát… Điều này có nguyên nhân từ nhà tổ chức và cả ý thức của đám đông - những người tham gia lễ hội mà không hiểu bản chất của lễ hội là gì. Họ đến lễ hội với tâm thế cầu lợi chứ không phải đến để thỏa mãn nhu cầu tinh thần. Chính vì thế mà những lễ lạt của những người đi dự lễ mang nặng tâm thế thế tục cho một hoạt động tinh thần: Lễ to thì sẽ có lộc lớn. Như thế, khác nào mua chuộc thánh thần? Phải nói là xu hướng thương mại hóa lễ hội của người tổ chức đã làm hỏng dần lễ hội. Ở lễ hội văn hóa truyền thống mà bán địa điểm kinh doanh thu tiền cho cả trò chơi cờ bạc, kinh doanh thịt thú rừng (giả) như báo chí đã đưa thì nhà tổ chức đã dung túng cho cả hành vi vi phạm pháp luật. Lễ cầu an biến thành lễ dâng sao giải hạn thu tiền tỷ là cơ sở Phật giáo lại phạm điều kiêng kỵ của chính tôn giáo này. Giải pháp duy nhất trong những trường hợp này là thực thi pháp luật, không có ngoại lệ.
3. Kể ra thực trạng thì nhiều. Hô hào, giải thích, thậm chí xử phạt cũng nhiều nhưng tình trạng làm biến tướng lễ hội vẫn không giảm, thậm chí còn tinh vi hơn. Tôi cho rằng sự giám sát và những chế tài xử lý chưa đủ sức làm cho người ta phải “chùn tay” khi vi phạm. Việc tổ chức tràn lan, mang tính tự phát, có văn bản nhắc nhở nhưng thiếu biện pháp ngăn chặn làm cho người ta nhờn luật. Cơ quan quản lý chưa đủ sức, chính quyền không thực thi theo đúng chức trách, chế tài xử phạt quá nhẹ. Người ta đem cả chuyện đức tin ra kinh doanh thì ở đây có lỗi của người chủ trương nhưng cũng có lỗi của xã hội, của những người đi đến lễ hội với tâm thế vụ lợi. Nếu cả xã hội không làm thế thì sẽ hạn chế được nhiều chuyện tiêu cực trong khi tổ chức lễ hội. Thêm nữa, thiết nghĩ các nhà chuyên môn nên khảo sát và xác định khung quan trọng nhất của một lễ hội truyền thống gồm những nội dung, nghi thức nào, quy trình tổ chức ra sao… để không cho ai muốn tự ý lợi dụng lễ hội để làm biến tướng theo lợi ích riêng của mình. Sau đó, chính quyền địa phương phải vào cuộc để giám sát việc tổ chức theo đúng “chuẩn”, đừng để thêm thắt những điều vượt ra ngoài khuôn khổ lễ hội truyền thống./.
Theo qdnd.vn