Thời điểm giáp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân trên địa bàn tỉnh tăng cao. Trước những yếu tố nguy cơ mất an toàn thực phẩm, Sở Y tế - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành Vệ sinh an toàn thực phẩm của tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát các hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.
Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh kiểm tra mặt hàng rượu tại Siêu thị Big C (Thành phố Nam Định). |
Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo liên ngành Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh, các ngành chức năng tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thuộc phạm vi được phân công. Sở Y tế tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trong tỉnh; chuẩn bị sẵn các phương án xử lý các trường hợp ngộ độc thực phẩm. Sở Công thương kiểm tra phòng chống, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không xác định nguồn gốc xuất xứ đang được sản xuất và lưu thông trên địa bàn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thanh tra, kiểm tra việc đảm bảo chất lượng hàng hóa nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản. Cùng với việc quản lý lĩnh vực chuyên ngành phụ trách, các ngành tăng cường phối hợp, thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành các tuyến để kiểm tra công tác an toàn thực phẩm. Đối tượng thanh tra, kiểm tra chủ yếu là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp lễ, tết như thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, các cơ sở dịch vụ ăn uống. Tại tuyến tỉnh, 3 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm do đại diện 3 ngành Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm trưởng đoàn, thành viên trong đoàn có đại diện các ngành: Công an, Môi trường, Quản lý thị trường, Mặt trận Tổ quốc, chính quyền địa phương thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm với số lượng lớn, các chợ đầu mối, các siêu thị. Các cơ sở thực phẩm vừa và nhỏ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống do Ban chỉ đạo liên ngành Vệ sinh an toàn thực phẩm cấp huyện, xã tiến hành thanh tra, kiểm tra. Quá trình thanh tra, kiểm tra, cán bộ của ngành Y tế có dụng cụ, phương tiện để lấy mẫu xét nghiệm, kiểm tra, kiểm nghiệm tại chỗ. Mới đây, các ngành chức năng đã phối hợp với chính quyền địa phương bắt giữ, tiêu huỷ và xử phạt cơ sở Nguyễn Minh Tiến, xã Hải Bắc (Hải Hậu) 700kg nội tạng lợn phân huỷ; phạt Công ty trách nhiệm hữu hạn DT Xuân Trường ở xóm 8, xã Xuân Trung số tiền 10 triệu đồng do để xảy ra ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể; phạt cơ sở sản xuất giò chả Trần Thu Hằng ở phường Nguyễn Du (Thành phố Nam Định) vi phạm sử dụng phụ gia thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng với số tiền phạt 10 triệu đồng... Đặc biệt, ở lĩnh vực đang được người tiêu dùng quan tâm là rau, củ, quả, thịt, hải sản, ngành chức năng đã lấy trên 700 mẫu, gồm các mẫu thịt và sản phẩm thịt chế biến, mẫu, rau, củ, quả và các sản phẩm có nguồn gốc thực vật, mẫu thủy sản nuôi và thủy sản chế biến… Qua giám sát, phát hiện 13 mẫu vi phạm, gồm giò sử dụng hàn the, thịt nhiễm Salmonella, nấm linh chi vượt mức nhiễm vi sinh vật nấm men, tương ớt vi phạm chỉ tiêu hóa lý, nước đá nhiễm E.Coli và Coliform, thủy sản nuôi phát hiện kháng sinh cấm Chloramphenicol, Malachite green, chất bảo quản Ure và nhiễm vi sinh Salmonella... Sau khi tiến hành xử phạt, các ngành chức năng đã khuyến cáo các cơ sở nâng cao ý thức trách nhiệm, cam kết thực hiện sản xuất, kinh doanh, sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, ngày sản xuất và hạn sử dụng rõ ràng, đảm bảo an toàn thực phẩm…
Từ nay đến Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, các ngành: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương tích cực phối hợp với các huyện, thành phố duy trì thường xuyên các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát về an toàn thực phẩm. Trong đó tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có dấu hiệu vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội mùa Xuân như bánh, mứt, kẹo, bia rượu, nước giải khát, thịt, giò chả, thủy hải sản, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; các cơ sở đã được phát hiện trước đó có vi phạm các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm và quảng cáo thực phẩm. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kết hợp đẩy mạnh tuyên truyền các quy định của pháp luật, kiến thức về bảo đảm an toàn thực phẩm cho người sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm. Hướng dẫn người dân trong việc lựa chọn mua, tiêu dùng các sản phẩm thực phẩm an toàn, tẩy chay các cơ sở thực phẩm không đảm bảo vệ sinh và các sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn./.
Bài và ảnh: Minh Thuận