Đón Xuân Kỷ Hợi 2019 cũng là lúc tỉnh ta đang thật gần tới đích xây dựng nông thôn mới. Với những thành tựu sống động hiển hiện rõ nhất là diện mạo hiện đại ở các vùng quê. Dấu ấn “Đô thị hóa - phố hóa” hiện hữu ở khắp mọi nơi từ thôn xóm, làng xã đến huyện khiến các vùng nông thôn tỉnh ta ngày càng trở nên “đáng sống” hơn.
Tuyến đường trục xã Hải Nam (Hải Hậu) được mở rộng góp phần nâng cao chất lượng hạ tầng nông thôn mới phục vụ đời sống người dân. |
Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn” và Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28-10-2008 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, tỉnh ta xác định nhiệm vụ trọng tâm trước hết là làm tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch xây dựng nông thôn mới, đảm bảo tính đồng bộ, phù hợp với các quy hoạch liên quan của địa phương, của ngành, phù hợp với bộ tiêu chí nông thôn mới quốc gia, từng bước tiến tới đô thị hóa nông thôn mới bền vững. UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Xây dựng làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn nội dung quy hoạch; tổ chức 71 lớp bồi dưỡng kiến thức về quy hoạch xây dựng nông thôn mới cho 5.814 cán bộ công chức giao thông xây dựng các cấp từ tỉnh đến cơ sở. Sở Xây dựng đã ban hành các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ, xây dựng bộ tài liệu tập huấn công tác rà soát, lập, điều chỉnh và thực hiện quy hoạch xã nông thôn mới. Cùng với các quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, các quy hoạch quan trọng khác của tỉnh cũng được tập trung chỉ đạo lập kịp thời tạo khung pháp lý cho thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản của nông thôn, phục vụ đắc lực cho chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và đô thị hóa nông thôn. Đó là Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch xây dựng nông thôn mới của 209 xã, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh; Quy hoạch phát triển đô thị Thịnh Long đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; quy hoạch chung xây dựng đô thị Ninh Cường; các Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch vùng huyện đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của 9 huyện. Nhờ vậy, kết cấu hạ tầng nông thôn đã khởi sắc, đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa nông thôn. Đến hết năm 2018, toàn tỉnh đã huy động được 18.121 tỷ đồng đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng nông thôn tạo cơ hội phát triển toàn diện, phát huy tiềm năng nội lực của các địa phương. Nhiều xã, thị trấn đã vươn lên trở thành thị trấn mới, đẩy nhanh tiến độ đô thị hóa nông thôn như xã Trực Phú (Trực Ninh) trở thành Thị trấn Ninh Cường; Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) phấn đấu trở thành thị xã trước năm 2020; Thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng) tích cực chuẩn bị các điều kiện để xây dựng trở thành thị xã; hình thành khu đô thị mới phía tây tỉnh với 4 xã: Yên Bằng, Yên Quang, Yên Hồng, Yên Tiến (Ý Yên) trong năm 2019. Trong chỉ đạo xây dựng huyện nông thôn mới, việc phát triển hạ tầng đô thị tại trung tâm các thị trấn được tỉnh đặc biệt quan tâm. Trong đó, các khu đô thị trung tâm thị trấn các huyện được coi là hạ tầng động lực thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới, đô thị hoá địa bàn cấp huyện. Đến nay, đã có 8/10 dự án được khởi công xây dựng. Trong đó có 6 khu đô thị tại Thị trấn Lâm (Ý Yên); Thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng); Thị trấn Ngô Đồng (Giao Thuỷ); Thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường); Thị trấn Gôi (Vụ Bản) đã tổ chức đấu giá đất cho nhân dân làm nhà ở, số tiền nộp ngân sách trên 705,5 tỷ đồng. Đã có 13/22 dự án có quyết định đầu tư; trong đó 3 dự án đã khởi công xây dựng gồm khu dân cư Yên Thọ (Ý Yên), khu dân cư xã Thành Lợi (Vụ Bản), khu dân cư thôn Nội xã Nam Thanh (Nam Trực); còn 9 dự án đang trong quá trình lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư và dự án đầu tư. Hạ tầng đô thị nông thôn được đầu tư, phát triển đồng bộ đã gia tăng thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Tỷ lệ đô thị hóa nông thôn tăng vượt bậc thời gian qua, đạt 25% trong năm 2018.
Hướng tới mục tiêu đô thị hóa nông thôn mới bền vững, thời gian tới, tỉnh tập trung chỉ đạo các huyện, xã, thị trấn kết nối đồng bộ việc xây dựng nông thôn mới với xây dựng đô thị văn minh; để đảm bảo khi từ xã lên thị trấn, từ thị trấn lên thị xã tiến tới thành phố thì sẽ có hệ thống cơ sở được quy hoạch và quản lý tốt theo yêu cầu của một đô thị văn minh nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng với các giá trị văn hóa lịch sử truyền thống đặc sắc của mỗi địa phương. Để thực hiện mục tiêu đó, một trong các giải pháp được tỉnh chỉ đạo là xây dựng các khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu với chủ thể nòng cốt là các gia đình nông thôn mới. Sở Xây dựng hỗ trợ các xã được chọn làm điểm chương trình này vẽ sơ đồ quy hoạch sân vườn; chỉnh trang lại nhà cửa với kiến trúc cảnh quan nhà vườn từ nơi sinh hoạt, chuồng trại (nơi sản xuất) và đến khu vườn phù hợp với bản sắc của địa phương, hợp lý và khoa học trong sinh hoạt, sản xuất kinh tế vi mô tại hộ gia đình, tạo môi trường sống bền vững, ứng phó tốt với biến đổi khí hậu. Đây sẽ là mô hình mới hứa hẹn đem lại sức sống mới cho các cộng đồng nông thôn mới khi được hỗ trợ về chuyên môn để quy hoạch bài bản, hợp lý; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào tất cả các khâu sản xuất; sản phẩm đa dạng, giá trị kinh tế cao và thân thiện với môi trường. Thông qua mô hình nhà vườn kiểu mẫu được xây dựng hoàn thiện tác động trực quan sẽ góp phần làm chuyển biến nhận thức, ý thức của người dân về phát triển kinh tế xanh, bền vững, thân thiện, bảo vệ môi trường vì thế hệ tương lai. Qua đó, phát huy tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân cư và huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị xây dựng nông thôn mới tốt hơn, bền vững hơn, đáng sống hơn./.
Bài và ảnh: Đức Toàn