Những ngày giáp Tết, không khí se lạnh, phố xá tấp nập người lại qua, hàng hóa ngập tràn từ khắp nơi đổ về phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của nhân dân. Và trên những cánh đồng, bác nông phu cần mẫn cũng đã tạm gác việc cày bừa chuẩn bị thu dọn lại cửa nhà đón Tết. E ấp giữa ruộng, nụ đào phai đang chúm chím khoe sắc, chờ đúng tiết sẽ bung nở… Trong không khí hân hoan của những ngày cuối năm, chúng tôi xuôi phố về với đồng bào Công giáo đón Tết. Cũng như cộng đồng người Việt khác, Tết cổ truyền đối với người theo đạo cũng là dịp để gia đình sum vầy, con cháu phương xa hội ngộ, người trẻ tưởng nhớ tiên tổ… Tết, do đó với họ cũng thiêng liêng và nhiều ý nghĩa.
Nhà thờ Phú Nhai, xã Xuân Phương (Xuân Trường). Ảnh: Tư liệu |
Ngày 28 Tết âm lịch, sân nhà ông Nguyễn Ngọc Yết, giáo xứ Triệu Thông, xã Hải Bắc (Hải Hậu) náo nhiệt hơn bình thường. Cả gia đình ông đang chuẩn bị gói bánh chưng. Đầu hè, 2 chiếc chiếu hoa đã được trải ra tươm tất bày phía trên cơ man nào thịt, gạo nếp, lá dong, các loại gia vị hành, hạt tiêu… Ông Yết bảo: “Năm nay gia đình tôi gói bánh chưng muộn hơn mọi năm một ngày. Lý do là chúng tôi chờ xóm đụng lợn, chia thịt mới làm bánh. Những ngày này ở xóm tôi rất vui. Tinh thần của bà con vô cùng thoải mái”. Cũng như nhiều hộ gia đình khác trong giáo xứ, nhà ông Yết không chỉ gói bánh chưng mà còn chuẩn bị rất nhiều đồ ăn thức uống cho Tết. Con cháu trong nhà, ai đi làm ăn xa đều cố gắng về kịp đón xuân bên gia đình. Cận Tết, tranh thủ những lúc rảnh rỗi, ông còn dọn dẹp lại vườn tược, sửa sang bàn thờ, mua thêm hoa và nến, quét dọn xóm ngõ. Sáng ngày 30, khi con cháu tề tựu đông đủ, ông Yết cùng một số người ra nghĩa trang quét lại vôi cho mấy ngôi mộ, thắp hương cho ông bà tổ tiên và cùng cầu nguyện. Chiều 30, gia đình ông chuẩn bị bữa cơm tất niên với rất nhiều món ngon. 10 giờ đêm, sau khi câu chuyện tất niên đã vãn mọi người kéo nhau ra nhà thờ của xứ để đón Tết. Họ đọc kinh, cầu nguyện ở nhà thờ hơn 1 giờ đồng hồ, trước 12 giờ đêm, ai nấy trở về nhà chuẩn bị đón giao thừa. Khi chuông 12 giờ điểm, cả gia đình quây quần bên chiếc ti vi, nghe Chủ tịch nước đọc Thư chúc Tết, cùng nhấm nháp cốc trà nóng, ăn chút bánh kẹo và bóc bánh chưng. Ông Yết dành những đồng tiền mới, cẩn thận cho vào phong bao mừng tuổi cho từng người trong gia đình. Ông cũng nhận lại quà mừng tuổi từ con cái với lời chúc sức khỏe, mong muốn công việc làm ăn, gia đình thuận hòa… Cũng như gia đình ông Yết, gia đình ông Vũ Minh Duyệt, thư ký giáo xứ Bùi Chu, xã Xuân Ngọc (Xuân Trường) hằng năm đều vui vẻ, sum vầy đón Tết. “Năm nào cũng vậy, trước Tết, tôi phải đi tìm mua cho bằng được cành đào hoặc cây quất để bày biện trong nhà. Chúng tôi còn chuẩn bị mâm ngũ quả, bánh chưng, đồ ăn ngon chờ con cái ở xa về ăn Tết. Tôi không thấy có khoảng cách hay khác biệt nào giữa lương với giáo khi đón Tết cổ truyền”. Giáo xứ Bùi Chu hiện có trên 1.000 hộ gia đình, 95% dân số theo đạo. Tết cổ truyền là sự kiện trọng đại của giáo xứ, được giáo dân, nhà thờ chuẩn bị chu đáo. Đêm 30 Tết, bắt đầu từ tiếng chuông thứ nhất, khoảng 6 giờ tối, giáo dân trong xứ đã tập trung đầy đủ tại thánh đường, dâng Thánh lễ tạ ơn lành mà Thiên Chúa đã ban trong năm cũ, đồng thời nguyện cầu cho những điều tốt lành sẽ đến trong năm mới. Tại đây, giáo dân còn được tham gia vào hoạt động rút lộc xuân (hái lộc Thánh) đầu năm. Người Công giáo không hái lộc là cành non, chồi non mà “hái lộc lời Chúa”. Theo đó, lộc xuân chính là những lời hay ý đẹp trích dẫn từ Kinh Thánh, được viết ra giấy treo trên cây hoặc đặt trên bàn để bà con giáo dân rút lộc. Lộc xuân được biên theo chủ đề từng năm như: gia đình, yêu thương, sống phúc âm, tuổi trẻ và gia đình… Rút được lộc xuân, mỗi người sẽ mang về nhà, đặt ở nơi trang trọng và lấy đó làm kim chỉ nam soi mình trong cuộc sống hằng ngày trong cả một năm. Theo truyền thống đón Tết Nguyên đán của người Công giáo, ngoài việc dọn dẹp, trang trí nhà cửa, đi lễ tạ ơn đêm giao thừa hay hái lộc Thánh đầu xuân thì vào ngày đầu năm mới, người dân còn có lệ dọn mình. Dọn mình đầu năm ở đây đối với họ không nói về mặt thể xác mà nhấn mạnh đến yếu tố tinh thần, làm sạch tâm hồn của mình.
Trong những ngày đầu năm mới, không khí rộn ràng đón xuân của đồng bào Công giáo không chỉ tràn ngập nơi Thánh đường mà còn trải khắp các ngôi nhà, ngõ xóm. Làng xóm trở nên phong quang, sạch sẽ và “màu sắc” hơn rất nhiều. "Năm nào cũng vậy, sau Noel, giáo dân trong giáo họ lại tưng bừng chuẩn bị đón Tết. Sau khi quét dọn bàn thờ Chúa, bàn thờ cha mẹ để thể hiện lòng thành kính Chúa, mong muốn một năm mới an lành, bà con giáo dân cùng đến nhà thờ dọn dẹp, trang trí để chào đón năm mới. Những vật dụng trang trí trong ngày Noel như cây thông, đèn điện, hang đá… vẫn được giữ nguyên đến tận Tết Nguyên đán. Với chúng tôi, Tết cổ truyền vô cùng ý nghĩa, vì thế đây là phong tục văn hóa nên được gìn giữ, duy trì. Người lương hay người giáo, đạo hay đời đều rất coi trọng Tết”, Trùm chánh Trần Văn Toan, Giáo xứ Triệu Thông, xã Hải Bắc chia sẻ. Giáo xứ Triệu Thông hiện có 400 hộ gia đình, 99% dân số theo đạo Công giáo. Giáo xứ có 5 họ: Phương Đức, Triệu Phúc, Giáp Nội, An Lộc, Động Biên. Người Công giáo ở Triệu Thông dành 3 ngày ăn Tết. Trong đó, sáng mùng 1 Tết, con cái sẽ tập trung về nhà chính. Buổi chiều đi chúc Tết ông bà, người thân, anh em, bạn bè. Mùng 2 Tết là dịp để tưởng nhớ tổ tiên. Do đó, các gia đình sẽ tập trung tại nghĩa trang mang theo hương, hoa làm lễ cầu nguyện cho ông bà, tiên tổ được siêu thoát lên thiên đường. Đây cũng là dịp để mỗi người bày tỏ tâm tình thành kính đối với người đã khuất. Mùng 3 Tết, họ dành những lời cầu nguyện tốt đẹp nhất cho công việc làm ăn trong năm mới. Đặc biệt, tại Giáo xứ Bùi Chu, ngày mùng 5 Tết có một hoạt động văn hóa hết sức có ý nghĩa. Đã thành thông lệ, trưa ngày mùng 5, giáo dân sẽ tập trung cầu nguyện ở đình làng Bùi Chu và tổ chức liên hoan chung cho cả thôn. Buổi chiều giáo xứ tổ chức chương trình khuyến học trao quà, học bổng cho những học sinh, sinh viên đạt thành tích cao trong học tập. Ngày này, ở Bùi Chu cũng được coi là ngày “gặp gỡ”. Bạn bè sinh viên, các hội đồng môn, đồng ngũ, hội nghề nghiệp… ở các lứa tuổi, ngành nghề đều tổ chức gặp mặt, ăn uống, ca hát. Cùng quây quần bên nhau, họ chia sẻ, hỏi han những câu chuyện làm ăn trong năm, tình hình sức khỏe, gia đình, con cái học hành, công việc… Những người đi làm ăn xa dịp này được bà con trong xứ quan tâm, động viên nhiều hơn cả. Vì thế, đây cũng có thể coi như dịp hội làng của giáo xứ, là ngày đoàn viên vui vẻ của cộng đồng.
Cũng như mọi người dân Việt Nam, Tết cổ truyền với người Công giáo mang nhiều ý nghĩa, Tết là dịp tận hưởng niềm vui, là khi gia đình được gặp gỡ, đoàn tụ. Tết cũng là dịp để người Công giáo cầu nguyện cho một năm mới an lành, cầu mong thế giới hòa bình, yên vui… Những truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Công giáo trong những ngày đầu năm góp phần làm phong phú thêm nét đẹp văn hóa của dân tộc./.
Nguyễn Hoa Xuân