Đẩy mạnh công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động

08:03, 05/03/2019

Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở luôn quan tâm chỉ đạo, quản lý hiệu quả công tác an toàn vệ sinh lao động. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã chú trọng công tác an toàn vệ sinh lao động, cải thiện môi trường làm việc. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một bộ phận doanh nghiệp, người lao động chưa quan tâm đầu tư đúng mức và chưa thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động.

Công ty cổ phần D&J, xã Mỹ Hưng (Mỹ Lộc) thực hiện tốt các quy định về an toàn vệ sinh lao động.
Công ty cổ phần D&J, xã Mỹ Hưng (Mỹ Lộc) thực hiện tốt các quy định về an toàn vệ sinh lao động.

Thực hiện Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 20-6-2017 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 78/KH-UBND, ngày 3-8-2018 về triển khai thực hiện Dự án Tăng cường an toàn vệ sinh lao động trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Dự án nhằm tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, bảo đảm an toàn tính mạng cho người lao động, tài sản của Nhà nước, tài sản của các tổ chức, doanh nghiệp, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước. Phấn đấu trung bình mỗi năm, giảm 5% tần suất tai nạn lao động chết người. 100% cán bộ làm công tác an toàn vệ sinh lao động cấp huyện, cấp xã, Ban quản lý các khu công nghiệp được tập huấn nâng cao năng lực. Đến năm 2019, hệ thống cơ sở dữ liệu về an toàn vệ sinh lao động tại địa phương được kiện toàn, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý về an toàn vệ sinh lao động. Tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức thực thi pháp luật và huấn luyện kỹ năng về an toàn vệ sinh lao động: Hàng năm, 100% các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã có triển khai các hoạt động thông tin, tuyên truyền, giáo dục về an toàn vệ sinh lao động. Huấn luyện cho 300-450 người làm công tác an toàn vệ sinh lao động của các doanh nghiệp; huấn luyện và hỗ trợ huấn luyện cho 1.200-1.800 người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Để thực hiện hiệu quả Dự án, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng. Từ năm 2018 đến nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã biên soạn, in ấn, phát hành 14.500 tờ rơi về chế độ bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe cho người lao động; 15 nghìn tờ rơi về chính sách hỗ trợ đưa người lao động ra nước ngoài học làm việc theo hợp đồng; 15 nghìn tờ rơi về chính sách tín dụng ưu đãi hỗ trợ tạo việc làm… tới người lao động, người sử dụng lao động. Tổ chức cuộc thi tìm hiểu các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động cho cán bộ, công nhân lao động trên địa bàn toàn tỉnh, thu hút hàng nghìn bài dự thi; biên soạn, in ấn sổ tay hướng dẫn thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp phát cho các doanh nghiệp. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức và ý thức tự giác của người sử dụng lao động cũng như người lao động trong việc thực hiện các quy định về an toàn vệ sinh lao động. Bên cạnh đó, các ngành chức năng, các huyện, thành phố tăng cường phổ biến, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động. Để nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác an toàn vệ sinh lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức 1 lớp tập huấn cho 30 lãnh đạo, cán bộ phụ trách an toàn vệ sinh lao động của Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố; tổ chức 5 lớp tập huấn triển khai áp dụng hệ thống an toàn vệ sinh lao động cho 300 người sử dụng lao động, cán bộ an toàn vệ sinh lao động của trên 200 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh; tổ chức 2 lớp huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động cho trên 100 người làm công tác an toàn vệ sinh lao động; 1 lớp huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động cho 55 lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động; 17 lớp huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động cho 1.023 lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Bên cạnh đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành văn bản hướng dẫn các ngành, các địa phương đôn đốc các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh triển khai thực hiện các quy định của Nhà nước về công tác bảo hộ lao động, an toàn vệ sinh lao động nhằm ngăn ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và chăm sóc sức khỏe người lao động. Tiến hành rà soát 2 làng nghề, 30 hộ gia đình và 15 doanh nghiệp có nguy cơ cao về tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp; phối hợp với các ngành chức năng và UBND xã Yên Ninh (Ý Yên) triển khai áp dụng các hệ thống quản lý an toàn vệ sinh lao động phù hợp tại làng nghề gỗ La Xuyên… Các ngành chức năng, các huyện, thành phố tăng cường phổ biến, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và hỗ trợ các huyện, thành phố cùng vào cuộc kiểm tra, giám sát về an toàn vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp; qua đó đưa ra những kiến nghị, sửa đổi bổ sung những cơ chế, chính sách phù hợp với đặc thù của chương trình. Thực tế kiểm tra tại các doanh nghiệp cho thấy, việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động đã có chuyển biến tích cực. Các doanh nghiệp đã nhận thức được trách nhiệm trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động, từ đó nâng cao ý thức cho người lao động bằng biện pháp tuyên truyền, tập huấn, trang bị các phương tiện, kỹ thuật về bảo hộ lao động, an toàn vệ sinh lao động. Công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động tại doanh nghiệp, đơn vị được quan tâm hơn. Phần lớn các doanh nghiệp, đơn vị và người lao động đều thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn vệ sinh lao động; kiện toàn hội đồng bảo hộ lao động, mạng lưới an toàn viên; xây dựng, triển khai kế hoạch bảo hộ lao động, các biện pháp an toàn lao động, phòng chống cháy nổ, cải thiện điều kiện lao động, phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cho người lao động; tự kiểm tra về công tác an toàn vệ sinh lao động tại khu vực sản xuất, kinh doanh; qua đó phát hiện các nguy cơ rủi ro để kịp thời khắc phục. Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp, người lao động chưa quan tâm đầu tư đúng mức và chưa thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động. Vẫn còn tình trạng hồ sơ theo dõi công tác an toàn vệ sinh lao động chưa thực hiện đầy đủ theo quy định; chưa trang bị đồng bộ thiết bị bảo hộ lao động; chưa kiểm định các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động khi đưa vào sử dụng. Công tác tập huấn, nâng cao nhận thức về an toàn vệ sinh lao động tại một số đơn vị chưa được chú trọng. Việc đôn đốc, kiểm tra người lao động sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân chưa thường xuyên... Để đẩy mạnh thực hiện Dự án Tăng cường an toàn vệ sinh lao động trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, thời gian tới, các ngành chức năng tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp và người lao động thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động. Thường xuyên quan tâm đào tạo, huấn luyện kiến thức về an toàn vệ sinh lao động cho người lao động và người sử dụng lao động. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác an toàn vệ sinh lao động đối với các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhất là các cơ sở có nhiều yếu tố độc hại, nguy hiểm. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tăng cường triển khai công tác an toàn vệ sinh lao động, chú trọng đến các hoạt động tự kiểm tra, chủ động kiểm soát phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm có hại tại đơn vị, phòng ngừa tai nạn lao động; tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động; trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ cá nhân và tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động. Bên cạnh đó người lao động cần chủ động trang bị những kiến thức, kỹ năng về an toàn vệ sinh lao động, áp dụng các biện pháp bảo hộ khi lao động sản xuất, giảm thiểu các nguy cơ mất an toàn vệ sinh lao động, hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp./.

Bài và ảnh: Minh Tân

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com