Hệ thống phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh bao gồm: Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh với hơn 40 cán bộ, nhân viên; các trung tâm y tế huyện, thành phố có khoa kiểm soát dịch bệnh, HIV/AIDS, mỗi khoa có từ 1 đến 2 cán bộ chuyên trách; 229 trạm y tế xã, phường, thị trấn, mỗi trạm y tế có 1 cán bộ chuyên trách về HIV.
Diễu hành hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2018 tại Thành phố Nam Định. |
Với chức năng chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, kỹ thuật về phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn. Hằng năm Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh đã xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch về phòng, chống HIV/AIDS tổ chức, thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn kỹ thuật: can thiệp giảm tác hại, dự phòng lây nhiễm HIV; tư vấn, xét nghiệm HIV; giám sát HIV/AIDS và các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục (STI); dự phòng phơi nhiễm HIV; điều trị và chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS... Trung tâm phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; dự phòng lây nhiễm HIV trong các dịch vụ y tế; phòng, chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục; phòng, chống đồng lây nhiễm Lao và HIV; an toàn truyền máu liên quan đến HIV/AIDS. Hướng dẫn và giám sát chuyên môn, kỹ thuật về phòng, chống HIV/AIDS đối với các trung tâm y tế tuyến huyện và tuyến xã; tham gia nghiên cứu khoa học, ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật về HIV/AIDS… Nhiều năm qua, hệ thống phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh hoạt động tích cực, góp phần đắc lực trong công tác phòng, chống HIV/AIDS; chất lượng điều trị cho bệnh nhân AIDS ngày càng nâng cao. Năm 2018 số trường hợp nhiễm HIV phát hiện mới trên địa bàn tỉnh giảm 17%; số bệnh nhân AIDS giảm 23% so với năm 2017.
Để tăng cường năng lực hệ thống phòng, chống HIV/AIDS, Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh tích cực tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn. Năm 2018, Trung tâm đã tổ chức 10 lớp tập huấn cho 488 cán bộ trạm y tế tuyến huyện, tuyến xã về công tác lập kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS; 7 lớp tập huấn cho 336 cán bộ y tế thôn, đội tại các huyện: Ý Yên, Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Hải Hậu, Xuân Trường, Nam Trực, Trực Ninh về tư vấn chăm sóc hỗ trợ người nhiễm HIV tại nhà và cộng đồng; 3 lớp tập huấn về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho 180 cán bộ y tế cơ sở các huyện: Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu; 1 lớp tập huấn cho 30 cán bộ các cơ sở điều trị HIV/AIDS về điều trị và chăm sóc HIV/AIDS; 1 lớp tập huấn cho 42 cán bộ y tế thôn, đội các xã: Quang Trung, Cộng Hòa, Trung Thành (Vụ Bản)... Cùng với công tác đào tạo, tập huấn, Trung tâm đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học. Năm 2018, Trung tâm phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thực hiện đề tài nghiên cứu: “Đánh giá mô hình phối hợp lồng ghép dịch vụ điều trị HIV/AIDS và ma túy tại các tuyến ở một số tỉnh tại Việt Nam”; phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thực hiện đề tài nghiên cứu “Thực trạng và một số yếu tố ảnh hưởng đến cung cấp, sử dụng dịch vụ điều trị Methadone tại cơ sở y tế tư nhân ở Nam Định 2017-2018”... Những nỗ lực trong việc tăng cường năng lực hệ thống phòng chống HIV/AIDS của tỉnh đã góp phần nâng cao hiệu quả các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, hướng tới mục tiêu giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV trong cộng đồng xuống dưới 0,3% vào năm 2020.
Tuy nhiên công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều thách thức như: Độ bao phủ của các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS vẫn còn hạn chế. Việc tiếp cận các nhóm có hành vi nguy cơ cao như nghiện chích ma tuý, phụ nữ bán dâm, nhóm đồng tính nam còn gặp nhiều khó khăn. Nguồn ngân sách địa phương cho các hoạt động chuyên môn còn thấp, kinh phí từ các dự án viện trợ đang trong giai đoạn bị cắt giảm. Thời gian tới, công tác phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh cần có sự quan tâm chỉ đạo đầu tư của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở. Hệ thống phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh cần nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tiến tới đẩy lùi dịch HIV/AIDS ra khỏi đời sống xã hội./.
Bài và ảnh: Minh Thuận