Sau nhiều năm chạy chữa hiếm muộn, chị Hương ở đường Trường Chinh, phường Hạ Long (Thành phố Nam Định) đã sinh một bé gái trong niềm vui của cả gia đình. Do nhà chỉ có một mình bé nên từ nhỏ, chị thuê người giúp việc để chăm sóc. Vì vậy dù đã 4 tuổi, bé vẫn có người chăm sóc, từ đút ăn, mặc quần áo đến đánh răng, đi vệ sinh. Cũng do được cưng chiều nên bé rất hay hờn dỗi, “ăn vạ”. Sau nhiều lần được mọi người khuyên bảo, chị đã cho con đi học mầm non. Đến nay, sau 2 tháng đi học, con chị đã có thay đổi rõ rệt trong sinh hoạt cũng như khả năng ngôn ngữ và không còn lăn ra đất “ăn vạ” như trước kia. Chị cho biết, trước khi cho con đi học mầm non, chị đã gặp riêng cô giáo phụ trách lớp để nói về tình trạng của con và được cô động viên rằng con chị sẽ thay đổi nhưng không ngờ con lại tiến bộ nhanh thế.
Trường hợp của con chị Hương không phải hiếm khi hiện nay cuộc sống hiện đại, các gia đình đều sinh ít con, nhiều người có điều kiện kinh tế nên quá yêu chiều con. Chính vì quá bao bọc con, một số gia đình vô tình đánh mất đi một số kỹ năng tự phục vụ của trẻ; nhiều em thiếu kỹ năng sống cần thiết, biểu hiện ở việc hạn chế trong vấn đề giao tiếp; đứng trước đám đông không thể hiện được hết khả năng của mình, nhất là trong việc diễn đạt và chưa biết cách bảo vệ bản thân. Do vậy, những năm qua, các trường mầm non trên địa bàn tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động phù hợp để đưa kỹ năng sống đến với trẻ thông qua việc lồng ghép vào các bài học hoặc các hoạt động ngoại khóa. Từ đó, giúp các em bắt nhịp với cuộc sống, tự bảo vệ mình trước những tình huống nguy hiểm. Đến thăm các lớp học tại Trường Mầm non Thống Nhất (Thành phố Nam Định) đúng lúc các bé đang trong giờ ăn trưa. Ở lớp 3 tuổi, các bé tuy nhỏ nhưng đã biết sắp xếp bàn ghế, tự xúc ăn, tự uống nước và một số kỹ năng vệ sinh cá nhân, đồng thời lễ phép chào hỏi khi có người lạ đến thăm. Để có được các kỹ năng đó, các cô giáo đã quan tâm, hướng dẫn các em ngay từ những buổi đầu đi học để bé nâng cao kỹ năng tự phục vụ. Được biết, ở mỗi lứa tuổi các bé được học tập những kỹ năng riêng. Như ở lứa tuổi từ 2-3 tuổi, trẻ được học các kỹ năng chào hỏi, lễ phép với người lớn, biết cảm ơn và xin lỗi. Lớn thêm một chút, trẻ được học về kỹ năng bảo vệ mình như tránh xa các nơi nguy hiểm; bảo vệ môi trường, vệ sinh răng miệng, cơ thể; tự mặc quần áo, xếp áo quần và để đúng nơi quy định…; làm việc nhóm và giải quyết các tình huống đơn giản trong cuộc sống. Bên cạnh đó, nhà trường tổ chức các chương trình ngoại khóa, các hoạt động trang trí tại góc mở trong lớp học giúp cho trẻ được trải nghiệm và tham gia hoạt động nhằm rèn kỹ năng tự tin, mạnh dạn ở chỗ đông người, đồng thời hướng dẫn trẻ cách thức ứng dụng sự hiểu biết vào thực tế. Qua đó, tạo cho trẻ môi trường học tập tích cực; trẻ được tham gia cùng giáo viên trong mọi hoạt động giáo dục dựa trên nhu cầu, sự hứng thú cũng như khả năng của bản thân…
Hiện nay trên địa bàn tỉnh, các nhà trường mầm non đã thường xuyên đưa giáo dục kỹ năng sống vào các giờ học hàng ngày, các buổi ngoại khóa, lồng ghép ở các hoạt động như kể chuyện về Bác Hồ, tổ chức hội thi bé khỏe bé đẹp, ngày hội thể thao, hội chợ quê của bé… Đặc biệt, ở mỗi lớp học đều xây dựng các góc học kỹ năng sống, có các mô hình hoạt động chải đầu, vệ sinh răng miệng, quét nhà, trang điểm với những chủ điểm, chủ đề về mùa xuân, về Tết cổ truyền…; góc học về nghề nghiệp có mô phỏng các nghề các em dễ nhận biết như nghề xây dựng, trang trại trồng cây, vườn rau, cây cảnh…; các hoạt động học về mua bán, cứu hỏa, đảm bảo an toàn giao thông, học nhạc, học toán, học chữ… Qua các góc học tập này, trẻ em có thể lựa chọn học một mình hoặc theo nhóm, kích thích sự sáng tạo của cả cô và trò, từ đó trẻ hứng thú đến lớp và chủ động, tích cực trong học tập. Trên cơ sở trẻ tự học, tự chơi theo ý thích, cô giáo gợi mở, trao đổi để trẻ phát huy tính năng động, hoạt bát, sáng tạo trên tinh thần học mà chơi, chơi mà học. Bên cạnh chủ động triển khai thực hiện, các trường mầm non còn phối hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh hợp tác cùng nhà trường tổ chức nhiều hoạt động chính khóa và ngoại khóa dạy kỹ năng sống cho trẻ mầm non một cách hiệu quả. Điều này không chỉ tạo thêm cho các nhà trường, đội ngũ giáo viên cơ hội đổi mới phương pháp nuôi dạy trẻ mà còn giúp trẻ tự ứng xử tốt với các tình huống gặp phải.
Với việc triển khai đồng bộ các hoạt động nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, ngành học Giáo dục mầm non của tỉnh ngày càng tạo được sự tin yêu của các bậc phụ huynh. Trẻ đến trường được phát triển toàn diện về thể chất, nhận thức ngôn ngữ, tình cảm, kỹ năng xã hội và thẩm mỹ. Hàng năm tỷ lệ trẻ ra lớp ở nhà trẻ đã đạt trên 41% độ tuổi, trẻ ra lớp mẫu giáo đạt gần 99% độ tuổi, trong đó trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 100%./.
Hồng Minh