Hiện nay, dịch HIV/AIDS đã xuất hiện ở 224 xã, phường, thị trấn trong 10 huyện, thành phố. Năm 2018, số trường hợp nhiễm HIV phát hiện mới giảm 17%, số bệnh nhân AIDS giảm 23% so với năm 2017. Toàn tỉnh có 10 cơ sở điều trị cho người nhiễm HIV bao gồm: Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh; Bệnh viện Nhi tỉnh; Phòng khám Chuyên khoa HIV/AIDS và Điều trị nghiện chất, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh; khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa các huyện: Giao Thủy, Hải Hậu, Xuân Trường, Nghĩa Hưng, Ý Yên... Điều trị ARV đang được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu trong phòng, chống HIV/AIDS. Các hoạt động chăm sóc điều trị cho người nhiễm HIV bằng ARV đã giảm tỷ lệ tử vong, kéo dài cuộc sống của người nhiễm, khống chế sự lây truyền của HIV; góp phần khống chế đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.
Xét nghiệm huyết học tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh. |
Thời gian qua, việc điều trị HIV/AIDS bằng thuốc ARV chủ yếu dựa vào các nguồn viện trợ quốc tế nhưng hiện các nguồn này đã kết thúc vào năm 2018. Để đảm bảo sự bền vững trong điều trị HIV/AIDS, Chính phủ đã chủ trương sử dụng nguồn từ quỹ Bảo hiểm y tế để thay thế. Thực hiện chủ trương này, Bộ Y tế đã phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và các địa phương thực hiện hàng loạt các giải pháp như: Ban hành các văn bản pháp quy; kiện toàn các cơ sở điều trị HIV/AIDS; mở rộng tỷ lệ người HIV có thẻ Bảo hiểm y tế; tổ chức đấu thầu thuốc tập trung ARV sử dụng nguồn quỹ Bảo hiểm y tế… Từ tháng 3-2018, 100% cơ sở điều trị ARV trên trên địa bàn tỉnh bắt đầu điều trị ARV cho bệnh nhân thông qua bảo hiểm y tế. Các cơ sở điều trị HIV/AIDS đã thực hiện ký hợp đồng với Bảo hiểm Xã hội và đã thanh toán một số dịch vụ khám, chữa bệnh HIV/AIDS thông qua bảo hiểm y tế. Toàn tỉnh hiện đã có trên 1.300 bệnh nhân HIV/AIDS có thẻ Bảo hiểm y tế. Theo Bảo hiểm Xã hội tỉnh, người nhiễm HIV sẽ tham gia bảo hiểm y tế theo các nhóm đối tượng hộ gia đình. Năm 2018, khi có thông tin sử dụng thuốc ARV trong điều trị từ nguồn quỹ Bảo hiểm y tế, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế của nhóm bệnh nhân này đã tăng lên nhanh; đến tháng 2-2018, đã đạt trên 95% bệnh nhân đang điều trị ARV có thẻ Bảo hiểm y tế. Bệnh nhân HIV/AIDS điều trị ARV là điều trị liên tục và suốt đời, nếu không tham gia bảo hiểm y tế, người có HIV sẽ phải chi trả khoản kinh phí lớn hàng năm. Vì vậy, điều trị ARV thông qua quỹ Bảo hiểm y tế sẽ là nguồn tài chính bền vững để người có HIV tiếp tục được điều trị.
Từ nay đến năm 2020, tỉnh ta đặt ra mục tiêu: Triển khai khám, chữa bệnh HIV/AIDS thông qua bảo hiểm y tế tại 10 huyện, thành phố; 90% người nhiễm HIV trên địa bàn được quản lý tại các cơ sở điều trị HIV/AIDS và được điều trị ARV; đảm bảo cho bệnh nhân được tiếp cận với cơ sở khám, chữa bệnh HIV/AIDS phù hợp theo quy định. Thực tế tại tỉnh ta, người nhiễm HIV có tỷ lệ mắc một số bệnh khác cao hơn người bình thường do ảnh hưởng của HIV/AIDS và các tác dụng phụ của thuốc nên cần được điều trị và chăm sóc toàn diện qua bảo hiểm y tế. Phần lớn người nhiễm HIV/AIDS là những người nghèo, cận nghèo, sức khỏe yếu và việc làm thường không ổn định nên tham gia bảo hiểm y tế là cách tốt nhất để giảm bớt gánh nặng tài chính cho cá nhân và gia đình khi ốm đau, bệnh tật. Người nhiễm HIV nếu được điều trị bằng thuốc kháng virut ARV, đặc biệt là điều trị sớm ARV có thể có tuổi thọ gần như người bình thường nên bảo hiểm y tế là nguồn bảo đảm bền vững cho người nhiễm HIV trong suốt cuộc đời họ. Hiện nay, bảo hiểm y tế đã thực hiện thông tuyến đối với tuyến huyện, tuyến xã, đã tạo điều kiện cho người nhiễm HIV được tiếp cận thuận lợi, dễ dàng với chăm sóc sức khỏe ban đầu và chăm sóc toàn diện, kể cả điều trị ARV tại tuyến huyện, nhận thuốc ARV tại tuyến xã, phường.
Đồng chí Nguyễn Lương Ba, Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh cho biết: Hiện Bảo hiểm Xã hội tỉnh phối hợp với Sở Y tế nỗ lực đẩy nhanh việc thanh toán thuốc ARV qua bảo hiểm y tế, chỉ đạo các đơn vị thực hiện mở rộng tỷ lệ người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế. Tích cực huy động các nguồn viện trợ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS qua các giải pháp: Tăng cường tiếp cận với chăm sóc, điều trị HIV/AIDS; mở rộng cải thiện chất lượng chăm sóc điều trị HIV/AIDS; nâng cao năng lực của các cơ sở điều trị HIV/AIDS. Nâng cao truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về quyền lợi, trách nhiệm, cách thức tham gia bảo hiểm y tế. Thực tế nguồn viện trợ cho công tác điều trị ARV bị cắt giảm thì Bảo hiểm y tế là nguồn tài chính cơ bản và bền vững để điều trị ARV cho người bệnh HIV/AIDS trong thời gian tới. Do vậy, cùng với ngành Y tế, các ngành chức năng cần phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện chi trả điều trị HIV/AIDS qua Bảo hiểm y tế./.
Bài và ảnh: Việt Thắng