Thực hiện phong trào thi đua xây dựng “tuyến đê kiểu mẫu” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát động, tỉnh ta đã triển khai xây dựng một số tuyến đê kiểu mẫu tại các xã Xuân Châu (Xuân Trường), Điền Xá (Nam Trực) và Mỹ Tân (Mỹ Lộc)... Qua đó từng bước nâng cao chất lượng, công năng công trình, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tuyến đê kiểu mẫu tại xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc). |
Hệ thống đê kè toàn tỉnh có 663km đê, gồm 365km đê cấp I đến cấp III (91km đê biển, 274km đê sông) và 298km đê dưới cấp III; có trên 160km kè bảo vệ đê sông và đê biển. Đến nay, tỉnh ta đã cải tạo mặt đê cụ thể: đổ bê tông được 238km, rải nhựa bán thâm nhập 40km, rải đá cấp phối 102km; còn hơn 25km đê đất chưa gia cố. Có 282 cống qua đê, 31 bối; trong đó 28 bối có dân ở dài trên 100km, 3 bối canh tác dài 23km. Có những bối lớn như bối Yên Trị (Ý Yên), bối Thắng Thịnh (Nam Trực) có từ 7.000-13.500 dân đang định cư.
Những năm qua, nhất là từ khi có Luật Đê điều, công tác quản lý, bảo vệ và khai thác các công trình đê điều, thủy lợi đã dần đi vào nề nếp, giảm đáng kể số vụ vi phạm pháp luật đê điều, Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. Tuy nhiên tình trạng vi phạm công trình đê điều, thủy lợi vẫn diễn ra phức tạp; đặc biệt là ở những khu vực dân cư đông đúc, thị trấn, thị tứ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn các tuyến đê và công tác phòng chống lụt bão; làm ách tắc, thu hẹp dòng chảy, tiêu thoát nước khó khăn, gây ô nhiễm các tuyến kênh. Để khắc phục tình trạng trên, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 14/CT-UBND ngày 25-6-2014 và Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 23-8-2017 yêu cầu các sở, ban, ngành và các huyện, thành phố tăng cường quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi, đất đai hành lang bảo vệ đê điều, xả thải vào nguồn nước; quản lý khai thác, vận chuyển, bến bãi tập kết, kinh doanh cát sỏi trên các tuyến sông, cửa biển trên địa bàn tỉnh. Hưởng ứng phong trào thi đua xây dựng “tuyến đê kiểu mẫu” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát động năm 2016, Xuân Trường là huyện đầu tiên của tỉnh tiên phong xây dựng tuyến đê kiểu mẫu. Trên địa bàn huyện có 19,2km đê hữu sông Hồng; 12,48km đê tả sông Ninh Cơ và 3,6km đê sông Sò. Toàn bộ hệ thống đê điều đã cơ bản được bê tông hóa mặt đê, tạo thuận tiện cho các phương tiện khi tham gia giao thông; đảm bảo an toàn chống lũ, mái kè chắc chắn; các điểm xung yếu, cống, kè được tu sửa, nâng cấp. Lực lượng quản lý đê chuyên trách, quản lý đê nhân dân thường xuyên tuần tra, phát hiện vi phạm, kịp thời lập biên bản và tham mưu cho chính quyền địa phương xử lý ngay không để vi phạm kéo dài gây hậu quả phức tạp. Đến nay, huyện đã xây dựng được trên 200m đê kiểu mẫu đoạn qua xã Xuân Châu. Tại tuyến đê kiểu mẫu này, mặt đê và đường gom dân sinh được vệ sinh sạch sẽ; mái đê được phân thành các ô nhỏ với diện tích 5 m2/ô trồng xen kẽ các loại hoa, ở giữa các ô có đường ống thoát nước. Mái đê phía trong được xây kè chân cao khoảng 0,5m chống sạt lở. Đồng chí Trần Thế Truyền, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê điều huyện Xuân Trường cho biết: Việc xây dựng “tuyến đê kiểu mẫu” đã tạo cảnh quan, môi trường đê xanh - sạch - đẹp; nâng cao ý thức cho người dân sinh sống ven đê trong việc bảo vệ đê, không xả thải rác ra đê, không chặt tre chắn sóng… Ngoài ra, việc xây dựng “tuyến đê kiểu mẫu” còn góp phần giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều, đảm bảo an toàn, phát huy vai trò phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của hệ thống đê điều… Phong trào xây dựng “tuyến đê kiểu mẫu” ở huyện Xuân Trường đang được nhiều hộ dân nhiệt tình tham gia, hưởng ứng. Một số hộ gia đình sinh sống ven đê đã góp tiền lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng tạo cảnh quan “sáng - xanh - sạch - đẹp”. Hiện huyện đang tiếp tục triển khai xây dựng 600m đê tiếp theo thành tuyến đê kiểu mẫu. Trên địa bàn huyện Mỹ Lộc có gần 7km đê hữu sông Hồng (đê cấp I quốc gia) qua 3 xã Mỹ Tân, Mỹ Trung và Mỹ Phúc. Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh về việc xây dựng tuyến đê kiểu mẫu, trong thời gian qua, huyện đã phát quang mái và cơ đê trên 3km; trồng hoa 2 bên lề đường (từ cột giới hạn trở ra mái đê 0,5m) được 1,8km đê cấp I theo mô hình đê kiểu mẫu; giao cho lực lượng quản lý đê nhân dân phụ trách kiểm tra kịp thời phát hiện vi phạm phát sinh trên án phận đê được giao. Huyện chỉ đạo các xã yêu cầu các cụm dân cư ven đê tổ chức cho các hộ dân ký cam kết không vi phạm pháp luật về bảo vệ đê điều, công trình thủy lợi. Đến nay, đoạn đê hữu sông Hồng thuộc xã Mỹ Tân đã được trồng hoa ven đê, mái đê không còn các điểm tập kết phế thải, rác thải; mặt đê sạch sẽ, thông thoáng. Anh Đỗ Văn Tùng, thôn Hồng Hà 2, xã Mỹ Tân cho biết: “Trước kia, cây cỏ mọc um tùm, người dân vứt rác bừa bãi trên mái đê. Tới nay khi xã chỉnh trang, trồng hoa trên mái đê, người dân cũng tự ý thức giữ gìn vệ sinh, không còn vứt rác, phế thải bừa bãi trên mái đê nữa”. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện tuyến đê của huyện Mỹ Lộc đạt 16/26 tiêu chí “tuyến đê kiểu mẫu” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong thời gian tới, Mỹ Lộc tiếp tục thực hiện các biện pháp cắt bỏ những cây hoang dại, bụi rậm và dọn dẹp các bãi rác tự phát trên các tuyến đê, trồng hoa 2 bên lề; tuyên truyền, ký cam kết với các hộ nông dân, nhà hàng dọc theo tuyến đê bảo vệ đê, không xả rác ra đê. Ban hành quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ và đảm bảo tuyến đê xanh - sạch - đẹp. Từng bước hoàn thiện các tiêu chí còn lại trong bộ tiêu chí “tuyến đê kiểu mẫu”. Ngoài các xã Xuân Châu (Xuân Trường) và Mỹ Tân (Mỹ Lộc), hiện nay tỉnh đang triển khai xây dựng gần 1km đê kiểu mẫu tại xã Điền Xá (Nam Trực), phong trào đang được người dân hưởng ứng tích cực.
Có thể nói, đến nay phong trào xây dựng “tuyến đê kiểu mẫu” có sức lan tỏa tốt, được người dân đồng tình tham gia, nâng cao ý thức bảo vệ cảnh quan chất lượng công trình đê điều. Việc nhân rộng các tuyến đê kiểu mẫu sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, bảo đảm an toàn chống lũ, giảm thiểu, tiến tới ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi. Mặt đê không có ổ gà, đảm bảo tiêu thoát nước và an toàn giao thông phục vụ chống lụt, bão, thiên tai, cứu hộ cứu nạn. Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư, phương tiện cho lực lượng tham gia quản lý đê; góp phần rèn luyện, nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất, tinh thần trách nhiệm của những người làm công tác quản lý đê; nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, đoàn thể và người dân về ý nghĩa, vai trò và trách nhiệm quản lý, bảo vệ đê. Khó khăn nhất hiện nay để duy trì, nhân rộng các “tuyến đê kiểu mẫu” là thiếu kinh phí; ý thức, nhận thức, việc chấp hành các quy định pháp luật bảo vệ đê điều của người dân vẫn còn hạn chế... Trong thời gian tới, tỉnh chỉ đạo các địa phương xây dựng “tuyến đê kiểu mẫu” tập trung hoàn thành các tiêu chí “tuyến đê kiểu mẫu” theo Bộ tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; tổng hợp kinh nghiệm để phổ biến tạo sức lan tỏa tiếp tục nhân rộng phong trào trên toàn tỉnh, góp phần bảo vệ vững chắc hệ thống đê trên địa bàn; đáp ứng yêu cầu phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh